Ô tô là một vật dụng gắn liền với đời sống của con người. Với tầm quan trọng đó, các hãng xe luôn phải kiểm soát chặt chẽ quy trình làm ra sản phẩm của họ. Bất kỳ một sai lầm nào trong quy trình sản xuất ô tô cũng có thể dẫn tới những tổn thất về tính mạng và sức khỏe của người tiêu dùng. Đó là lý do vì sao các chính phủ, công ty luật và cá nhân luôn quan tâm đến việc các hãng xe có đáp ứng đầy đủ các tiêu chuẩn an toàn hay không.
Tất cả các tiêu chuẩn an toàn này tạo thành một khuôn khổ bảo vệ người tiêu dùng, môi trường, và chính cả các nhà sản xuất ô tô. Vì vậy, sẽ rất đáng xấu hổ nếu một hãng xe bị phát hiện ưu tiên lợi nhuận hơn là mạng sống của con người và sự trong sạch của môi trường.
Trong những trường hợp như thế, nhà sản xuất dễ dàng bị kiện. Dưới đây là 15 vụ kiện nổi tiếng ở Mỹ mà các hãng ô tô từng phải hứng chịu do sai lầm mà họ gây ra:
Vụ lỗi động cơ xe Toyota do cặn dầu
Hồi năm 2007, hãng xe Nhật Bản Toyota phải bồi thường cho những thiệt hại gây ra bởi lỗi của loại động cơ 2AZ-FE. Khách hàng của hãng này đâm đơn kiện do động cơ xe của họ bị ảnh hưởng bởi cặn dầu động cơ, khiến xe bị chết máy khi đang lái. Lỗi này ảnh hưởng đến tổng cộng 7,5 triệu xe Toyota và Lexus sản xuất hồi cuối thập niên 1990 và đầu những năm 2000. Hãng đã phải thông báo triệu hồi và sửa lỗi đối với 3,5 triệu xe trong số đó.
Vụ GM che giấu lỗi hệ thống đánh lửa
Trong suốt 10 năm, hãng xe Mỹ General Motors (GM) thừa biết một số mẫu xe họ làm ra có lỗi ở hệ thống đánh lửa, nhưng họ vẫn tiếp tục sản xuất 30 triệu chiếc xe như vậy trên toàn thế giới. Lỗi này bị cho là nguyên nhân gây ra những vụ tai nạn khiến tổng cộng 124 người thiệt mạng. Cuối cùng, GM cũng phải lĩnh hậu quả là 203 đơn kiện của người tiêu dùng. Hãng đã chi tổng cộng 2,5 tỷ USD để giải quyết vụ kiện và bồi thường cho khách hàng.
Vụ kiện Volkswagen của Cơ quan Bảo vệ môi trường Mỹ
Cách đây ít năm, hãng xe Đức Volkswagen bị phát hiện trang bị phần mềm “nói dối” về mức phát thải của động cơ diesel nhằm vượt qua các cuộc kiểm tra khí thải. Cơ quan Bảo vệ môi trường Mỹ (EPA) đã kiện Volkswagen, trên cơ sở rằng 475.000 ô tô chạy diesel mà Volkswagen đã bán ra ở nước này có mức phát thải cao gấp 40 lần cho phép trong luật Mỹ. Vụ kiện đã khiến Volkswagen thiệt hại 14,7 tỷ USD.
Vụ triệu hồi xe Pinto
Pinto là một mẫu xe subcompact giá rẻ của hãng Ford. Mẫu xe này có nhiều vụ phát nổ do thiết kế hệ thống nhiên liệu bị lỗi. 137 đơn kiện đã nhằm vào Pinto. Ford đã phải bồi thường khoảng 3,5 triệu USD cho một trong số những nguyên đơn này. Trong vòng 10 năm, hãng đã sản xuất khoảng 3 triệu chiếc Pinto, và vấn đề nằm ở việc bình xăng của chiếc xe được đặt ở phần phía sau của xe.
Vụ kiện xe không người lái
Xe không người lái được cho là an toàn, nên khi có tai nạn xảy ra với loại xe này, đó là một tin xấu. Các hãng ô tô và công nghệ hàng đầu như Tesla, Uber, Google, GM, BMW… đều sở hữu công nghệ xe không người lái. Tuy nhiên, công nghệ này của Tesla bị cho là nguyên nhân phía sau những vụ tai nạn khiến 6 người ở Mỹ thiệt mạng. Một vụ kiện tương tự nhằm vào BMW đã khiến hãng xe Đức phải chi 90 triệu USD để giải quyết, nên hoàn toàn có cơ sở để tin rằng Tesla cũng sẽ phải tiêu tốn một khoản không nhỏ.
Vụ kiện gần đây nhằm vào Hyundai và Kia
Gần đây, hơn 350 khách hàng của Hyundai và Kia báo cáo với Cơ quan An toàn giao thông cao tốc Mỹ (NHTSA) về việc xe của họ không hề có va quệt gì mà bỗng dưng bốc cháy. Trong vụ kiện diễn ra sau đó, hai hãng xe Hàn Quốc nhất trí chi 758 triệu USD để giải quyết sự việc với hơn 4,17 triệu tài xế.
Vụ kiện phụ tùng ô tô Mitsubishi
Mitsubishi Electric Automotive America là công ty hàng đầu ở Mỹ trong lĩnh vực sản xuất phụ tùng ô tô và cung cấp linh kiện cho các hãng xe lớn. Tuy nhiên, công ty này đã bị kiện vì hành vi thao túng giá cả và phân chia thị trường đối với một số linh kiện nhất định. Cuối cùng, công ty này phải chi tổng cộng 288 triệu USD để giải quyết vụ kiện.
Vụ kiện lỗi vô-lăng xe Fiat Chrysler
Hãng Fiat Chrysler đã bị tòa án yêu cầu phải chi 105 triệu USD để mua lại một số xe Dodge, SUV Chrysler và bán tải Ram vì những xe này có lỗi ở vô-lăng khiến tài xế bị mất điều khiển khi đang lái xe. Có tổng cộng hơn 2 triệu xe bị ảnh hưởng bởi lỗi này, và nhà sản xuất đã đề nghị thay thế một số xe cho khách hàng.
Lỗi tăng tốc không chủ ý của Toyota
Toyota lập luận rằng việc xe tăng tốc không do chủ ý của tài xế là do vướng thảm trải sàn xe và do tài xế vo tình đạp chân ga. Nhưng tòa án không chấp nhận cách lý giải này, và hãng phải bỏ ra 1,1 tỷ USD để giải quyết vụ kiện. Ngoài ra, Toyota cũng phải triệu hồi hơn 12 triệu xe trên toàn để khắc phục lỗi tăng tốc không chủ ý.
Vụ xe BMW phát nổ hàng loạt
Lỗi hệ thống điện và nước trong xe BMW X5 đã khiến hãng xe sang của Đức mất 477,7 triệu USD để giải quyết đơn kiện của khách hàng. Một công ty luật ở Los Angeles đã thuyết phục được tòa rằng sinh mạng thân chủ của họ bị đe dọa do lỗi này. Cuối cùng, tòa án ra phán quyết BMW phải bồi thường và khắc phục lỗi ở những xe BMW X5 có dưới 120.000 dặm trên công-tơ mét và dưới 10 năm tuổi.
Vụ kiện lỗi hệ thống truyền động của Ford
Hãng xe Ford phải chi thêm 30 triệu USD để giải quyết vụ kiện liên quan đến lỗi ở hộp số tự động ly hợp kép Powershift trang bị cho một số xe Fiesta và Focus. Vụ kiện diễn ra sau khi nhiều khách hàng Ford phàn nàn rằng hộp số của xe họ cứ sửa rồi lại hỏng. Ford tiết lộ rằng trước đó, hãng đã phải chi 47,4 triệu USD để mua lại xe có lỗi từ khách hàng.
Vụ triệu hồi xe Chevrolet do lỗi động cơ
Hãng General Motors (GM) vấp phải hai vụ kiện ở bang Oregon và Wahsington do trục trặc ở loại động cơ V8 Vortec 5300 LC9. Loại động cơ này có lỗi ngay từ khi chế tạo, bởi chúng tiêu thụ quá nhiều dầu. Hầu hết số xe bị ảnh hưởng là những chiếc SUV và bán tải cỡ lớn thuộc thương hiệu Chevrolet. Đến nay, vụ kiện vẫn chưa khép lại.
Vụ kiện lỗi giảm xóc sau của xe Honda
Chi nhánh Honda ở Mỹ bị cáo buộc bán xe Civic truyền thống và Civic hybrid có lỗi ở bộ giảm xóc phía sau khiến lốp sau nhanh hỏng. Honda phủ nhận cáo buộc này,nhưng vẫn chấp nhận chi tiền để giải quyết vụ kiện bằng cách thay lốp hỏng và hoàn tiền cho những chủ xe đã thay lốp trước đó.
Vụ triệu hồi xe Mercedes-Benz vì lỗi cửa sổ trời (sunroof)
Mercedes-Benz phải triệu hồi khoảng 750.000 xe vì lỗi cửa sổ trời, khiến cửa sổ này có thể rơi xuống người ngồi trong xe. Lỗi này được phát hiện ở một số xe sedan C-class và E-class, nguyên do là chất keo gắn giữ cửa sổ bằng kính với khung trượt có vấn đề. Hãng xe Đức phải chi 20 triệu USD để giải quyết vụ kiện.
Vụ kiện nhằm vào xe bán tải Ford
Công ty luật nổi tiếng trong ngành ô tô Mỹ Hagens Berman đưa hãng xe Ford ra tòa vì cho rằng hai mẫu bán tải Ford F-250 và F-350 gây ra những ảnh hưởng tiêu cực cho môi trường. Theo Hagens Berman, hai mẫu bán tải này có mức phát thải cao gấp 50 lần so với tiêu chuẩn liên bang. Vụ kiện đòi khoản bồi thưởng 4,2 tỷ USD để bù đắp sự ô nhiễm gây ra bởi 500.000 chiếc F-250 và F350.