Ngoài ra, Ferrari biết rõ mình có gì, và không để cho ai “chỉ bảo” hãng có thể làm hay không thể làm gì với những chiếc xe mà hãng sản xuất. Thay vào đó, nếu bạn sở hữu một chiếc Ferrari, thì chính Ferrari mới là người nói cho bạn biết bạn có thể và không thể làm gì với chiếc xe đó.
Ngay cả khi bạn đã trả tiền đầy đủ cho chiếc Ferrari mà bạn sở hữu, thương hiệu này vẫn có thể đâm đơn kiện bạn nếu bạn thay đổi vẻ bề ngoài của chiếc xe, điều chỉnh hiệu năng hay làm bất kỳ việc gì khác ảnh hưởng đến uy tín của “ngựa chồm”.
Từ những ngày đầu của Ferrari, bản thân nhà sáng lập hãng là Enzo Ferrari đã rất kỹ tính và mê tín. Ông luôn đích thân giám sát việc phá hủy hoàn toàn mỗi chiếc xe đua Ferrari gặp tai nạn. Những chiếc xe này bị đem đi dập nhằm mục đích tránh “vận đen” đeo bám.
Ferrari còn tiến xa đến nỗi nộp đơn lên một tòa án thương mại ở Bologna, Italy đề nghị công nhận 250 GTO - mẫu xe đã trở thành biểu tượng của hãng và được xem như “chén thánh” trong thế giới xe cổ - là một tác phẩm nghệ thuật. Tháng 6/2019, tòa án đã ra phán quyết chính thức công nhận 250 GTO là tác phẩm nghệ thuật, đồng nghĩa rằng bất kỳ hành động sao chép, làm “nhái” nào đối với mẫu xe này cũng đều là phạm pháp.
Trong suốt lịch sử của hãng, Ferrari đã nhiều lần kiện những người tìm cách thay đổi điều mà hãng cho là sự hoàn hào của xe Ferrari. Bằng quyết tâm sắt đá, hãng xe có trụ sở ở Modena làm bất kỳ điều gì có thể để đảm bảo rằng hình ảnh của hãng và những chiếc xe mà hãng tạo ra giữ được sự thuần khiết đúng như “dòng máu xe đua” chảy trong huyết quản Ferrari.
Dưới đây là 5 lần Ferrari chống lại khách hàng và tổ chức bên ngoài để bảo vệ thương hiệu của mình:
Vụ Ferrari F40 Barchetta Beurlys
Chiếc xe màu vàng trong ảnh bắt nguồn là một chiếc Ferrari F40 IMSA LM. Chiếc xe gốc đã từng được dùng làm xe đua trước khi thuộc về Jean Blaton, một vận động viên đua xe. Blaton đã tháo toang phần mui xe với sự giúp đỡ của Michelotto - công ty giữ vai trò nhà thiết kế gốc của F40.
Không chỉ mui xe bị thay đổi, toàn bộ hệ thống giảm xóc cũng bị điều chỉnh bằng phuộc lò xo, đầu ống xả được đưa về phía trước của bánh sau để tiết kiệm trọng lượng, và một lồng thép dạng ống được lắp đặt để lấy lại sự vững chãi cho thân xe.
Nhận thấy chiếc xe đã bị thay đổi gần như hoàn toàn so với thiết kế ban đầu, Ferrari đã yêu cầu chủ xe gỡ bỏ logo Ferrari trên chiếc xe. Và yêu cầu này đã được thực thi. Hiện nay, chiếc xe vẫn tham dự các sự kiện xe đua không chính thức của Ferrari.
Vụ “Purrari” 458 Italia của Deadmau5
Quy trình dán trang trí theo chủ đề mèo Nyan trên chiếc Ferrari 458 của Deadmau5.
Ferrari 458 không phải là một mẫu xe nổi trội của Ferrari, mà thực ra là một mẫu xe được sản xuất với số lượng lớn của thương hiệu này. Đây có thể là một lý do khiến một số chủ xe 458 muốn có vài điều chỉnh để chiếc xe của mình trở nên độc đáo hơn. Deadmau5 - một nghệ sỹ âm nhạc điện tử ở Toronto, Canada - đã “chơi lớn” bằng cách dán trang trí theo chủ đề con mèo Nyan (một hiện tượng mạng) lên chiếc Ferrari 458 của mình và đặt cho chiếc xe cái tên mới “Purrari”.
Dĩ nhiên là Ferrari không thích sự thay đổi này. Hãng cho rằng cái tên “Purrari”, phù hiệu mới, thảm trải sàn và biển số được trang trí của chiếc xe trông thực sự “gớm ghiếc”. Deadmau5 đã buộc phải gỡ bỏ lớp dán xe, vứt bỏ thảm trải sàn chủ đề và phù hiệu “Purrafi”. Trước khi bán tống bán tháo chiếc xe để tậu một chiếc Lamborghini, Deadmau5 còn phải công bố trên mạng xã hội Twitter rằng chiếc xe đã trở lại là “một chiếc 458 bình thường”.
Ferrari chống lại Purosangue
Purosangue là một mẫu xe SUV mà Ferrari dự kiến sẽ sớm ra mắt công chúng, hứa hẹn sẽ là sự khác biệt lớn so với các mẫu xe trước của hãng. Tuy nhiên, việc có được cái tên này cho chiếc xe không hề “dễ như lấy kẹo của trẻ con”.
Trở ngại lớn nhất nằm ở việc cái tên “Purosangue” - trong tiếng Italy có nghĩa là “dòng máu thuần khiết” - đang được sử dụng bởi một quỹ chống chất kích thích trong thể thao (doping). Và Ferrari hiện đang đâm đơn kiện quỹ này. Tổ chức Purosangue có vẻ không muốn chịu thua trong vụ kiện, nhất là bởi họ đã dùng cái tên này từ năm 2013.
Có lẽ Ferrari, một nhà sản xuất xe đua, nên tìm một cái tên khác cho mẫu SUV của mình, nhất là khi việc khăng khăng dùng cái tên “Purosangue” đồng nghĩa với việc hãng phải chống lại một tổ chức hoạt động vì những điều tốt đẹp trong thể thao.
Vụ bức ảnh đôi giày của Phillip Plein
Ferrari là một thương hiệu có tính thời trang xa xỉ, và đó chính là lý do hãng gặp vấn đề với nhà thiết kế thời trang người Đức có tên Phillip Plein.
Trên trang Instagram cá nhân, Plein đã đăng những bức ảnh sản phẩm thời trang do ông tạo ra cùng với chiếc Ferrari 812 Superfast của ông. Và Ferrari đã lên tiếng yêu cầu Plein gỡ những bức ảnh đó. Hãng cho rằng Plein đang sử dụng chiếc xe để gia tăng giá trị cho sản phẩm của ông và nâng cao vị thế của ông với tư cách một nhà thiết kế. Nghe qua, bạn có thể cho rằng chuyện này chẳng đáng gì, nhưng nhìn sâu hơn, bạn sẽ đồng tình với quan điểm của Ferrari.
Ngoài việc đăng ảnh sản phẩm chụp cùng xe Ferrari, Plein còn đăng những bức ảnh các cô gái ăn mặc “kiệm vải” đang rửa chiếc Ferrari đó. Tất cả những bức ảnh này đến nay đều đã bị xóa khỏi Instagram của Plein.
Vụ xe “nhái” Ferrari trong phim truyền hình Miami Vice
Là một bộ phim truyền hình với ngân sách khá eo hẹp, Miami Vice khó có thể sử dụng một chiếc xe đắt đỏ như xe Ferrari. Tuy nhiên, nhân vật chính trong phim lại là một tay đua thuyền nổi tiếng nên phải có một chiếc xe xứng tầm địa vị. Giải pháp là một chiếc xe Daytona “kit car” (loại ô tô bán theo bộ linh kiện mà người mua có thể lắp ráp) với hình dáng bên ngoài “nhái” xe Ferrari.
Ngay khi biết được chuyện này, Ferrari đã vào cuộc để bảo vệ tên tuổi của mình. Thay vì yêu cầu nhà sản xuất Miami Vice gỡ bỏ logo hay dừng việc sử dụng chiếc xe, Ferrari đề nghị cho nổ tung chiếc xe “nhái” trong một cảnh quay. Không ngờ, cảnh quay đó là một trong những khoảnh khắc hoành tráng và đáng nhớ nhất của bộ phim.
Sau đó, Ferrari cung cấp cho đoàn làm phim Miami Vice một chiếc Ferrari Testarossa xịn sò, vào thời điểm đó đang là mẫu xe “hot” nhất của hãng, để sử dụng trong phần còn lại của bộ phim.