Theo trang The Things, ngay từ thời kỳ đầu lập nên hãng xe Ferrari, Enzo đã xác định mục tiêu chỉ phục vụ cho đối tượng khách hàng giàu có. Điều này tạo ra khác biệt giữa Ferrari với nhiều hãng xe lớn khác như Volkswagen hay Toyota. Dấu ấn mà Ferrari để lại trong lịch sử công nghiệp ô tô cũng không giống ai: Đội đua xe của hãng luôn thuộc hàng xuất sắc nhất, những chiếc xe của hãng đã lập kỷ lục chiếc xe đắt giá nhất mọi thời đại - chỉ là hai trong số những ví dụ có thể kể đến.
Còn rất nhiều “bí mật” khác về Ferrari và nhà sáng lập hãng mà có thể bạn chưa biết. Dưới đây là 15 điều thú vị trong số đó được The Things điểm qua:
Từ tay đua đến ông chủ hãng xe
Khi còn là một cậu bé, Enzo Ferrari (1898-1988) luôn mơ ước trở thành một vận động viên đua xe. Ở tuổi 20, giấc mơ này của Enzo trở thành sự thật. Anh đua cho đội Alfa Romeo và thường xuyên đánh bại đối thủ ở các đội đua đối thủ như Mercedes hay Auto Union. Năm 1938, Enzo rời Alfa Romeo để mở công ty sản xuất xe đua của riêng mình. Tuy nhiên, phải đến năm 1947, Ferrari mới chính thức ra đời, khi chiếc xe đầu tiên gắn logo Ferrari ra mắt.
Chiếc xe Ferrari Enzo
Ferrari Enzo là chiếc xe được đặt tên theo tên của nhà sáng lập hãng, và là một trong những mẫu xe mang lại thành công rực rỡ nhất cho hãng. Được sản xuất từ năm 2002-2004, Ferrari Enzo được coi là siêu xe hiện đại nhất của thời đó. Chỉ 400 chiếc được sản xuất, trong đó chiếc xe xuất xưởng cuối cùng được trao tặng cho Giáo hoàng vào năm 2004.
Không chỉ có siêu xe
Rất thành công ở lĩnh vực siêu xe, Ferrari quyết định dùng thành công này làm đòn bẩy nhằm phát triển hãng thành một “đế chế” hàng xa xỉ. Với chiến lược này, hãng tung ra các dòng sản phẩm thời trang, nước hoa, đồng hồ… Tuy nhiên, mức độ thành công của mô hình kinh doanh mở rộng mà Ferrari theo đuổi vẫn cần có sự kiểm chứng của thời gian.
Ford từng muốn mua Ferrari
Henry Ford, nhà sáng lập hãng xe Mỹ Ford, từng có ý định thâu tóm Ferrari vào năm 1963, khi ông đưa ra lời chào mua với mức giá 18 triệu USD. Tuy nhiên, đàm phán đã đổ vỡ khi hai bên đề cập đến quyền kiểm soát đội đua xe Ferrari. Ngày nay, 67,1% cổ phần của Ferrari nằm trong tay các nhà đầu tư đại chúng; 22,9% do Exor NV (công ty sở hữu hãng Fiat Chrysler) nắm giữ; và 10% còn lại thuộc về Piero Ferrari, con trai của Enzo.
Ferrari sở hữu trường đua riêng
Là một cái tên gắn bó với việc sản xuất xe đua, Ferrari xứng đáng có một trường đua riêng. Đó là trường đua Pista di Fiorano dài 1,86 dặm (khoảng 3 km), được hãng dùng để thử xe.
Có lúc Ferrari muốn giảm sản lượng
Trong thế giới siêu xe ngày nay, Ferrari là một trong những thương hiệu đáng tin cậy nhất. Vị trí hàng đầu của Ferrari được đảm bảo bởi sự đặc biệt của mỗi chiếc xe mà hãng sản xuất. Đã vài lần Ferrari tìm cách cắt giảm sản lượng, nhưng giá trị vốn hóa của hãng vẫn tăng lên. Cần lưu ý rằng việc Ferrari giảm sản lượng hoàn toàn không phải do doanh số èo uột, mà nhằm đảm bảo sự đặc biệt của những chiếc xe gắn logo “ngựa chồm”.
Enzo Ferrari đề cao các vận động viên đua xe của hãng
Enzo yêu thích đường đua và cũng đề cao các tay đua của đội Ferrari. Ông đánh giá cao tài năng của họ và dành cho họ tình cảm trân trọng. Trên thực tế, ông trả thù lao cho huyền thoại Michael Schumacher cao đến nỗi anh trở thành vận động viên được trả cao nhất thế giới trong quãng thời gian đua cho Ferrari.
Lúc đầu, Ferrari không định sản xuất xe cho đường phố
Đối với Enzo, đua xe và xe đua là thế giới của ông. Ý định ban đầu của ông khi mở hãng Ferrari là sản xuất xe đua. Tuy nhiên, khi nhà máy và những chiếc xe đua của Ferrari bị tàn phá trong Chiến tranh thế giới thứ hai, nguồn thu của công ty cạn dần. Từ đó, Enzo quay sang sản xuất xe dùng cho đường phố nhằm để có ngân sách cho đội đua.
Xe Ferrari lập kỷ lục thế giới về giá
Ferrari 250 GTO “đắt như tôm tươi” trong thời gian mẫu xe này được sản xuất từ 1962 đến 1964. Ngày nay, khi trở thành xe cổ, 250 GTO thiết lập những kỷ lục khiến cả thế giới sửng sốt.
Vào tháng 6/2018, một chiếc GTO màu bạc sản xuất năm 1963 được cho là đã bán với giá 70 triệu USD trong một giao dịch riêng tư. Đây là mức giá cao nhất từng trả cho một ô tô trên thế giới.
Tiếp đó, tháng 8/2018, một chiếc GTO màu đỏ sản xuất năm 1962 được bán đấu giá thành công với mức giá 48,4 triệu USD, trở thành chiếc xe bán đấu giá đắt nhất từ trước đến nay.
Enzo Ferrari bị nhiều người ghét
Sự vĩ đại của nhà sáng lập Ferrari trong lĩnh vực siêu xe là điều mà không ai có thể phủ nhận. Nhưng ông cũng có bị nhiều người ghét, trong đó có cả những nhân viên, nhà quản lý và nhà thiết kế của Ferrari. Ngoài ra, Ferrucio Lamborghini - nhà sáng lập Lamborghini hay Henry Ford - nhà sáng lập Ford cũng không ưa gì Enzo.
Ferrari chưa từng làm xe SUV
Từ ngày thành lập đến nay, Ferrari chưa bao giờ sản xuất một chiếc SUV nào, và tương lai có lẽ cũng như vậy. Trong lịch sử 73 năm, hãng luôn tập trung vào lĩnh vực xe đua và siêu xe. Cũng khó hình dung việc Ferrari sẽ làm một chiếc sedan.
Ferrari “trẻ” hơn nhiều tên tuổi khác
Xét tới thành công của Ferrari, nhiều người có thể cho rằng số tuổi của hãng nhiều hơn con số 73. Trên thực tế, Ferrari “trẻ” hơn so với nhiều hãng xe nổi tiếng khác của Italy như Maserati, Lancia, Alfa Romeo hay Fiat.
Số mẫu xe của Ferrari rất ít
Nếu là một người yêu thích xe Ferrari, bạn có thể kể tên đa số các mẫu xe của hãng này mà không cần phải tra cứu. Số mẫu xe của Ferrari rất ít nếu so với nhiều hãng khác, bởi nhiều xe mà hãng làm ra được tùy biến theo yêu cầu của từng khách hàng, tạo nên những chiếc xe không “đụng hàng”.
Động cơ Ferrari được dùng cho xe của nhiều hãng khác
Động cơ ô tô mà Ferrari tạo ra cực kỳ mạnh mẽ, không chỉ có khả năng đưa xe tăng tốc lên vận tốc tối đa trong thời gian ngắn nhất có thể. Nhiều hãng xe khác như Fiat, Alfa Romeo và Maserati đều dùng động cơ Ferrari cho xe của họ.
Enzo Ferrari và kính râm
Trong hầu hết các bức ảnh mà công chúng có thể tìm thấy, Enzo Ferrari đeo kính râm. Theo nhiều nguồn tài liệu, ngoài ô tô, những cặp kính râm là một thứ khác mà nhà sáng lập Ferrari đặc biệt ưa thích.