Xe hydrogen: Kỳ vọng lớn và thực tế chông gai!

Phương Vy

Trung Quốc, Nhật Bản và Hàn Quốc, ba nền kinh tế hàng đầu khu vực châu Á, đều đặt mục tiêu hàng triệu xe chạy pin nhiên liệu hydrogen (FCV) trên đường vào cuối thập kỷ tới, dù mục tiêu này có thể ngốn nhiều tỷ USD.

Mirai, chiếc xe chạy hydrogen của Toyota.
Mirai, chiếc xe chạy hydrogen của Toyota.

Ở thời điểm hiện tại, xe hydrogen đang bị lấn át bởi xe chạy điện (EV) - loại xe đang chiếm một vị trí trung tâm trong chiến lược tương lai của các hãng xe lớn. Cảm hứng cho phát triển xe điện là thành công bước đầu mà hãng xe điện Mỹ Tesla gặt hái được, cũng như mục tiêu “xóa sổ” động cơ đốt trong để bảo vệ môi trường của nhiều quốc gia trên thế giới, trong đó có Trung Quốc.

Với sự lấn lướt của xe điện, nhiều nhà phê bình cho rằng xe hydrogen sẽ không bao giờ thoát khỏi địa vị một thị trường ngách. Tuy nhiên, những người ủng hộ công nghệ này nói rằng hydrogen mới là nguồn năng lượng sạch nhất dành cho ôtô. Họ cho rằng theo thời gian và với hạ tầng cung cấp nhiên liệu phủ sóng rộng hơn, xe chạy hydrogen sẽ ngày càng trở nên phổ biến.

Trung Quốc, nước hiện là thị trường ôtô lớn nhất thế giới với khoảng 28 triệu xe được bán hàng năm, đặt mục tiêu có hơn 1 triệu xe hydrogen trên đường vào năm 2030. Hiện nay, mới chỉ có khoảng 1.500 xe hydrogen ở Trung Quốc, chủ yếu là xe bus.

Nhật Bản, quốc gia tiêu thụ hơn 5 triệu ôtô mỗi năm, muốn có 800.000 xe hydrogen hoạt động vào năm 2030, từ mức khoảng 3.400 xe hiện nay.

Hàn Quốc - dù doanh số thị trường ôtô chỉ bằng khoảng 1/3 so với của Nhật Bản - đặt mục tiêu có 850.000 xe hydrogen trên đường vào năm 2030. Tuy nhiên, đến cuối 2018, mới chỉ có hơn 900 xe hydrogen được bán ở nước này.

Với những người ủng hộ xe hydrogen, nhiên liệu này có quá nhiều ưu điểm: sạch như nước, ít sinh nhiệt, và dễ sản xuất từ một số nguồn như methane, than, nước, và thậm chí là rác thải. Nhật Bản, một quốc gia nghèo tài nguyên, xem hydrogen là một phương thức để đảm bảo an ninh năng lượng tốt hơn.

Xe chạy hydrogen cũng có tầm đi và khoảng thời gian giữa các lần tiếp nhiên liệu dài không kém xe chạy xăng dầu, trong khi xe chạy điện chỉ chạy được vài trăm km sau mỗi lần xạc đầy.

Nhiều người ủng hộ xe hydrogen ở Trung Quốc và Nhật Bản xem loại xe này là sự bổ sung, chứ không phải là thay thế, cho xe chạy điện. Nói chung, hydrogen được xem là lựa chọn hiệu quả hơn cho các loại xe hạng nặng dùng cho di chuyển đường dài, vì vậy trọng tâm của xe hydrogen hiện nay là các loại xe bus đô thị.

Mới chỉ có một vài hãng xe tung ra thị trường xe hơi chạy hydrogen. Hãng Toyota tung ra chiếc sedan Mirai vào năm 2014, nhưng đến nay mới bán được chưa đầy 10.000 xe trên toàn cầu. Hãng Hyundai trình làng chiếc crossover Nexo vào tháng 3 năm ngoái, và mới bán được chưa đầy 2.900 xe trên toàn thế giới. Mẫu xe hydrogen trước đó của Hyundai, một chiếc Tucson, bán được khoảng 900 xe.

Nexo, một chiếc xe chạy hydrogen của hãng Toyota.
Nexo, một chiếc xe chạy hydrogen của hãng Toyota.

Chiếc Clarity Fuel Cell của hãng Honda chỉ dành cho thuê, trong khi chiếc GLC F-CELL của Daimler mới chỉ bán cho một số khách hàng là doanh nghiệp và cơ quan thuộc khu vực công.

Xe bus chạy hydrogen vẫn phổ biến hơn. Cả Toyota và Hyundai đều có các mẫu xe bus chạy hydrogen và hai hãng cũng đã bắt đầu bán linh kiện pin nhiên liệu hydrogen cho các nhà sản xuất xe bus, đặc biệt là ở Trung Quốc.

Nhiều hãng xe Trung Quốc đã tự sản xuất xe bus chạy hydrogen, trong đó phải kể tới hãng xe lớn nhất nước này SAIC Motor, hay hãng Geely.

Tình trạng thiếu các trạm tiếp nhiên liệu xe hydrogen - vốn có chi phí tốn kém để xây dựng - được xem là trở ngại lớn nhất đối với sự phổ biến của loại xe này. Ngoài vấn đề chi phí, sự thiếu vắng các trạm tiếp nhiên liệu hydrogen còn nằm ở việc không có đủ xe chạy hydrogen để mang lại lợi nhuận cho các trạm.

Nguy cơ cháy nổ là một rào cản khác. Người dân ở Nhật Bản và Hàn Quốc đã có những cuộc biểu tình phản đối việc xây dựng trạm nhiên liệu hydrogen. Năm nay, một vụ nổ bình chứa hydrogen ở Hàn Quố đã khiến hai người thiệt mạng, tiếp đó là vụ nổ xảy ra tại một trạm tiếp hydrogen ở Na Uy.

Giá xe chạy hydrogen là một vấn đề nữa. Loại xe này cần được trợ cấp nhiều để giá hạ xuống ngang với xe chạy xăng. Chiếc Mirai của Toyota có giá hơn 5 triệu Yên, tương đương 46.200 USD, sau khi đã được trợ giá 2,25 triệu Yên. Mức giá này vẫn cao gấp rưỡi so với giá một chiếc Camry.

Các hãng xe tin rằng một khi doanh số xe hydrogen tăng lên, tính kinh tế theo quy mô sẽ khiến cho việc trợ giá xe không còn cần thiết.

Theo Reuters

Tin mới

Giảm phí trước bạ: Cứu cánh cho thị trường ô tô trong nước đang ảm đạm?

Giảm phí trước bạ: Cứu cánh cho thị trường ô tô trong nước đang ảm đạm?

Ngay sau khi kết thúc kỳ nghỉ Tết Quý Mão 2023, thị trường ô tô Việt Nam đã có dấu hiệu lao dốc và ảm đạm dù vừa vượt mốc thị trường nhỏ vào cuối năm 2022. Để kích cầu, nhiều hãng ô tô tại Việt Nam liên tục tung ra những hình thức khuyến mại, ưu đãi lớn. Tuy nhiên, mọi cố gắng dường như chưa đủ sức để giúp doanh số bán hàng của thị trường tăng trưởng trở lại như kì vọng.
Hyundai Kona 2023 lộ diện với thiết kế “lột xác”

Hyundai Kona 2023 lộ diện với thiết kế “lột xác”

Hyundai Kona đã ra mắt lần đầu tiên cách đây hơn nửa thập kỷ vào năm 2017 và được nâng cấp vào năm 2020. Trước khi năm 2022 sắp kết thúc, nhà sản xuất ô tô Hàn Quốc hiện đang mang đến cái nhìn đầu tiên về Kona thế hệ thứ hai, mẫu xe nhận được sự thay đổi triệt để.
Diễn biến trái chiều thị trường ô tô Việt dịp cuối năm

Diễn biến trái chiều thị trường ô tô Việt dịp cuối năm

Cận Tết Dương lịch 2023 và Tết Nguyên đán Quý Mão, các hãng xe lắp ráp trong nước và xe nhập khẩu tại Việt Nam đang “chạy đua” triển khai các chương trình khuyến mãi, giảm giá để kích cầu. Mặc dù vậy, vẫn có những hãng xe đi ngược số đông vì nhiều lý do.