Hãng xe lớn nhất thế giới về doanh số nói rằng hãng đã chi một số tiền lớn để khắc phục hậu quả, nhưng hàng nghìn chủ xe vẫn kiên quyết từ chối kế hoạch 10 tỷ USD mà Volkswagen đưa ra để dừng vụ kiện. Những chủ xe này cho rằng mức bồi thường như vậy là chưa đủ.
Tòa án liên bang Mỹ ở San Francisco sẽ bắt đầu cuộc xét xử vào tuần tới, đồng nghĩa với Volkswagen thêm một lần trở thành tâm điểm chú ý theo chiều hướng tiêu cực. Đây sẽ là một thách thức nữa mà Volkswagen phải đương đầu trong bối cảnh công nghiệp ô tô toàn cầu chìm sâu trong suy thoái và bị đe dọa nghiêm trọng bởi dịch Covid-19.
Trong “Dieselgate” - vụ bê bối vỡ lở vào năm 2015 - Volkswagen thừa nhận 11 triệu xe chạy dầu diesel do hãng sản xuất trên toàn cầu được trang bị phần mềm “nói dối”. Phần mềm này giúp xe vượt qua các bài kiểm tra khí thải cho dù mức phát thải thực tế cao hơn mức cho phép của cơ quan chức năng.
Việc ra hầu tòa ở Mỹ có thể làm hoen ố thêm thanh danh của Volkswagen nếu bồi thẩm đoàn xác định rằng hành vi của hãng tồi tệ đến mức phải chịu bồi thường trừng phạt (punitive damages - mức bồi thường rất cao đối với một thiệt hại nhỏ, nhằm trừng phạt những công ty sản xuất những hàng hoá gây nguy hiểm cho cộng đồng phải cẩn trọng hơn) - theo nhận định của giáo sư Adam Zimmerman thuộc Trường Luật Loyola.
“Mức đòi bồi thường thiệt hại cho xe bị ảnh hưởng của các nguyên đơn riêng lẻ không phải là quá lớn”, ông Zimmerman nói. “Nhưng chắc chắn con số bồi thường trừng phạt chắc chắn sẽ lớn hơn rất nhiều”.
Dù đã 5 năm trôi qua kể từ khi “Dieselgate” bị phanh phui, Volkswagen vẫn đang chật vật xoay sở với những hệ lụy mà vụ bê bối để lại. Đây thực sự đã trở thành cuộc khủng hoảng doanh nghiệp lớn trong lịch sử hãng, đến hiện tại đã gây thiệt hại cho hãng khoảng 30 tỷ USD.
Các vụ kiện của nhà đầu tư và khách hàng nhằm vào Volkswagen vẫn kéo dài và ngổn ngang, cho dù hãng đã phải nộp phạt số tiền lớn cho cơ quan chức năng Mỹ và Đức.
Hai sếp lớn nhất của Volkswagen cũng chịu trận khi cơ quan công tố Đức hồi tháng 9 năm ngoái buộc tội Tổng giám đốc (CEO) Herbert Diess và Chủ tịch Hans Dieter Poetsch tội thao túng thị trường. Nhà chức trách cho rằng hai lãnh đạo này quá chậm chạp trong việc thông báo cho nhà đầu tư về những hành vi sai trái liên quan đến xe chạy diesel - cáo buộc mà cả ông Diess và ông Poetsch cùng bác bỏ.
Phiên tòa bắt đầu vào ngày thứ Hai tuần tới (2/3) sẽ tập trung vào đơn kiện của 10 chủ xe. Phán quyết của tòa trong vụ này sẽ là cơ sở để các luật sư của hai bên đánh giá sức nặng của các vụ kiện tương tự.
Vào năm 2016, Volkswagen được tòa án Mỹ cho phép chi tới 10 tỷ USD để mua lại xe từ hàng trăm nghìn chủ xe ở Mỹ và bồi thường thêm cho mỗi chủ xe 5.000-10.000 USD. Trong số 4.500 chủ xe không chấp nhận mức bồi thường này, khoảng 350 người vẫn đang kiện Volkswagen - một luật sư của hãng cho hay.
Volkswagen cho rằng hãng đã nộp phạt đầy đủ, trong đó có 4,3 tỷ USD tiền phạt hình sự và dân sự, nên không phải nộp phạt thêm. Mặc dù vậy, luật sư bảo vệ quyền lợi cho các chủ xe Volkswagen nói rằng những khoản phạt mà hãng xe này đã nộp là không liên quan gì đến thân chủ của họ, bởi số tiền đó rơi vào tay chính phủ và không được dùng để bồi thường cho những khách hàng bị Volkswagen lừa dối.
Ngoài ra, Volkswagen đang ra sức thuyết phục quan tòa không cho ông Louis Freeh, một cựu Giám đốc Cục Điều tra Liên bang Mỹ (FBI), giữ vai trò nhân chứng chuyên gia. Trong một bản báo cáo, ông Freeh có nói rằng khoản phạt 2,8 tỷ USD mà Bộ Tư pháp Mỹ áp lên Volkswagen lẽ ra phải dao động từ 34-68 tỷ USD.