Honda đã chính thức ra mắt mẫu xe CR-V 2020, một mẫu ô tô lắp ráp trong nước. Nói đúng hơn, Honda CR-V 2020 đã “trở lại lắp ráp”.
CR-V vốn là một mẫu xe lắp ráp tại Việt Nam song đã được Honda chuyển sang nhập khẩu từ Thái Lan để hưởng thuế suất thuế nhập khẩu 0% đối với các nước trong ASEAN, như Hiệp định ATIGA từ năm 2018. Và đến hôm nay, với những ưu đãi dành cho xe lắp ráp trong nước, Honda đã đưa mẫu xe “át chủ bài” của hãng trở về lắp ráp tại Việt Nam.
Đó là chiến lược của nhà sản xuất. Nhưng còn với người tiêu dùng, việc Honda CR-V 2020 được lắp ráp trong nước dù sao vẫn nhen nhóm hy vọng giá xe sẽ “mềm” hơn một chút. Tuy nhiên, thực tế giá Honda CR-V 2020 không hề thấp hơn so với giá của CR-V nhập khẩu, thậm chí cao hơn.
Honda CR-V 2020 được lắp ráp trong nước có 3 bản L, G và E, mức giá lần lượt là 998 triệu đồng cho bản E; 1,048 tỷ đồng cho bản G và 1,118 tỷ đồng cho bản L.
Để so sánh, mẫu Honda CR-V 2019 nhập khẩu có giá 983 triệu đồng với bản E; 1,023 tỷ đồng với bản G và 1,093 tỷ đồng với bản L. Như vậy, mức giá của CR-V 2020 lắp ráp trong nước cao hơn từ 15-25 triệu đồng so với bản nhập khẩu từ Thái Lan.
Tất nhiên, CR-V 2020 có một số cải tiến và khác biệt so với bản nhập khẩu đời 2019, cả về thiết kế ngoại và nội thất. Đặc biệt, phiên bản nâng cấp 2020 được bổ sung nhiều tính năng an toàn, trong đó nổi bật chính là gói công nghệ Honda Sensing.
Một mẫu xe lắp ráp trong nước đình đám khác cũng vừa ra mắt chính là Mitsubishi Outlander. Ngày 20/7, Mitsubishi Motors Việt Nam đã có lễ xuất xưởng những chiếc Xpander 2020 phiên bản AT đầu tiên lắp ráp tại nhà máy ở Bình Dương.
Những tưởng lắp ráp trong nước thì giá xe Mitsubishi sẽ giảm hơn so với xe nhập khẩu. Tuy nhiên, Xpander 2020 AT vẫn “đắt” tương đương mẫu xe nhập khẩu từ Indonesia được bán tại Việt Nam trước đó. Cụ thể, Xpander 2020 phiên bản AT có giá công bố 630 triệu đồng. Về thông số kỹ thuật và trang bị, bản lắp ráp không thua kém gì bản nhập khẩu. Xpander 2020 được trang bị động cơ MIVEC dung tích 1.5L, đi kèm là hộp số tự động 4 cấp, dẫn động cầu trước.
Mặc dù có mức giá ngang với phiên bản nhập khẩu, song người tiêu dùng trong nước khi mua Xpander 2020 lắp ráp ở thời điểm hiện tại vẫn được hưởng ưu đãi giảm 50% lệ phí trước bạ, do đó chi phí lăn bánh sẽ thấp hơn. Tương tự như vậy, với Honda CR-V 2020, người dùng cũng sẽ được giảm 50% phí trước bạ, giúp tiết kiệm được một số tiền so với mua xe nhập khẩu.
Vấn đề là từng có những suy đoán giá xe ô tô lắp ráp trong nước sẽ giảm, nhờ những chính sách ưu đãi dành cho dòng xe này. Hơn nữa, người tiêu dùng thường mặc định “xe trong nước là phải rẻ”. Song thực tế cho thấy, xe nhập khẩu giá đắt hơn một phần cũng do các loại thuế cao, dẫn đến giá bán cao.
Tuy vậy, trong xu thế hội nhập, các loại thuế dần được bãi bỏ, thậm chí về mức 0% thuế. Minh chứng rõ ràng nhất chính là Hiệp định Thương mại hàng hóa ASEAN (ATIGA) được áp dụng từ 1/1/2018. Theo đó, thuế nhập khẩu ôtô từ ASEAN về Việt Nam đã giảm về 0% vào năm 2018.
Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA) cũng chính thức có hiệu lực từ ngày 1/8/2020, và theo lộ trình, ô tô nhập khẩu từ châu Âu về Việt Nam cũng sẽ được giảm thuế đến 0% sau 10 năm. Chính vì vậy mà giá xe nhập khẩu đã được điều chỉnh dần về đúng giá trị của xe, không bị đội lên nhiều vì thuế, phí.
Trong khi đó, một số chuyên gia cho rằng phí nhập khẩu một số linh kiện để sản xuất ô tô trong nước đôi khi còn cao hơn so với việc nhập xe nguyên chiếc về bán. Tỷ lệ nội địa hóa của xe lắp ráp tại Việt Nam vẫn còn thấp, các nhà sản xuất vẫn phải nhập nhiều linh kiện về.
Hơn nữa, những mẫu xe lắp ráp trong nước vừa ra mắt gần đây cũng được thiết kế và trang bị không kém cạnh so với phiên bản nhập khẩu, thậm chí nhiều công nghệ hơn, do đó giá khó thấp hơn so với bản nhập.
Ở góc độ người tiêu dùng, lợi ích trước hết của việc mua xe lắp ráp, sản xuất trong nước chính là ưu đãi giảm 50% lệ phí trước bạ trong năm nay. Còn ở góc độ nhà sản xuất, có lẽ chiến dịch dịch chuyển sản xuất không chỉ phản ánh sự nhanh nhạy để hưởng ưu đãi của chính phủ đối với xe trong nước, mà còn liên quan đến nhiều chiến lược kinh doanh khác, chẳng hạn như sự cân đối nguồn xe để thích ứng với biến động thị trường, hay để chủ động hơn về nguồn cung.
Bài toán kinh doanh đối với nhà sản xuất chưa bao giờ đơn giản. Người tiêu dùng cũng không hề mong muốn mua xe với giá rẻ hơn cả chi phí sản xuất, mà chỉ mong muốn bỏ ra số tiền phù hợp khi sở hữu những chiếc xe đúng với giá trị thực của nó.