Mẫu Honda City trong quảng cáo là phiên bản RS sử dụng hệ truyền động hybrid Intelligent Multi-Mode Drive (i-MMD). Trong video quảng cáo, Honda City dễ dàng vượt qua chiếc sedan phân khúc D trên cả đường cao tốc và ở tốc độ thấp, bất chấp xe Camry “nỗ lực tuyệt vọng” khi không chở theo hành khách để chiếc xe nhẹ hơn và chạy nhanh hơn.
Sau đó, chiếc City còn có cú vượt qua cả Perodua Bezza và nhẹ nhàng đánh bại Camry. Vì sao Honda lại đưa ra quảng cáo “dũng cảm” như vậy? Bởi vì, theo Honda Malaysia, City có mô-men xoắn cỡ lớn, 253 Nm.
Để so sánh, Bezza có mô-men xoắn 121 Nm, Vios là 140 Nm và thậm chí Camry “chỉ” có 235 Nm. Trong biểu đồ so sánh ở trên, dù không nêu tên đối thủ, song Honda City thậm chí còn đề cập đến Nissan Almera sắp ra mắt, sản sinh mô-men xoắn 152 Nm từ động cơ ba xi-lanh tăng áp 1.0 lít.
Làm thế nào City đạt mô-men xoắn đó? Theo phân tích của trang Paultan, hệ thống i-MMD dựa trên hai động cơ điện, một động cơ là bộ khởi động / máy phát điện tích hợp với động cơ i-VTEC 1.5 lít Atkinson-cycle. Riêng động cơ này tạo ra công suất cực đại 98 mã lực từ 5.600 đến 6.400 vòng / phút và mô-men xoắn 127 Nm từ 4.500 đến 5.000 vòng / phút.
Nhưng động cơ thứ nhất chủ yếu như một máy phát điện, hoặc bộ sạc pin lithium-ion hoặc tiếp sức cho động cơ điện thứ hai. Động cơ thứ hai mới là động cơ chính, phần lớn thời gian sẽ điều khiển xe - nó tạo ra công suất 80 kW (109 PS) và mô-men xoắn cực đại 253 Nm. Điều này mang lại cho City một trong những lợi ích chính của một chiếc xe chạy hoàn toàn bằng điện, đó là mô-men xoắn tức thì khi tăng tốc từ trạng thái dừng xe.
Dù sao đi nữa, quảng cáo kiểu “cà khịa”, so sánh và “dìm hàng” đối thủ cạnh tranh sẽ không được phép tại Việt Nam. Vì thế, chắc chắn khi về Việt Nam, mẫu Honda City 2020 sẽ không thể tự tôn vinh theo cách này.