Ngày xưa, Henry Ford đã đầu tư vào sản xuất thép và cao su Brazil. Ngày nay, các nhà sản xuất ô tô đang nghiên cứu về pin và phần mềm.
Mới đây, Stellantis, chủ sở hữu của Chrysler, và nhà lắp ráp iPhone Foxconn, còn được gọi là Hon Hai Precision Industry, đã công bố một liên doanh phát triển phần mềm và dịch vụ trên xe. Đây là động thái mới nhất trong một chuỗi dài các động thái của các nhà sản xuất ô tô nhằm cải thiện chuỗi cung ứng của họ cho các loại xe kỹ thuật số, chạy hoàn toàn bằng điện.
Theo Wall Street Journal, các nhà sản xuất ô tô đang muốn kiểm soát nhiều hơn đối với các thành phần quan trọng, là trung tâm của hiệu suất và trải nghiệm xe điện. Nhưng họ lại không có nhiều kinh nghiệm và sẽ phải đầu tư mạnh tay nếu muốn tự đứng lên. Vì vậy, liên doanh với các nhà cung cấp chuyên môn là giải pháp.
Pin, thành phần đắt nhất trong một chiếc xe ô tô điện, là trọng tâm chính của các liên doanh. General Motors liên doanh với tập đoàn pin khổng lồ LG Chem của Hàn Quốc để sản xuất pin; Stellantis và Volkswagen cũng có giao dịch với các công ty pin châu Âu; Toyota bắt tay với Panasonic. Ford cho biết vào tháng trước rằng họ cũng muốn tham gia vào sản xuất pin, mặc dù chưa nêu chi tiết cách thức.
Stellantis-Foxconn thiết lập liên doanh Mobile Drive, áp dụng cách tiếp cận này cho phần mềm. Đó là một bước hợp lý, nhưng vẫn là một bước bất thường. Toyota và Volkswagen, hai nhà sản xuất ô tô lớn nhất tính theo doanh số, đang xây dựng các công ty phần mềm của riêng họ. Các công ty nhỏ hơn như Volvo và Renault đang dựa rất nhiều vào Alphabet, chủ sở hữu Google, công ty có phiên bản hệ điều hành điện thoại thông minh Android dành cho xe cộ.
Những cái bắt tay hợp tác này trong chuỗi cung ứng không phải đến bây giờ mới có. Vào những năm 1920, Henry Ford đã xây dựng nhà máy thép của riêng mình và thậm chí thành lập một đồn điền cao su ở Brazil, do những lo ngại về sự kìm hãm của Anh đối với cao su Đông Á khi ngành công nghiệp xe hơi bùng nổ. Với việc xe điện đang cất cánh, chính phủ Mỹ cũng đang lo ngại về sự kiểm soát của Trung Quốc đối với chuỗi cung ứng pin. Tesla đã nói về việc khai thác và tinh chế lithium, một thành phần quan trọng của pin.
Vì vậy, các khoản đầu tư vào pin ở Mỹ và Châu Âu như thế này có những lý do chính trị. Ngành công nghiệp xe hơi là trụ cột của một chiến lược công nghiệp mới. Tuy nhiên, giữa nhiều lo lắng về tình trạng thiếu chất bán dẫn, chúng cũng là động thái cạnh tranh của các nhà sản xuất ô tô để đảm bảo nguồn cung cho những thứ có thể trở thành một thành phần khan hiếm khác. Chất lượng pin cũng là yếu tố cần cân nhắc, bên cạnh chi phí và hiệu suất. Các nhà sản xuất ô tô vẫn đang nghiên cứu xem điều gì sẽ tạo nên sự khác biệt cho thương hiệu của họ trong thế giới xe điện, nhưng công nghệ pin - giống như bí quyết động cơ truyền thống của họ - là một phần hợp lý của sự kết hợp này.
Điều quan trọng hơn nữa trong cuộc cạnh tranh giành người mua xe điện là trải nghiệm người dùng. Trong đó, màn hình cảm ứng là trung tâm của trải nghiệm người dùng, là thành phần thiết yếu của thiết kế xe hơi. Đây sẽ là trọng tâm của Mobile Drive. Đối với Stellantis, lợi ích chính của liên doanh với Foxconn có thể là việc tiếp cận với chuyên môn về điện tử và phần mềm của Foxconn.
Stellantis và Foxconn muốn bán Mobile Drive cho các nhà sản xuất ô tô khác, giống như GM và LG Chem đã giới thiệu ô tô của họ cho các bên thứ ba dưới thương hiệu “Ultium”. Những tham vọng như vậy có lẽ là cách giải thích tốt nhất cho những khoản đầu tư vào chuỗi cung ứng gần đây của các đại gia ô tô và công nghệ, nó dễ dàng hơn so với việc một nhà sản xuất ô tô đơn lẻ có thể tự làm.
Tuy nhiên, đây cũng là những cú đặt cược rủi ro hơn so với các nhà sản xuất ô tô truyền thống đã từng làm. Phần mềm và pin đều thay đổi nhanh chóng và Thung lũng Silicon có nhiều kinh nghiệm hơn Detroit trong việc xây dựng các giao diện kỹ thuật số bóng bẩy. Những bước đi sai lầm là không thể tránh khỏi, nhưng có một số điều an ủi cho các nhà đầu tư là các công ty đang cùng nhau chia sẻ rủi ro.