Theo hãng tin Bloomberg, chiếc xe điện mang thương hiệu Hengchi sẽ ra mắt trong nửa đầu năm tới và sẽ được sản xuất hàng loạt bắt đầu từ năm 2021 - Evergrande cho biết hồi tuần trước.
Từ cuối năm ngoái, Evergrande đã chi hơn 3,6 tỷ USD để thâu tóm một loạt công ty liên quan đến xe chạy điện và cam kết sẽ đầu tư hàng tỷ USD nữa vào lĩnh vực này. Trước đây, Evergrande từng hứa sẽ trình làng một mẫu xe hoàn toàn chạy bằng điện vào tháng 6 năm nay, nhưng cuối cùng chỉ ra mắt một chiếc xe mẫu thuộc một chi nhánh ở Thụy Điển.
Evergrande - tập đoàn phát triển bất động sản lớn nhất Trung Quốc về doanh thu - đã nhảy vào nhiều lĩnh vực kinh doanh không liên quan đến nhà đất, từ bóng đá cho tới y tế. Tuy nhiên, tham vọng của hãng trong lĩnh vực xe điện được đánh giá là táo bạo.
Trong một lễ ký kết thỏa thuận vào hôm thứ Ba tuần trước, Chủ tịch Evergrande, tỷ phú Hui Ka Yan, tuyên bố tập đoàn đặt mục tiêu trở thành hãng sản xuất xe điện lớn nhất thế giới. Theo ông Hui, Evergrande sẽ phải tiến nhanh trong lĩnh vực xe điện cho dù thiếu công nghệ và kinh nghiệm.
“Về công nghệ lõi và các công ty sẵn có để mua, tôi sẽ mua hết”, ông Hui phát biểu trước 200 đối tác tiềm năng trong sự kiện diễn ra ở Quảng Châu. “Về những thứ không mua được, chúng tôi sẽ bắt tay để hợp tác”.
Ông Hui hiện là người giàu thứ ba Trung Quốc với giá trị tài sản ròng ước tính khoảng 26,7 tỷ USD. Đầu năm nay, ông tuyên bố Evergrande “sẽ phấn đấu trở thành hãng xe điện lớn nhất, mạnh nhất thế giới trong vòng 3-5 năm”.
Tham vọng này của ông Hui đặt ông vào thế đối đầu không chỉ với tập đoàn Tesla của tỷ phú Mỹ Elon Musk, mà còn với các hãng xe hàng đầu thế giới khác. Tesla đã sản xuất xe điện từ nhiều năm nay, trong khi các “đại gia” công nghiệp ôtô truyền thống cũng đang rót hàng tỷ USD vào nghiên cứu và sản xuất xe chạy điện.
Ngoài ra, Evergrande cũng sẽ phải cạnh tranh với hàng trăm công ty xe điện của Trung Quốc, vào thời điểm mà doanh số thị trường xe điện nước này tụt dốc vì Chính phủ giảm trợ cấp.
Tính đến tháng 3 năm nay, có 486 nhà sản xuất xe chạy năng lượng mới đăng ký ở Trung Quốc, theo số liệu của Nền tảng Giám sát Quốc gia về xe năng lượng mới, một tổ chức theo dõi ngành này. Nhiều nhà sản xuất trong số này đã huy động hàng tỷ USD tiền vốn trong mấy năm qua, đặt ra nguy cơ bong bóng, dẫn tới việc Bắc Kinh cắt giảm trợ cấp nhằm mục đích để những hãng yếu phải tự rút khỏi cuộc chơi.
BYD Co., hãng sản xuất lớn nhất thế giới các loại xe chạy năng lượng mới và được tỷ phú Mỹ Warren Buffett rót vốn, tháng trước báo lợi nhuận quý 3/2019 giảm 89% so với cùng kỳ năm ngoái. BYD cảnh báo lợi nhuận có thể giảm tới 43% trong năm nay. Một hãng xe điện khác là BAIC BluePark New Energy Technology dự báo sẽ lỗ cả năm.
Trong khi đó, Tesla đã xây xong nhà máy ở Thượng Hải và bắt đầu sản xuất xe tại nhà máy này.
Không ngại thách thức, Evergrande tuyên bố giữ nguyên kế hoạch là đạt công suất sản xuất dài hạn 5 triệu xe mỗi năm. Doanh số ô tô chạy điện hàng năm ở Trung Quốc mới chỉ vượt mốc 1 triệu xe vào năm ngoái.
Trong buổi lễ ký kết vào tuần trước, Evergrande ký thỏa thuận hợp tác với khoảng 60 nhà sản xuất phụ tùng. Theo ông Hui, Evergrande đang phát triển 15 mẫu xe điện, từ xe tầm trung tới xe sang.
Ngoài ra, tập đoàn này cũng có kế hoạch xây dựng 10 nhà máy sản xuất xe ở Trung Quốc, Thụy Điển và các quốc gia nằm trong sáng kiến “Vành đai và Con đường” của Chính phủ Trung Quốc để mở rộng sản xuất và giảm chi phí. Hiện Evergrande đã có nhà máy sản xuất xe ở Thiên Tân, Thẩm Dương, Thượng Hải và Quảng Châu.