Hôm thứ Sáu (28/2), Văn phòng Y tế Liên bang Thụy Sỹ ra tuyên bố cấm các sự kiện có sự tập trung của hơn 1.000 người cho tới ít nhất ngày 15/3 nhằm ngăn ngừa sự lây lan của virus.
“Chúng tôi rất lấy làm tiếc về tình trạng này, nhưng sức khỏe của tất cả mọi người tham dự triển lãm là ưu tiên cao nhất của chúng tôi”, các nhà tổ chức Geneva Motor Show - sự kiện thường niên vào hàng quan trọng nhất của ngành công nghiệp ô tô thế giới - nói trong một tuyên bố sau đó.
Nếu được tổ chức, triển lãm năm nay sẽ mở cửa cho báo giới vào ngày 2/3. Tiếp đó, triển lãm sẽ mở cửa cho công chúng từ ngày 5/3 đến hết ngày 15/3.
Trước khi triển lãm bị hủy, một số hãng xe đã lên kế hoạch cắt giảm sự hiện diện tại triển lãm do dịch corona. Chẳng hạn, hãng Toyota tuyên bố chỉ cử tới Geneva các nhà điều hành và nhân viên quan hệ công chúng phụ trách thị trường châu Âu.
Theo các nhà tổ chức, Triển lãm ô tô Geneva mỗi năm quy tụ khoảng 220 hãng xe, 10.000 nhà báo và 660.000 khách tham quan.
Kỳ triển lãm thường niên này là dịp để các hãng sản xuất ô tô trình làng những mẫu xe đắt nhất và độc đáo nhất thế giới. Ngoài ra, sự kiện cũng là nơi ra mắt nhiều mẫu xe đại chúng.
Mới tuần trước, hãng xe Đức Volkswagen tuyên bố sẽ giới thiệu tại triển lãm 3 phiên bản của Golf - mẫu xe bán chạy nhất của hãng, bao gồm bản hiệu năng cao GTI.
Do triển lãm bị hủy, một số hãng xe đã chọn cách ra mắt xe mới trên mạng Internet. Hãng BMW tuyên bố sẽ giới thiệu mẫu xe điện Concept i4 trong một buổi lễ được truyền trực tiếp (live-stream) từ trụ sở của công ty ở Munich, Đức vào ngày (3/3).
Các hãng Porsche, Bentley, Audi và Mercedes-Benz cũng chọn cách tương tự để ứng phó với tình hình.
Lệnh cấm của nhà chức trách Thụy Sỹ được đưa ra sau khi nước này phát hiện 15 ca nhiễm Covid-19. Italy đã có ít nhất 650 ca nhiễm và 17 người chết vì bệnh này. Giới chức Pháp công bố 38 ca nhiễm và 2 người chết.
Biên tập viên mục ô tô David Leggett thuộc công ty phân tích dữ liệu GlobalData cho rằng các nhà tổ chức Triển lãm ô tô Geneva chậm chạp trong việc đưa ra quyết định hủy sự kiện, xét tới số ca nhiễm Covid-19 tăng vọt ở miền Bắc Italy trong tuần trước đó.
“Các nhà tổ chức có vẻ như đã lưỡng lự, không muốn đối mặt với thực tế khủng hoảng sức khỏe cộng đồng”, ông Leggett phát biểu.
Đối với các hãng xe, việc sự kiện ở Geneva bị hủy là đòn mới nhất trong chuỗi thách thức liên tục ập đến thời gian gần đây. Dịch bệnh đã khiến các hãng xe phải đóng cửa hàng loạt nhà máy ở Trung Quốc, thị trường ô tô lớn nhất thế giới. Doanh số ô tô ở Trung Quốc cũng lao dốc thảm hại do ảnh hưởng của dịch.
Nhà máy đóng cửa, chuỗi cung ứng bị gián đoạn và niềm tin người tiêu dùng suy giảm đe dọa đẩy công nghiệp ô tô chìm sâu hơn vào suy thoái. Theo dữ liệu của LMC Automotiv, doanh số ô tô toàn cầu giảm còn 90,3 triệu xe trong năm 2019, từ mức 94,4 triệu xe trong 2018 và 95,2 triệu xe trong 2017.
Theo giới chuyên gia, tình trạng suy giảm doanh số sẽ khiến ngành ô tô gặp nhiều khó khăn hơn trong cuộc dịch chuyển mang tính lịch sử từ động cơ đốt trong sang động cơ điện để ứng phó với khủng hoảng khí hậu.
Triển lãm ô tô Geneva là triển lãm kinh doanh lớn thứ hai ở châu Âu bị hủy vì dịch Covid-19. Hội nghị Thế giới di động (Mobile World Congress) - sự kiện thường niên hàng đầu thế giới của ngành công nghệ với khoảng 100.000 người tham dự - đã bị hủy vào đầu tháng này.
Cũng trong tuần trước, Facebook đã hủy F8 - sự kiện thường niên lớn nhất của mạng xã hội này - do nỗi lo dịch bệnh.