Doanh số bán ô tô quý 3/2021 của Trung Quốc đã giảm so với cùng kỳ năm trước. Đây là lần giảm sút doanh số đầu tiên trong hơn 1 năm qua, nguyên nhân được cho là do tình trạng thiếu chip toàn cầu tiếp tục kìm hãm thị trường ô tô lớn nhất thế giới.
Hiệp hội Xe du lịch Trung Quốc cho biết doanh số bán xe trong tháng 9 đã giảm 17% so với một năm trước đó xuống còn 1,58 triệu xe, mức giảm tồi tệ nhất kể từ tháng 3 năm ngoái. Doanh số bán hàng trong quý từ tháng 7 đến tháng 9 đã giảm 13% so với một năm trước đó.
Theo Wall Street Journal, các thị trường ô tô lớn trên thế giới đang phải vật lộn với tình trạng thiếu chip lịch sử và Trung Quốc cũng không ngoại lệ. Tình trạng thiếu hụt gia tăng mạnh trong quý thứ ba khi các ca nhiễm COVID-19 tăng mạnh ở Đông Nam Á - bao gồm cả Malaysia, nơi các chất bán dẫn được gửi đi kiểm tra và đóng gói.
Trong những tháng gần đây, nhiều nhà máy sản xuất ô tô ở Mỹ và Nhật Bản đã phải ngừng hoạt động vì thiếu chất bán dẫn. Tại Mỹ, doanh số bán ô tô trong tháng 9 đã giảm 25%, theo Wards Intelligence.
Tại Trung Quốc, Cui Dongshu, Tổng thư ký hiệp hội xe du lịch cho biết, chính sách thắt chặt tiền tệ, thị trường bất động sản suy yếu và thu nhập trong lĩnh vực sản xuất giảm đã ảnh hưởng đến niềm tin của người tiêu dùng. Ngoài ra, tình trạng mất điện ở nhiều khu vực khác nhau của Trung Quốc, cũng khiến sản lượng xe bị hạn chế trong tháng 9, càng làm gia tăng rủi ro đối với tình hình sản xuất ô tô.
Tháng trước, Hiệp hội các đại lý ô tô Trung Quốc cho biết thời điểm tồi tệ nhất của cuộc khủng hoảng thiếu chip trong nước đã qua và họ hy vọng vấn đề khó khăn trong nguồn cung sẽ giảm bớt. Tuy nhiên, có thể mất ít nhất ba tháng để có thể cảm nhận được tác động trên thị trường bán lẻ, hiệp hội các đại lý cho biết.
Vào tháng 9, doanh số bán hàng của các nhà sản xuất ô tô toàn cầu bị ảnh hưởng nặng nề ở Trung Quốc. Toyota cho biết doanh số bán hàng tại nước này đã giảm 35,9% so với cùng kỳ năm ngoái xuống còn 115.000 xe do thiếu chất bán dẫn và các bộ phận khác vì số ca nhiễm COVID-19 ở Đông Nam Á gia tăng. Một phát ngôn viên của Toyota cho biết gần đây hãng đã tạm dừng một số dây chuyền sản xuất tại Trung Quốc.
Doanh số bán hàng của Honda tại Trung Quốc giảm 28,1%, trong khi Nissan cho biết doanh số bán hàng của họ giảm 26,2%. Dữ liệu từ hiệp hội xe du lịch cho thấy, doanh số bán hàng của hai liên doanh Volkswagen AG tại Trung Quốc lần lượt giảm 48,6% và 23,1%.
Guan Bolang, một đại lý Toyota tại Quảng Châu cho biết: “Hàng tồn kho đang ở mức thấp nhất mọi thời đại. Do gián đoạn sản xuất, khách hàng đặt mua một số mẫu xe có thể phải chờ hàng tháng trước khi được giao, trong thời gian đó người tiêu dùng có thể hủy đơn đặt hàng.
Trong báo cáo hàng quý, General Motors cho biết đã giao 623.000 xe tại Trung Quốc trong quý từ tháng 7 đến tháng 9, giảm khoảng 19% so với một năm trước đó, do gián đoạn trong chuỗi cung ứng chất bán dẫn.
Theo Paul Gong, nhà phân tích ô tô Trung Quốc tại UBS, nhu cầu của người tiêu dùng Trung Quốc thường tăng mạnh trong quý 4, vì thế tác động của sự gián đoạn chuỗi cung ứng đối với doanh số bán hàng có thể sẽ còn lớn hơn nữa.
Bên cạnh thiếu hụt chất bán dẫn, các nhà sản xuất ô tô và sản xuất linh kiện cũng phải đối mặt với tình trạng tăng giá các nguyên liệu như coban, lithium, thép và nhôm. Coban và lithium rất cần thiết để sản xuất hầu hết các loại pin xe điện.
Chi phí nguyên vật liệu tăng cao xảy ra đồng thời với thời điểm nhu cầu sản xuất xe điện của Trung Quốc tăng cao. Hiệp hội xe du lịch cho biết, vào tháng 9, doanh số xe năng lượng mới - chủ yếu là xe điện - ở Trung Quốc đã tăng hơn gấp ba lần so với một năm trước đó lên 334.000 xe.
Tesla Inc. đã bán được 56.006 xe sản xuất tại Trung Quốc trong tháng 9, 6,9% trong số đó được xuất khẩu sang các thị trường khác. Trước áp lực chi phí nguyên vật liệu tăng cao, Tesla cho biết, họ đã tăng giá xe Model Y Performance sản xuất tại Thượng Hải lên 2,6%. M ột nhân viên bán hàng tại một cửa hàng Tesla ở Bắc Kinh cho biết những người mua Model Y đặt hàng vào tháng 10 sẽ phải đợi đến năm sau mới nhận xe.
Các nhà sản xuất xe điện Trung Quốc đã công bố doanh số bán hàng kỷ lục vào tháng Chín. Công ty BYD đã bán được 71.099 xe sử dụng năng lượng mới, còn NIO và XPeng mỗi công ty đã giao hơn 10.000 xe.