Theo hãng tin Reuters, Mercedes-Benz đang tăng cường đầu tư vào các cơ sở của hãng ở Bắc Kinh và Thượng Hải, đón đầu các quy định và xu hướng tiêu dùng tại Trung Quốc, thị trường xe hơi có quy mô lớn hơn cả Mỹ và Đức cộng lại.
Ba năm sau khi công bố những kế hoạch ban đầu tăng cường nghiên cứu và phát triển (R&D) trong nước, thương hiệu xe hơi hạng sang thuộc sở hữu của Daimler sẽ khai trương Trung tâm Công nghệ mới của Trung Quốc tại Bắc Kinh trong tháng này.
Với 1.000 kỹ sư, trung tâm công nghệ mới có quy mô gấp ba lần trung tâm Mercedes-Benz mở vào năm 2014 và là trung tâm đầu tiên bên ngoài nước Đức có thể kiểm tra "mọi thứ", ngang hàng về mặt kỹ thuật với trung tâm R&D tại trụ sở Mercedes-Benz ở gần Stuttgart.
Mercedes-Benz cũng đã đầu tư đáng kể vào việc nâng cấp xưởng thiết kế ở Trung Quốc, chuyển toàn bộ đội ngũ từ Bắc Kinh đến Thượng Hải - thành phố với khoảng 25 triệu người được mệnh danh là thủ đô thiết kế xe hơi của Trung Quốc.
Mercedes-Benz có lý do chính đáng để nâng cao hoạt động của mình tại Trung Quốc.
Doanh số bán ô tô của Mercedes-Benz tại Trung Quốc đã tăng 12% trong năm ngoái lên mức kỷ lục 774.000 chiếc bất chấp đại dịch, dẫn trước cả hai thị trường lớn tiếp theo là Đức với 286.000 chiếc và Mỹ với 275.000 chiếc.
Khoảng 80% ô tô mà họ bán ra ở Trung Quốc cũng được sản xuất tại đất nước này, sản phẩm thường có một loạt các tính năng và kiểu dáng chỉ dành cho Trung Quốc. Doanh số tại châu Á nói chung chiếm gần một nửa doanh số toàn cầu của Mercedes-Benz vào năm 2021.
Thị trường ô tô của Trung Quốc là thị trường lớn nhất thế giới kể từ năm 2009, dự kiến sẽ tiếp tục tăng trưởng ổn định, với nhu cầu dự báo sẽ đạt 35 triệu xe vào khoảng năm 2030 so với 25 triệu hiện nay.
Xe Mercedes-Benz sản xuất tại Trung Quốc để phục vụ người Trung Quốc
Nhưng Mercedes-Benz, giống như tất cả các nhà sản xuất ô tô nước ngoài ở Trung Quốc, đang chịu áp lực ngày càng lớn từ các công ty khởi nghiệp xe điện địa phương như Xpeng, Li Auto và Nio và những chiếc xe thời trang của họ với các tính năng công nghệ cao phù hợp với người tiêu dùng Trung Quốc.
Đó là lý do tại sao chiến lược "ngôi nhà thứ hai" của nhà sản xuất ô tô Đức đối với Trung Quốc là tập trung vào thiết kế và công nghệ, để đáp ứng nhanh chóng với bối cảnh luôn thay đổi và củng cố vững chắc thương hiệu Mercedes-Benz.
Bill Russo, trưởng bộ phận tư vấn Automobility Ltd ở Thượng Hải cho biết người Trung Quốc kỳ vọng những trải nghiệm hệ sinh thái dịch vụ kỹ thuật số bản địa hóa trên xe hơi và những giải pháp như vậy phải được hình thành và xây dựng bởi những người sống ở Trung Quốc và thực sự hiểu về ô tô và internet di động,
Khách hàng của Mercedes-Benz ở Trung Quốc trung bình 36 tuổi - trẻ hơn ở Đức khoảng 20 tuổi - và hiểu biết về công nghệ hơn, nhưng họ cũng nổi tiếng không trung thành, luôn nhảy từ thương hiệu này sang thương hiệu khác khi xu hướng thay đổi.
Mercedes đã chi 1,1 tỷ nhân dân tệ (170 triệu USD) để nâng cấp trung tâm, nhằm đảm bảo hãng có thể thực hiện một loạt thử nghiệm tại địa phương - thay vì phải gửi các công nghệ mới đó đến trụ sở Sindelfingen ở Đức. Điều này nhằm đạt được sự gần gũi với khách hàng và nhu cầu của họ. Ngay tại Trung Quốc, Mercedes-Benz sẽ có đủ mọi thứ cần thiết để chạy thử chiếc xe.
Trung tâm Mercedes-Benz tại Trung Quốc có thể kiểm tra khung gầm hiện đại và các loại khác, bao gồm cả tiếng ồn, độ rung và độ khắc nghiệt, cũng như pin và hệ thống truyền động e-drive, đồng thời có thể linh hoạt thay thế những cái mới khi công nghệ phát triển.
Mercedes cũng đã bổ sung các chức năng được coi là quan trọng đối với khách hàng Trung Quốc, chẳng hạn như một nhóm chuyên về công nghệ xe điện thông minh, kết nối Internet. Bởi vì, các khách hàng Trung Quốc am hiểu công nghệ yêu cầu tính bản địa hóa trên ô tô thông minh, khả năng kết nối và lái xe tự động.
Ô tô màu vàng hồng
Màu sắc là một trong những động lực riêng tại Trung Quốc, và nó khởi nguồn cho việc nghiên cứu sở thích của những người mua hàng xa xỉ trẻ tuổi. Studio Mercedes-Benz đã dùng "kim loại vàng hồng", một biến thể trên tông màu vàng hồng được điều chỉnh cho ngoại thất của những chiếc xe lần đầu tiên sử dụng gam màu này, như chiếc sedan Mercedes-Benz A-Class L vào năm 2018. Những chiếc xe điện mới như EQA và EQB hiện cũng có màu vàng hồng và nó cũng là tông màu nội thất trong EQC. Trong khi Mercedes phục vụ khách hàng Trung Quốc, thì một số ý tưởng đó cũng sẽ ứng dụng trên toàn cầu.
Việc chuyển trung tâm đến Thượng Hải là có lý do của nó. Các nhà thiết kế thường phác thảo một chiếc ô tô trên giấy hoặc màn hình máy tính cảm ứng và các nhà tạo mẫu chuyên nghiệp sau đó giúp điêu khắc các thiết kế thành mô hình đất sét. Mercedes-Benz có kế hoạch ít nhiều loại bỏ những mô hình vật lý đó.
Theo quy trình mới, studio ở Thượng Hải sẽ xem xét các thiết kế của mình bằng cách sử dụng các công cụ ảo, bên cạnh các mô hình vật lý có kích thước một phần tư. Nếu studio lọt vào vòng chung kết của các cuộc thi nội bộ về thiết kế xe hơi, hãng sẽ cử các nhà thiết kế và người tạo mẫu đến studio chính ở Đức để tạo ra các mô hình kích thước như thật cho vòng cuối cùng.
Phản ứng nhanh nhạy với các yêu cầu của chính phủ
Động lực tăng cường phát triển công nghệ của Daimler ở Trung Quốc đến đúng thời điểm Bắc Kinh đang có những chính sách mạnh mẽ. Những tháng gần đây, hoạt động chấn chỉnh kinh doanh sâu rộng của Bắc Kinh đã khiến nhiều công ty lao đao, đè nặng lên lĩnh vực ô tô.
Từ công nghệ pin đến các loại hình ô tô mới bao gồm kết nối thông minh và lái xe tự động, các chính sách và quy định của Trung Quốc đang thay đổi và phát triển nhanh chóng. Một trong những người liên hệ thân cận với Daimler cho biết: “Nếu bạn phản ứng với sự thay đổi sau khi các chính sách và quy định có hiệu lực thì đã quá muộn”.
Nghĩa là, mọi phản ứng phải được đưa ra nhanh hơn cả chính sách. Với suy nghĩ đó, trung tâm công nghệ hợp tác chặt chẽ với nhóm phụ trách đối ngoại của thương hiệu, những người luôn nắm bắt được nhịp điều tiết của chính phủ - và điều đó đã được chứng minh là chìa khóa khi nói đến cái gọi là công nghệ xe-cho-tất cả mọi thứ, hoặc V2X (vehicle-to-everything).
V2X kiểm soát thông tin liên lạc giữa ô tô và "mọi thứ" bên ngoài, từ tín hiệu di động 5G đến vệ tinh quỹ đạo trái đất đến đèn giao thông thông minh và camera trên đường.
Tại Trung Quốc, các phương tiện sẽ sớm phải trang bị các tính năng V2X đầy đủ để đạt được xếp hạng an toàn hàng đầu theo phiên bản mới của hệ thống đánh giá an toàn phương tiện, hoặc Chương trình Đánh giá Xe Mới (NCAP), dự kiến hiệu lực vào năm 2025.
"Chúng tôi biết quy định này sẽ được thực hiện. Chúng tôi bắt đầu phát triển các công nghệ tự lái đó, bao gồm V2X để tuân thủ luật mới và đã làm rất tốt trước khi quy định mới có hiệu lực", một trong những nguồn tin quan trọng của Mercedes-Benz cho biết.