Tuy nhiên, theo tờ Financial Times, Toyota cam kết sẽ giữ vững mức vốn như trước khi xảy ra đại dịch và duy trì ngân sách đầu tư cho nghiên cứu và phát triển (R&D) ở mức hơn 10 tỷ USD. Hãng cũng dự báo nhu cầu ô tô tại thị trường Mỹ và châu Âu sẽ hồi phục hoàn toàn vào đầu năm 2021.
“Tình trạng sụt giảm doanh số ô tô hiện nay sẽ lớn hơn nhiều so với trong thời gian khủng hoảng tài chính, nhưng do sẽ duy trì được khả năng có lãi, chúng tôi sẽ tiếp tục các kế hoạch đầu tư cho tương lai” trong các lĩnh vực như xe tự lái và thành phố thông minh - Tổng giám đốc (CEO) Akio Toyoda của Toyota phát biểu tại một cuộc họp báo trực tuyến hôm 11/5.
Trong tài khóa kết thúc vào tháng 3/2021, Toyota cho rằng lợi nhuận hoạt động của hãng có thể chỉ đạt 500 tỷ Yên, tương đương 4,6 tỷ USD, so với mức 2,4 nghìn tỷ USD của tài khóa trước. Dự báo lợi nhuận mà hãng đưa ra thấp hơn nhiều so với con số dự báo 1,8 nghìn tỷ Yên của giới phân tích, theo dữ liệu của S&P Global Market Intelligence. Đây sẽ là mức lợi nhuận cả năm thấp nhất của Toyota kể từ tài khoá 2011-2012, khi nước Nhật hứng chịu thảm họa kép động đất-sóng thần.
Toyota cũng dự báo lượng xe mà hãng bán được trên toàn cầu sẽ giảm từ mức 10,5 triệu xe của tài khóa 2019-2020 xuống còn 8,9 triệu xe trong tài khóa hiện tại.
Tuy triển vọng u ám, Toyota là một trong số ít nhà sản xuất ô tô lớn của thế giới đưa ra được một dự báo đầy đủ về kết quả kinh doanh cả năm. Nhiều đối thủ của Toyota như Ford và Honda đều đã rút lại hoặc trì hoãn công bố dự báo kết quả kinh doanh cả năm do sự bấp bênh mà đại dịch gây ra. Trận dịch này đã đặt ngành ô tô toàn cầu vào một tình thế chưa từng có tiền lệ, với các nhà máy bị đóng cửa hàng loạt và nhu cầu mua xe “bốc hơi” chóng mặt.
“Cảm giác từ dự báo của Toyota là khá tích cực. Họ có thể đưa ra được một dự báo lợi nhuận cả năm mà thậm chí không cắt giảm kế hoạch đầu tư cơ bản”, nhà phân tích Koji Endo thuộc công ty chứng khoán SBI Securities ở Tokyo phát biểu.
Toyota cũng tiết lộ rằng đã sử dụng một hạn ngạch tín dụng 1,25 nghìn tỷ Yên để củng cố bảng cân đối kế toán vốn dĩ đã nhiều tiền mặt của hãng. Động thái này có thể nhằm hỗ trợ mạng lưới rộng lớn các chi nhánh bán hàng và nhà cung cấp linh kiện của Toyota bị ảnh hưởng nặng nề bởi Covid-19.
Tác động của đại dịch đối với kết quả kinh doanh của Toyota khá nghiêm trong quý 1/2020, khiến hãng mất 160 tỷ Yên lợi nhuận hoạt động, tương đương mức giảm 27% so với cùng kỳ năm ngoái. Hơn 1/3 sự sụt giảm lợi nhuận này là do Toyota phải tăng trích lập dự phòng cho bộ phận cho vay tài chính và cho thuê xe của hãng. Công ty con này rất dễ bị ảnh hưởng bởi bất kỳ một làn sóng vỡ nợ vay mua xe nào, cũng như tình trạng giá xe cũ giảm sâu tại thị trường Mỹ.
Cũng vào hôm 11/5, Honda - một đối thủ đồng hương của Toyota - báo lỗ hoạt động quý 1/2020 là 5,6 tỷ Yên, từ chỗ lãi 42,3 tỷ Yên cùng kỳ năm ngoái, do đại dịch khiến Honda thiệt hại 130 tỷ Yên trong kỳ báo cáo.
CEO Takihiro Hachigo của Honda nói rằng hãng sẽ “tiếp tục đầu tư cho sự sống còn của hãng trong tương lai”, bởi hãng đã tích trữ được 2,4 nghìn tỷ Yên tiền mặt để vượt qua cuộc khủng hoảng này.
Cả Toyota và Honda đều đã tái khởi động sản xuất tại khu vực Bắc Mỹ và một số nước châu Âu trong tuần này, trong khi doanh số ô tô tại Trung Quốc đã cho thấy những dấu hiệu của sự khởi sắc so với tháng 4.