Đầu tháng 7, tôi mang chiếc ôtô đầu tiên của mình về nhà trong cảm giác vui vẻ và hào hứng vì sắp có được những chuyến đi chơi trên chiếc "xế cưng" đầu đời. Niềm vui chưa được bao lâu thì TP.HCM, nơi tôi sinh sống, thực hiện giãn cách theo Chỉ thị 16 để chống dịch, tôi đành gác những kế hoạch đi chơi của mình sang một bên.
Sau hơn một tháng mua xe, phần lớn thời gian "xế cưng" của tôi dành cho việc nằm yên ở bãi gửi. Chi phí cho xe trong giai đoạn giãn cách này sẽ là bao nhiêu?
Chi phí gửi xe nhiều hơn tiền xăng
Số tiền phải chi cho chiếc xe mỗi tháng được tôi chia thành 2 phần: Cố định và biến động. Chi phí cố định gồm tiền bãi và trả góp ngân hàng, chi phí biến động gồm tiền xăng, tiền qua trạm thu phí, gửi xe tại siêu thị, trung tâm thương mại... Các chi phí đăng kiểm, bảo dưỡng, bảo hiểm... tôi dùng một quỹ riêng nên không tính vào 2 phần phí kể trên.
Mỗi tháng tôi tốn 1,6 triệu đồng để trả tiền bãi gửi xe và khoảng 6 triệu đồng tiền trả góp ngân hàng. Dù sử dụng xe hay không, hàng tháng tôi phải chi khoảng 7,6 triệu đồng cho các chi phí cố định này.
Đối với chi phí biến động, giai đoạn giãn cách nên phần tiền này chiếm rất ít, thậm chí không đáng là bao. Mỗi tuần tôi dùng xe đi chợ 1-2 lần, thỉnh thoảng tôi cũng chạy đi giải quyết các vấn đề cá nhân, công việc.
Sau khoảng một tháng mua xe, đồng hồ odo trên xe đã vượt mốc 500 km, tất nhiên đây không phải là tổng quãng đường tôi đã di chuyển trong giai đoạn Chỉ thị 16. Trước khi có lệnh giãn cách, tôi đã chạy được hơn 200 km.
Với mức tiêu thụ nhiên liệu trung bình đo được là 8,7 lít/100 km, tôi đã đổ gần 950.000 đồng tiền xăng cho quãng đường 500 km di chuyển. Do chỉ di chuyển trong nội ô TP.HCM, tôi không mất phí qua các trạm thu phí. Chi phí gửi xe khi đi siêu thị tốn khoảng 100.000 đồng/tháng.
Tổng kết một tháng dùng xe trong mùa giãn cách, tôi phải chi gần 9 triệu đồng cho tiền gửi xe, nhiên liệu và trả nợ ngân hàng. Nếu mua xe trả thẳng và nhà có không gian để xe hoặc tìm được bãi gửi rẻ hơn, số tiền nuôi xe sẽ giảm đi khá nhiều.
Bên cạnh các chi phí kể trên, tháng đầu tiên mang xe từ showroom về nhà tôi cũng tốn không ít cho các món phụ kiện gắn thêm trên xe. Các món đồ tôi đã lắp thêm gồm vè che mưa, nẹp chống trầy bệ cửa và lót khoang hành lý, tổng cộng khoảng 2 triệu đồng.
Những lưu ý khi không sử dụng xe một thời gian dài
Mỗi tuần tôi chỉ lấy xe đi chợ hay công việc 1-2 lần, 4-5 ngày còn lại xe được để yên trong bãi. Việc không sử dụng xe một thời gian dài cũng khiến cho phương tiện dễ gặp phải các vấn đề như hết bình, hư lốp hay bị côn trùng cắn phá.
Đối với tình trạng bình ắc-quy hết điện, chiếc xe của tôi có chế độ tiết kiệm bình nên mỗi khi sử dụng xe xong tôi sẽ kích hoạt tính năng này. Nếu xe không có tính năng tiết kiệm bình, người dùng cần nổ máy xe ít nhất 1 lần/tuần để sạc điện cho ắc-quy. Trong trường hợp không thể nổ máy xe, tháo cọc âm của bình cũng là một giải pháp đáng cân nhắc.
Việc đưa xe về chế độ tiết kiệm bình hay tháo cọc âm giúp cho lượng điện trong bình ắc-quy bị giảm đi rất ít. Bù lại, các hệ thống điện chạy nền như đồng hồ hay báo động sẽ không thể hoạt động.
Lốp xe cũng dễ bị phù hoặc gãy, nứt nếu đỗ xe cố định trong thời gian dài. Chủ xe thỉnh thoảng nên tiến hoặc lùi xe để 4 bề mặt lốp được thay đổi vị trí tiếp xúc với mặt đường. Bên cạnh đó, áp suất lốp cũng cần được quan tâm để tăng tuổi thọ lốp và đảm bảo an toàn khi lưu thông.
Đỗ xe lâu ngày không sử dụng rất dễ gặp phải tình trạng côn trùng chui vào trong xe, đặc biệt là chuột. Có không ít trường hợp xe không thể nổ máy hoặc hệ thống điện trên xe bị hỏng do bị chuột cắn.
Để hạn chế chuột và côn trùng, nhiều thợ sửa xe và người dùng có kinh nghiệm thường đưa ra lời khuyên là luôn giữ xe sạch sẽ từ ngoài đến bên trong khoang lái lẫn động cơ. Tinh dầu đuổi chuột, long não hay băng phiến cũng được khuyến nghị sử dụng.