Thượng viện Mỹ một lần nữa đã thông qua dự luật cung cấp 52 tỷ USD trợ cấp cho ngành sản xuất chip bán dẫn. Đây là nỗ lực đạt được sau nhiều tháng thảo luận.
Theo trang Automotive News, cuộc bỏ phiếu theo thủ tục 68-28 sẽ gửi luật trở lại Hạ viện trong một quy trình phức tạp để cuối cùng sẽ khởi động một quy trình chính thức được gọi là "hội nghị", nơi các nhà lập pháp từ cả hai viện sẽ tìm kiếm thỏa thuận về một phiên bản thỏa hiệp.
Tình trạng thiếu chip liên tục trên toàn cầu đã làm gián đoạn sản xuất trong ngành công nghiệp ô tô và điện tử, buộc một số nhà sản xuất phải thu hẹp quy mô và ngày càng có nhiều lời kêu gọi giảm sự phụ thuộc vào các quốc gia khác về chất bán dẫn.
Thượng viện Mỹ lần đầu tiên thông qua luật chip vào tháng 6 cũng cho phép chi 190 tỷ USD để tăng cường công nghệ và nghiên cứu của Mỹ, nhằm cạnh tranh với Trung Quốc, trong khi Hạ viện đã thông qua phiên bản vào đầu tháng Hai.
Các dự luật áp dụng các cách tiếp cận khác nhau để tăng khả năng cạnh tranh của Mỹ với Trung Quốc trong nhiều vấn đề, cũng như về thương mại và một số điều khoản về khí hậu.
Chủ tịch Ủy ban Thương mại Thượng viện Maria Cantwell cho biết cuộc bỏ phiếu rất quan trọng trong việc "đưa chúng ta đến các cuộc đàm phán thực sự"
Người phát ngôn Nhà Trắng Jen Psaki thông tin cuộc bỏ phiếu tại Thượng viện là một bước nữa "để củng cố chuỗi cung ứng của chúng tôi, tạo ra nhiều sức mạnh hơn cho Mỹ, cạnh tranh với Trung Quốc và phần còn lại của thế giới trong nhiều thập kỷ tới. Chúng tôi mong muốn Hạ viện sẽ nhanh chóng khởi động cả quá trình hội nghị chính thức”.
Một trợ lý cấp cao của đảng Dân chủ Hạ viện tiết lộ cuộc họp sẽ tiến hành và gửi lại Thượng viện ngay sau đó vào cuối tuần này. Thượng viện sẽ cần bỏ phiếu một lần nữa để khởi động hội nghị. Một thỏa thuận cuối cùng có thể đạt được sớm nhất là vào mùa hè.
Thượng nghị sĩ độc lập Bernie Sanders chỉ trích khoản trợ cấp 52 tỷ USD, gọi đó là "lòng tham của doanh nghiệp" và cho rằng người nộp thuế nên nhận chứng quyền hoặc vốn cổ phần từ các công ty chip có lãi để đổi lấy trợ cấp.
Sanders nói: “Lợi ích tài chính do các công ty này tạo ra phải được chia sẻ với người dân Mỹ, không chỉ các cổ đông giàu có”.
Trong khi đó, Bộ trưởng Thương mại Mỹ Gina Raimondo lưu ý rằng hai thập kỷ trước, Mỹ sản xuất gần 40% tổng số chip trong khi ngày nay nước này chỉ chiếm 12% sản lượng toàn cầu. Cuộc bỏ phiếu của Thượng viện đã đưa Mỹ tiến thêm một bước nữa trong việc hồi sinh ngành sản xuất chất bán dẫn của Mỹ, đảm bảo các chuỗi cung ứng quan trọng và mang lại những công việc sản xuất chất lượng tốt cho người lao động.
Tuần trước, General Motors cho hay họ sẽ ngừng sản xuất tại một nhà máy bán tải ở Indiana trong hai tuần vào tháng Tư vì tình trạng thiếu chip.