Mới đây, thông tin cho biết giá của các phiên bản xe Hyundai Tucson thế hệ mới đã bị các đại lý đẩy lên, chênh gần trăm triệu đồng so với giá niêm yết của nhà sản xuất. Mẫu Tucson thế hệ mới có 4 phiên bản, với mức giá niêm yết khởi điểm từ 825 triệu đồng và cao nhất là 1,030 tỷ đồng. Tuy nhiên, mẫu xe đang bị các đại lý đẩy giá chênh lên từ 35-100 triệu đồng, hoặc bị bán kèm gói phụ kiện bắt buộc, mà thị trường vẫn quen với lối nói “bán bia kèm lạc” khá quen thuộc với những mẫu xe hot.
Một trong những lý do khiến Hyundai Tucson bị đẩy giá là do mẫu xe thu hút sự quan tâm của người tiêu dùng. Mặc dù là mẫu xe có sức hút, nhưng trong tháng 2 vừa qua, Hyundai Tucson chỉ đạt doanh số bán ra 287 xe, giảm gần 1.000 xe so với tháng 1/2022. Tình trạng khan hàng đã khiến số lượng xe Tucson được giao đến tay người tiêu dùng không nhiều, mặc dù là một mẫu xe hot. Hyundai Tucson được lắp ráp trong nước song những đứt gãy trong chuỗi cung ứng đã ảnh hưởng đến sản lượng bán ra của xe.
Tương tự Tucson, mẫu xe Hyundai Santa Fe cũng đang đối mặt với tình hình khan hàng và bị đẩy giá lên cao.
Tại lễ xuất xưởng và bàn giao lô xe ô tô điện VF e34 đầu tiên tại nhà máy VinFast (Hải Phòng) hồi cuối năm 2021, VinFast cho biết dự kiến, trong tháng 1/2022, VinFast sẽ bàn giao hàng ngàn xe VF e34 cho các khách hàng đã đặt cọc trước. Tuy nhiên, trong 2 tháng đầu năm, chỉ mới có 93 xe ô tô điện VinFast VF e34 được bán ra. VinFast cho biết nguồn cung linh kiện thiếu hụt là lý do ảnh hưởng đến tiến độ sản xuất và bàn giao xe ô tô điện VF e34 cho khách hàng. Hãng xe Việt công bố đang cùng các đối tác nỗ lực giải quyết các khó khăn trong chuỗi cung ứng để tăng tốc bàn giao xe ô tô điện VF e34 cho khách hàng trong thời gian tới.
Ford Range cũng là một "nạn nhân" của tình trạng khan hiếm linh kiện khiến doanh số sụt giảm mạnh Trong tháng 1, bán tải Ford Ranger bán được 757 xe nhưng trong tháng 2, “vua bán tải” chỉ có 230 xe được giao đến khách hàng.
Mặc dù các hãng xe ở Việt Nam hầu như không công bố gì về tác động của cuộc khủng hoảng thiếu chip, cũng như tình trạng khan hiếm một số linh kiện, song kết quả bán hàng của các hãng xe đều sụt giảm, trong đó có cả những mẫu xe đang được thị trường quan tâm. Trên thế giới, tình trạng khủng hoảng thiếu chip và đứt gãy nguồn cung ứng đã khiến các hãng xe điêu đứng trong thời gian dài vừa qua.
Hãng ô tô Mỹ Ford đã phải cắt giảm sản lượng một số sản phẩm chủ chốt do tình trạng thiếu chip bán dẫn trên toàn cầu. Hậu quả là một số dòng xe quan trọng của Ford như Explorer, Ford F-150, crossover chạy điện Ford Mustang Mach-E và cả Ranger đều phải giảm sản lượng, dừng sản xuất.
Mới đây, Ford tuyên bố sẽ bán và bàn giao một số xe Ford Explorer thiếu một số loại chip như không có chip cung cấp năng lượng cho hệ thống điều hòa nhiệt độ phía sau và hệ thống sưởi. Nhà sản xuất ô tô sẽ giao các chất bán dẫn còn thiếu cho các đại lý trong vòng một năm, khi đó đại lý sẽ tiến hành lắp đặt những chip còn thiếu này cho khách hàng đã mua xe.
Không chỉ Ford, nhiều công ty khác cũng đã phải vật lộn vì thiếu chip. Ô tô GM đã phải bỏ tính năng sạc không dây, radio HD và mô-đun quản lý nhiên liệu - tính năng giúp một số xe bán tải hoạt động hiệu quả hơn. Trong khi đó, Tesla đã bán một số xe không có cổng USB và sẽ bổ sung cài đặt sau. Ô tô hạng sang cũng không nằm ngoài tình trạng khan hiếm, khi Cadillac hy sinh tính năng lái rảnh tay vào Escalade năm 2022, trong khi BMW bắt đầu xuất xưởng một số ô tô không có màn hình cảm ứng.
Hiện tại, thách thức không những chưa dịu bớt mà thị trường ô tô còn gánh chịu thêm hậu quả của tình hình căng thẳng chính trị giữa Nga và Ukraine. Herbert Diess, Giám đốc điều hành của Tập đoàn Volkswagen, cho rằng một cuộc chiến kéo dài ở Ukraine có thể “tồi tệ hơn nhiều” so với đại dịch COVID-19 và làm trầm trọng thêm tình trạng thiếu hụt chất bán dẫn.