Kể từ khi thành lập Stellantis - nhà sản xuất ô tô lớn thứ tư thế giới vào đầu năm 2021 qua sự hợp nhất của Fiat Chrysler và PSA của Pháp, Giám đốc điều hành Carlos Tavares đã thúc đẩy sự hội tụ của 14 thương hiệu của tập đoàn kết hợp để đạt được mục tiêu trên 5 tỷ euro ( 5,8 tỷ USD) trong hợp lực hàng năm và đẩy nhanh quá trình chuyển đổi sang phương thức sản xuất các phương tiện sạch hơn.
Stellantis sẽ đầu tư hơn 30 tỷ euro đến năm 2025 vào việc điện khí hóa các dòng xe của mình. Nằm trongmột phần của kế hoạch này, Stellantis đã thông báo rằng họ đang thiết lập bốn nền tảng mới. Đó là STLA Small, STLA Medium, STLA Large và STLA Frame.
Đến năm 2024, Stellantis nhắm tới phạm vi sử dụng của các sản phẩm là hơn hơn 800km, tốc độ 0- 100km/h trong 2 giây và sạc để sử dụng hơn 320km chỉ trong phạm vi 10 phút.
Chúng sẽ làm nền tảng cho các phương tiện đa dạng như ô tô cỡ nhỏ dành cho châu Âu, ô tô cơ bắp Dodge EV và xe bán tải điện Ram.
"4 nền tảng được thiết kế với mức độ linh hoạt cao và chia sẻ các bộ phận, để tạo ra nền kinh tế quy mô. Bằng cách này, mỗi nền tảng sẽ có thể hỗ trợ sản xuất lên đến 2 triệu đơn vị mỗi năm", Santo Ficili, Giám đốc quốc gia Stellantis ở Ý cho biết.
Stellantis đang đặt mục tiêu hơn 70% doanh số bán hàng của mình ở châu Âu là từ các loại xe ít khí thải vào năm 2030 và đặt mục tiêu làm cho tổng chi phí sở hữu một chiếc xe điện bằng với một mẫu xe chạy bằng xăng vào năm 2026.
Ficili cho biết, trong khi chi phí sản xuất ô tô điện cao hơn so với các mẫu xe động cơ đốt trong truyền thống, nhu cầu cấp thiết hơn là phải tập trung vào việc cho phép người mua tiếp cận với ô tô điện thông qua nguồn tài chính tốt hơn và cơ sở hạ tầng sạc rộng rãi hơn.