Những trạm sạc đầu tiên trong số này dự kiến sẽ được lắp đặt vào cuối năm nay. Đến quý 3 năm sau, sẽ có 210 điểm sạc xe điện tại miền Trung, 50 điểm ở miền Bắc, 100 điểm ở Đông Bắc, 120 điểm ở miền Đông và 140 điểm ở miền Tây.
Cơ quan Tái phát triển Đô thị (URA) và Cơ quan Giao thông Đường bộ (LTA) cho biết hôm thứ Sáu (3/9) rằng một nhóm các tập đoàn bao gồm ComfortDelGro Engineering và Engie South East Asia đã được trao thầu thiết lập các điểm sạc xe điện tại một số bãi đậu xe ở trung tâm, khu vực phía đông và phía tây.
Trong khi đó, một nhóm các tập đoàn khác bao gồm Primech A&P, Charge +, Sunseap Group và Oyika đã được trao thầu để lắp đặt cơ sở hạ tầng sạc xe điện tại các bãi đậu xe ở các khu vực phía bắc và đông bắc.
Từ tháng 11 năm ngoái, Singapore đã tiến hành các cuộc đấu thầu này. Đây là những bước đầu tiên hướng tới mục tiêu quốc gia có 40.000 điểm sạc xe điện tại các bãi đậu xe công cộng vào năm 2030.
URA và LTA cho biết họ muốn đảm bảo các nhà thầu sẽ thực hiện xây dựng trạm sạc xe điện chất lượng, mô hình kinh doanh bền vững về tài chính và giá cước cạnh tranh. Họ cho biết các tập đoàn do ComfortDelGro và Primech A&P đứng đầu đã đưa ra mức phí cạnh tranh và một mô hình kinh doanh bền vững.
URA và LTA cho biết thêm rằng hai tập đoàn này cũng đã cam kết cung cấp một bộ dịch vụ hoàn chỉnh, bao gồm cài đặt, vận hành và bảo trì cơ sở hạ tầng sạc EV, cùng các đề xuất khác.
Họ cho biết tập đoàn sẽ trả các khoản phí nhượng quyền của Chính phủ dao động từ 0,108 USD / kWh đến 0,154 USD / kWh để có quyền triển khai các điểm sạc.
ComfortDelGro và Engie cho biết trong một tuyên bố chung rằng họ đã thắng thầu lắp đặt 479 trong số 632 bộ sạc trong đợt triển khai thử nghiệm. Họ cho biết bộ sạc do họ lắp đặt sẽ bao gồm 192 bộ sạc AC 22kW, 279 bộ sạc AC 7kW và 8 bộ sạc DC 50kW.
Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải S. Iswaran cho biết việc xây dựng mạng lưới sạc xe điện là một thành phần quan trọng trong chiến lược thúc đẩy xe điện của Singapore.
Ông lưu ý rằng giao thông đường bộ hiện chiếm 15% lượng khí thải carbon nội địa của Singapore, với hơn 90% trong số này đến từ lượng phương tiện giao thông.
Ông Iswaran cho biết Bộ Giao thông Vận tải và LTA đang làm việc để thiết kế cấu trúc thị trường cho việc sạc xe điện trong các bãi đậu xe dân cư công cộng, và có những nâng cấp cần thiết đối với cơ sở hạ tầng điện.
Singapore sẽ tìm cách tạo ra nhiều năng lượng mặt trời hơn từ cơ sở hạ tầng giao thông công cộng.
Ông Iswaran cho biết LTA sẽ khởi động đấu thầu triển khai nhiều hệ thống quang điện mặt trời hơn, có thể thông qua hình thức cho thuê. Các hệ thống như vậy sử dụng các tế bào để chuyển đổi ánh sáng mặt trời thành điện năng.
Các công nghệ và phương pháp lắp đặt sáng tạo sẽ được sử dụng để tối ưu hóa năng suất tại các khu vực, chẳng hạn như các đường liên kết có mái che và cầu đi bộ trên cao.
"Điều này sẽ không chỉ giúp chúng tôi giảm lượng khí thải, mà còn giảm cả chi phí năng lượng", ông Iswaran nói và cho biết Covid-19 đã tiếp tục ảnh hưởng đến lĩnh vực này.
Ông cho biết lượng người đi lại bằng đường sắt và xe buýt chỉ ở mức hơn 60% mức trước khi đại dịch bắt đầu. Taxi và các chuyến đi bằng ô tô thuê riêng đang ở mức khoảng 75% so với mức thông thường.
Singapore đặt mục tiêu, đến năm 2040 sẽ loại bỏ hoàn toàn xe động cơ đốt trong. Năm 2016, số ôtô điện tại quốc đảo Singapore chỉ vỏn vẹn 12 chiếc. Nhưng tính đến tháng 6/2021, tổng số xe điện đăng ký tại quốc đảo Đông Nam Á đã là 1.549 chiếc (tăng 129 lần so với năm 2016).
Singapore xác định có thể hạn chế khí thải bằng cách chuyển đổi từ phương tiện sử dụng động cơ đốt trong sang xe điện (EV). Một chiếc EV chỉ phát thải 1/2 lượng CO2 so với 1 phương tiện dùng động cơ xăng/diesel. Nếu tất cả xe hơi đều là xe điện, Singapore có thể giảm khí thải carbon từ 1,5 - 2 triệu tấn, tương đương 4% tổng khí thải quốc gia.