Bộ trưởng Tài chính Singapore cho biết đây là một phần nỗ lực cắt giảm khí nhà kính và chống biến đổi khí hậu.
Singapore, thành phố giàu có với 5,7 triệu dân, đang gia nhập “hội nhóm” các quốc gia Na Uy, Anh và các nước khác đặt mục tiêu cắt giảm sử dụng phương tiện động cơ đốt trong.
“Tầm nhìn của chúng tôi là loại bỏ các phương tiện ICE (động cơ đốt trong) và áp dụng toàn bộ các phương tiện chạy bằng năng lượng sạch vào năm 2040”, Bộ trưởng Tài chính, ông Heng Swee Keat nói trong bài phát biểu về ngân sách của mình.
Giám đốc điều hành Tesla Elon Musk từng chỉ trích Singapore không ủng hộ xe điện. Hiện nay Singapore là một trong những nơi đắt nhất trên thế giới khi mua ô tô và có rất ít xe điện chạy trên đường.
Trong bài phát biểu của mình, Bộ trưởng Heng cho biết các biện pháp khuyến khích áp dụng xe điện bao gồm giảm phí đăng ký khi mua xe ô tô điện.
Singapore cũng sẽ mở rộng cơ sở hạ tầng trạm sạc xe điện công cộng lên 28.000 điểm vào năm 2030 từ mức 1.600 bây giờ.
Là một quốc đảo vùng trũng thấp, mực nước biển dâng cao đe dọa đến sự tồn tại, ông Heng cho biết thêm rằng ông đang dành một quỹ bảo vệ bờ biển và lũ lụt với khoản đầu tư trị giá 5 tỷ đô la Singapore (3,6 tỷ đô la).
Năm ngoái, Thủ tướng Singapore cho biết bảo vệ Singapore chống lại mực nước biển dâng cao có thể tiêu tốn 100 tỷ đô la Singapore (72 tỷ đô la) hoặc hơn 100 năm.
Nói về việc cấm xe chạy xăng và dầu diesel, Anh là một trong những quốc gia có chiến lược “hùng hổ” nhất. Phát biểu ngày 12/2, Bộ trưởng Bộ Giao thông Anh Grant Shapps cho biết Chính phủ của Thủ tướng Boris Johnson nỗ lực tiến tới chấm dứt việc bán xe ô tô mới chạy xăng và dầu diesel từ năm 2032 trở đi, nhằm đạt mục tiêu phát thải ròng bằng 0 vào giữa thế kỷ này.
Thời hạn trên sớm hơn 3 năm so với thời hạn 2035 mà ông Johnson công bố trước đó, đồng thời sớm hơn 8 năm so với thời hạn 2040 được đưa cách đây 2 năm rưỡi. Năm 2019, Vương quốc Anh trở thành nền kinh tế lớn đầu tiên thông qua luật yêu cầu tất cả lượng khí thải nhà kính phải được đưa về mức 0% vào năm 2050.