Phát biểu ngày 12/2, Bộ trưởng Bộ Giao thông Anh Grant Shapps cho biết Chính phủ của Thủ tướng Boris Johnson nỗ lực tiến tới chấm dứt việc bán xe ô tô mới chạy xăng và dầu diesel từ năm 2032 trở đi, nhằm đạt mục tiêu phát thải ròng bằng 0 vào giữa thế kỷ này.
Thời hạn trên sớm hơn 3 năm so với thời hạn 2035 mà ông Johnson công bố vào tuần trước, đồng thời sớm hơn 8 năm so với thời hạn 2040 được đưa cách đây 2 năm rưỡi.
“Tuần trước, Thủ tướng nói chúng ta sẽ làm việc này muộn nhất vào năm 2035”, ông Shapps nói trên kênh phát thanh BBC Radio 5 Live. “Chúng tôi đã nói là năm 2035 hoặc thậm chí là 2032”.
Theo ông Shapps, tài liệu tham vấn về này sẽ bao gồm một lựa chọn năm 2032. Điều này có thể thổi bùng mối lo ngại của các nhà sản xuất ô tô Anh vốn trước đó đã lên tiếng cảnh báo rằng thời hạn 2035 sẽ khiến doanh số của họ lao dốc. Các hãng xe kêu gọi chính sách mới phải đi kèm với một gói hỗ trợ ngành công nghiệp ô tô xứ sương mù, bao gồm các biện pháp tài chính, chính sách và các khoản đầu tư.
Chủ trương cấm xe chạy nhiên liệu hóa thạch của Thủ tướng Johnson nhằm cả vào xe lai (hybrid) và xe lai xạc điện (plug-in hybrid). Trong tháng 1 vừa qua, có hơn 13.000 ô tô thuộc các loại này được bán ở Anh.
Nếu tính cả 4.054 xe thuần chạy điện bán được trong tháng, thì doanh số xe thay thế xe chạy xăng và dầu diesel chiếm khoảng 12% thị trường ô tô mới ở Anh trong tháng đầu năm, một tỷ lệ cao chưa từng thấy.
Chính phủ Anh hy vọng lệnh cấm trên sẽ giúp đẩy mạnh doanh số xe chạy điện, theo đó không chỉ giảm bớt tình trạng ô nhiễm mà còn tạo ra một thị trường giúp thu hút các nhà sản xuất tham gia vào cam kết của Đảng Bảo thủ cầm quyền về xây dựng nhà máy sản xuất pin xe điện đầu tiên tại Anh.