Pháp đang chống lại mục tiêu của Liên minh Châu Âu trong việc loại bỏ doanh số bán xe động cơ đốt trong vào năm 2035. Quốc gia này đưa ra một mục tiêu khiêm tốn hơn vào cuối thập kỷ này và đồng thời kéo dài thời gian đối với các mẫu xe plug-in hybrid.
Một quan chức trong văn phòng của Tổng thống Emmanuel Macron cho biết chính phủ Pháp ủng hộ mục tiêu giảm 55% lượng khí thải ô tô vào năm 2030 và để xe hybrid tồn tại lâu hơn trên thị trường. Trong khi đó, Ủy ban châu Âu lại đặt kế hoạch yêu cầu giảm 65% lượng khí thải ô tô từ năm 2030 và giảm xuống còn 0% từ năm 2035.
Quan chức này yêu cầu giấu tên theo chính sách của chính phủ, đã bình luận sau khi Macron gặp gỡ các giám đốc điều hành hàng đầu tại các công ty ô tô bao gồm Stellantis NV và Renault SA, cũng như đại diện lao động để thảo luận về việc chuyển đổi sang xe điện. Quốc gia này cũng sẽ xem xét hỗ trợ mới cho ngành công nghiệp để giúp áp dụng các công nghệ mới.
Lập trường của Pháp có thể báo hiệu một cuộc chiến đang diễn ra trong EU về các mục tiêu khí hậu mới và cách chúng sẽ ảnh hưởng đến ngành công nghiệp ô tô. Lệnh cấm động cơ đốt trong có hiệu lực vào năm 2035 là một phần trong kế hoạch đầy tham vọng nhằm điều chỉnh nền kinh tế của khu vực với các mục tiêu khí hậu tích cực hơn. Điều đó cũng đồng nghĩa với việc loại bỏ các dòng xe hybrid nhanh hơn so với dự kiến của một số giám đốc điều hành và quan chức lao động.
Jean-Marie Robert, đại diện của liên đoàn lao động CFDT, người tham dự cuộc họp cho biết: “Chúng tôi biết sẽ không có lựa chọn nào khác ngoài việc chuyển sang sử dụng ô tô điện. Điều quan trọng là chúng tôi phải chuẩn bị từ trước”.
Các mục tiêu phát thải mới của EU sẽ nghiêm ngặt hơn đáng kể so với các mục tiêu hiện có trên toàn đội xe, trong đó yêu cầu giảm 37,5% lượng khí thải vào năm 2030. Trong khi ngành công nghiệp ô tô đang phải chuẩn bị cho các quy tắc cứng rắn hơn, cuộc gặp với Macron là một phần trong nỗ lực giành sự ủng hộ nhằm làm chậm lại quá trình loại bỏ dần động cơ đốt trong.
Mục tiêu của EU vẫn đang trong giai đoạn đề xuất và các quy tắc có thể thay đổi. Hiện tại, nhiều nhà sản xuất ô tô cũng đã công bố chiến lược táo bạo nhằm loại bỏ xe ô tô có phát thải. Tại Mỹ, Tổng thống Mỹ Joe Biden đã đưa ra kế hoạch chi hàng tỷ USD cho các mạng lưới sạc xe điện của Mỹ, từ đó có thể khuyến khích nhiều người Mỹ mua xe điện hơn, mang lại cơ hội cần thiết cho General Motors và Ford Motor trong cuộc chiến cạnh tranh với Tesla. Kể từ khi trúng cử đến nay, ông Biden đã bộc lộ tham vọng mạnh mẽ đối với dàn xe "xanh", với nhiều tuyên bố và chiến lược đầu tư lớn vào xe điện.
Trong khi đó, xe điện cũng liên tục được dự báo sẽ sớm thống trị ngành giao thông vận tải toàn cầu. Theo một nghiên cứu mới đây, vị thế thống trị của xe điện trên toàn cầu sẽ đến vào năm 2033 - sớm hơn 5 năm so với dự kiến trước đó. Sở dĩ xe điện sớm thống trị thế giới phương tiện toàn cầu là do các chính phủ đưa ra những quy định khắt khe hơn trong việc giảm phát thải carbon và mối quan tâm của người tiêu dùng gia tăng, thúc đẩy nhu cầu về phương tiện giao thông không phát thải.
Tuy vậy, mục tiêu hoàn toàn sử dụng ô tô điện không hề dễ dàng, hơn nữa, nó còn ảnh hưởng đến nhiều yếu tố khác. La Plateforme Automobile, nhóm vận động hành lang chính của Pháp cho ngành ô tô, ước tính cần đầu tư 17,5 tỷ euro (21 tỷ USD) vào nước này vào giữa thập kỷ để phát triển pin, trạm sạc, hydro và các dịch vụ liên quan.
Theo một bài thuyết trình của PFA, việc loại bỏ động cơ đốt trong có thể dẫn đến mất khoảng 100.000 việc làm ô tô ở Pháp cho đến năm 2035 và đóng cửa các cơ sở sản xuất. Ngành công nghiệp hiện đang sử dụng trực tiếp khoảng 190.000 người.
PFA cho biết việc sản xuất xe chạy bằng điện và pin nhiên liệu sử dụng ít lao động hơn so với xe hybrid và xe có động cơ diesel. Pháp đứng sau các nước bao gồm Đức, Nhật Bản và Mỹ về số lượng robot được sử dụng trong ngành công nghiệp ô tô và chi phí cho công nhân Pháp đắt hơn nhân viên ở các nước Đông và Nam Âu.
Stellantis, gã khổng lồ ô tô được thành lập thông qua sự hợp nhất của Fiat Chrysler và PSA Group, tuần trước cho biết họ có kế hoạch chi 30 tỷ euro để cung cấp các loại xe chạy hoàn toàn bằng điện khi nhu cầu, sự hỗ trợ của nhà nước và áp lực pháp lý lên mức cao nhất. Đối thủ Renault cũng đã tiết lộ kế hoạch về một trung tâm điện và pin ở miền bắc nước Pháp và loại bỏ dần động cơ đốt trong.
Các giám đốc điều hành hàng đầu của các nhà sản xuất ô tô, cùng với các nhà cung cấp Valeo SA, Faurecia SE và Cie Plastic Omnium SA, đã tham dự cuộc họp với Tổng thống Macron vừa qua.