Theo một cách nào đó, xu hướng này là điều có thể đoán trước. Và thực tế, nó đang đến. Cũng như nhiều lĩnh vực khác, các nhà sản xuất ô tô Trung Quốc ngày càng “có tiếng” hơn, chất lượng xe cũng nhanh chóng cải thiện. Họ đã dần dần bắt đầu bán xe ô tô của mình không chỉ trong nước mà còn ở nước ngoài.
Tất nhiên, xu hướng ô tô Trung Quốc vươn ra toàn cầu dù đang diễn ra và diễn ra với tốc độ nhanh chóng, song vẫn cần một thời gian dài để khẳng định và phát triển. Vì vậy, ở thời điểm hiện tại, có thể nói về điều đó là “nó sẽ xảy ra".
Người Nhật từng giống như Trung Quốc, những chiếc xe ô tô ban đầu của Nhật cũng bị coi là rẻ và chất lượng thấp. Tuy nhiên, nhiều năm sau, Toyota và các hãng xe Nhật đã giành được vương miện quốc tế về chất lượng và độ tin cậy. Sau đó, Hàn Quốc cũng làm điều tương tự thông qua hãng xe Hyundai và Kia.
Cần lưu ý rằng một số nhà sản xuất ô tô Trung Quốc đã thành công bên ngoài Trung Quốc. Chỉ là họ không sử dụng thương hiệu của riêng họ. Ví dụ: Geely với thương hiệu sở hữu Volvo.
Ngoài ra, các công ty Trung Quốc khác thường tham gia liên doanh với các thương hiệu nước ngoài để sản xuất ô tô cho thị trường Trung Quốc. Một ví dụ điển hình về điều này là các liên doanh của SAIC với Volkswagen và General Motors; hoặc liên doanh của GAC Group với Toyota.
Gần đây, vào tháng 1/2020, chính sách với thị trường ô tô Trung Quốc có sự thay đổi. Các nhà sản xuất ô tô 100% thuộc sở hữu nước ngoài được chấp nhận tại Trung Quốc. Kể từ đó, BMW, Hyundai và các hãng xe khác bắt đầu chuyển sang thâu tóm các đối tác liên doanh Trung Quốc của họ. Điều này cũng có thể sẽ dẫn đến việc các thương hiệu thuần Trung Quốc sẽ phát triển hơn nữa ở bên ngoài Trung Quốc.
Great Wall Motor, hãng đang dẫn đầu trong số các thương hiệu Trung Quốc, đã thể hiện khả năng cạnh tranh bên ngoài Trung Quốc với các thương hiệu của chính mình. Geely cũng đang mở rộng ra bên ngoài Trung Quốc, với các mẫu xe hấp dẫn hơn một chút do vẫn cố gắng cạnh tranh theo chiến lược về giá. Cheery hiện cũng có các mẫu xe có thể cạnh tranh bên ngoài Trung Quốc.
Vẫn còn nhiều rào cản
Uy tín thương hiệu
Mặc dù các sản phẩm ô tô của một số nhà sản xuất Trung Quốc được cho là đã đạt đến độ chín về kỹ thuật, nhưng thương hiệu của họ vẫn chưa đạt đến “độ chín” cần thiết để thuyết phục khách hàng thế giới. Các thương hiệu Trung Quốc nói chung vẫn “mang tiếng” là hàng kém chất lượng. Hình ảnh ô tô Trung Quốc vẫn gắn với những chiếc xe cực kỳ rẻ tiền, cũ kỹ cũng như khả năng nhận diện thương hiệu kém.
Đây là một trận chiến khó khăn của các thương hiệu ô tô Trung Quốc. Và thật ra, cuộc chiến đó cũng xảy đến ngay cả với các thương hiệu Hàn Quốc như Hyundai, Kia, vì vậy khó khăn này không phải sẽ có thể giải quyết nhanh chóng trong một vài năm.
Mức độ an toàn
Một điều gây áp lực lên các thương hiệu ô tô Trung Quốc là độ an toàn thấp. Thực tế cũng đã thay đổi trong những năm qua, với những chiếc ô tô hiện đại của Trung Quốc được trang bị hầu hết các thiết bị an toàn chủ động mà người dùng mong đợi.
Về mặt an toàn thụ động, những chiếc xe tốt nhất của Trung Quốc được sản xuất để cạnh tranh với thị trường bên ngoài Trung Quốc thường sẽ được xếp hạng 5 sao trên C-NCAP. Các bài kiểm tra C-NCAP chưa đòi hỏi khắt khe như các bài kiểm tra EuroNCAP hoặc NHTSA/USNCAP; tuy nhiên, khoảng cách ngày càng thu hẹp. Để thay đổi suy nghĩ của công chúng, nhiều khả năng các thương hiệu ô tô Trung Quốc cũng sẽ phải đưa xe của họ vào các tiêu chuẩn thử nghiệm địa phương và phải đạt 5 sao khi sử dụng các tiêu chuẩn đó.
Độ tin cậy
Cuối cùng, không có nhiều dữ liệu về độ tin cậy của các mẫu xe Trung Quốc mới. Đây có thể là một rào cản đối với thương hiệu ô tô Trung Quốc. Không có gì ngạc nhiên khi hãng xe Hàn Quốc đưa ra mức bảo hành cực lớn, đó cũng là một cách để loại bỏ rào cản này trong tâm trí công chúng.
Kết luận
Các nhà sản xuất ô tô Mỹ và Nhật Bản rồi sẽ phải chứng kiến sức cạnh tranh gia tăng của các thương hiệu Trung Quốc. Sự cạnh tranh này sẽ không chỉ diễn ra ở Trung Quốc mà sẽ đến cả Châu Âu, Mỹ và có lẽ cả Nhật Bản.
Cuộc cạnh tranh này của ô tô Trung Quốc hiện đang đánh vào mức độ chất lượng, thông số kỹ thuật và thiết kế của phương Tây, nhưng lại được bán với giá thấp hơn so với các mẫu xe tương đương của các nhà sản xuất ô tô khác. Như vậy, nó sẽ có thể chiếm một số thị phần hoặc gây thêm áp lực lên tỷ suất lợi nhuận của các hãng xe khác.
Thậm chí với sự yếu thế về thương hiệu, cuộc cạnh tranh này cũng có khả năng ảnh hưởng nhiều đến các nhà sản xuất ô tô nói chung, như General Motors, Ford, Renault, PSA Group, Toyota, VW và các hãng khác. Có thể sức nóng của ô tô Trung Quốc chưa phả ngay đến các thương hiệu ô tô cao cấp như BMW và Mercedes.
Về mảng xe điện, các mẫu ô tô Trung Quốc cũng được kỳ vọng sẽ trở nên cạnh tranh hơn. Tất nhiên, Tesla vẫn còn “sừng sững” ở đó, nhưng với những mẫu xe điện mang nhãn hiệu “Volvo” (như Polestar 2) hoặc một số thương hiệu nổi bật khác, cơ hội có thể rõ ràng hơn.
Một lưu ý cuối cùng, thị trường ô tô Trung Quốc đang phục hồi rất nhanh sau đại dịch COVID-19. Một phần, có thể đại dịch đã khiến nhu cầu mua ô tô của người tiêu dùng bị dồn nén lại, và bây giờ bắt đầu bùng nổ.