Theo số liệu thống kê sơ bộ của Tổng cục Hải quan, trong tháng 7/2020 số lượng ô tô nguyên chiếc các loại đăng ký tờ khai hải quan nhập khẩu đạt 4.761 chiếc, tương ứng đạt giá trị gần 108 triệu USD.
So với tháng trước, lượng ô tô nhập khẩu trong tháng 7 tăng mạnh 34%, tương ứng tăng 1.209 chiếc.
Không chỉ lượng ô tô nhập khẩu nguyên chiếc về Việt Nam trong tháng 7 tăng mạnh so với tháng 6, mà chỉ trong 15 ngày đầu tháng 8/2020, đã có hơn 4.000 xe ô tô nhập khẩu về Việt Nam. Như vậy, lượng ô tô nhập khẩu trong nửa đầu tháng 8 đã gần bằng với lượng ô tô nhập khẩu trong cả tháng 7, tháng được xem là có số ô tô nhập về tăng mạnh so với tháng 6. Cụ thể, từ ngày 1-15/8, các doanh nghiệp kinh doanh ô tô tại Việt Nam đã nhập khẩu tổng cộng 4.078 xe ô tô nguyên chiếc các loại, đạt tổng kim ngạch hơn 96,6 triệu USD.
Nếu sản lượng ô tô nhập khẩu nguyên chiếc về Việt Nam trong tháng 7/2020 giảm mạnh so với cùng kỳ năm ngoái, nguyên nhân được cho là do đại dịch COVID-19, thì sản lượng ô tô nhập khẩu trong nửa đầu tháng 8 đã đạt gần bằng cùng kỳ năm ngoái. Cụ thể, trong nửa đầu tháng 8/2019, tổng số ô tô nguyên chiếc nhập khẩu về Việt Nam là 4.246 xe.
Có thể thấy, ô tô nhập khẩu nguyên chiếc đang “ồ ạt” về Việt Nam. Chỉ mới cách đây 2 tháng, vào tháng 6, lượng ô tô nhập khẩu được xem là sụt giảm mạnh khi cả tháng chỉ có 3.552 chiếc được thông quan, giảm tới 1.314 chiếc so với tháng 5/2020.
Quan sát cho thấy ô tô nhập bắt đầu “tuyên chiến” với ô tô lắp ráp trong nước. Thời gian gần đây, các hãng liên tục tung ra xe mới. Điển hình như Toyota Corolla Cross, một mẫu xe hoàn toàn mới được nhập khẩu từ Thái Lan và hiện đang rất “hot”. Ngoài ra, Toyota cũng đã nâng cấp mẫu bán tải Hilux, cũng là một mẫu xe nhập khẩu. Ngay trong sáng 28/8, Mercedes-Benz đã giới thiệu đến người tiêu dùng Việt Nam mẫu xe nhập Mercedes GLB 200 AMG với mức giá gần 2 tỷ đồng. Xe sẽ có mặt tại các đại lý chính hãng trên toàn quốc từ tháng 9/2020.
Cuộc chiến giữa xe nhập khẩu và xe lắp ráp có đôi phần lệch cán cân khi vừa qua, xe lắp ráp được hưởng ưu đãi 50% lệ phí trước bạ. Để cân bằng cuộc chiến giành khách hàng, một số dòng xe nhập khẩu cũng được hãng xe hỗ trợ lệ phí trước bạ. Hiện tại, Mitsubishi Việt Nam đang áp dụng chương trình tặng 50% lệ phí trước bạ cho khách mua xe Attrage; Volkswagen Việt Nam ưu đãi 50% lệ phí trước bạ dành cho dòng xe Tiguan Allspace, áp dụng với phiên bản Luxury, giúp người dùng giảm tới 100 triệu đồng chi phí lăn bánh. Isuzu cũng ra chương trình ưu đãi 50% phí trước bạ đối với hai mẫu Isuzu mu-X và D-Max.
Sự chênh lệch giá giữa xe nhập khẩu và xe lắp ráp cũng đang có phần lu mờ. Trước đây, từng có hy vọng và dự đoán giá xe lắp ráp sẽ giảm mạnh sau ngày 10/7, khi Nghị định 57/2020 có hiệu lực. Tuy nhiên, theo nhiều chuyên gia, giá xe sẽ không giảm nhiều vì các yếu tố thị trường khác nhau. Xem thêm phân tích về giá xe lắp ráp tại đây
Về nguồn gốc xuất xứ, Thái Lan, Indonesia và Trung Quốc vẫn là ba thị trường chính của ô tô nhập khẩu vào Việt Nam, trong đó Thái Lan là thị trường lớn nhất. Cụ thể, trong tháng 7/2020 có 2.324 ô tô nhập khẩu từ Thái Lan, 1.302 chiếc nhập khẩu từ Indonesia và 719 chiếc nhập từ Trung Quốc. Số xe nhập khẩu từ 3 thị trường này chiếm tới 91% tổng lượng xe nhập khẩu vào Việt Nam trong tháng.
Mới đây, Thái Lan tuyên bố "tự tin là trung tâm sản xuất ô tô chính của ASEAN", bất chấp đại dịch COVID-19. Niềm tin này càng được củng cố khi Nissan chuyển địa điểm sản xuất khỏi Indonesia sang Thái Lan và Thái trở thành cơ sở sản xuất duy nhất của Nissan ở Đông Nam Á.