Khách quan mà nói, mỗi dòng xe lại có những ưu và nhược điểm khác nhau. Thông thường, người Việt vẫn có suy nghĩ “sính ngoại”, xe nhập khẩu chất lượng sẽ tốt hơn, vì thế sẽ “ngon” hơn xe lắp ráp. Bởi vì, theo quan điểm chung, xe nhập khẩu được sản xuất bởi dây chuyền hiện đại hơn, linh kiện tốt hơn, quy trình kiểm tra khắt khe hơn ở tất cả các khâu. Có thể nói, những yếu tố ở xe nhập khẩu được người tiêu dùng rất thích là khung gầm chắc chắn, thiết kế đẹp, cảm giác khi lái thoải mái, các tính năng an toàn cao….
Tuy nhiên, một điều dễ nhận thấy từ trước đến nay là xe nhập khẩu có mức giá cao hơn so với xe lắp ráp trong nước. Thậm chí, với nhiều mẫu xe nhập khẩu, thuế, phí mà người mua phải trả có khi còn cao hơn cả giá trị của chiếc xe. Chẳng hạn, một chiếc xe nhập khẩu khi lăn bánh trên đường phố Việt Nam đã phải gánh những khoản thuế như thuế nhập khẩu, thuế tiêu thụ đặc biệt, thuế giá trị gia tăng (VAT) cùng một số loại phí khác.
Vì vậy, giá xe nhập khẩu thường cao, và đó chính là rào cản lớn đối với người tiêu dùng. Tuy nhiên, theo thông tin, từ ⅛, ô tô nhập khẩu sẽ được giảm mạnh thuế nhập khẩu. Đó là nhờ hiệp định EVFTA có hiệu lực. EVFTA là viết tắt của Hiệp định thương mại tự do Việt Nam – EU, do đó khi hiệp định có hiệu lực, theo cam kết, nhiều mặt hàng xuất nhập khẩu sẽ được giảm thuế ngay hoặc giảm theo lộ trình, trong đó có ô tô.
Hiện các mẫu ô tô nhập từ châu Âu đều có mức thuế nhập khẩu là 70% giá trị khai báo hải quan. Điều này khiến dòng xe nhập từ các nước như Đức, Pháp, Ý có giá rất đắt, hầu hết đều trên 2 tỷ đồng/chiếc. Việt Nam chủ yếu nhập khẩu các mẫu ô tô của châu Âu như Audi, Mercedes-Benz, BMW, Volvo, Maserati, Volkswagen.
Tuy nhiên, mức thuế nhập khẩu các xe ô tô từ châu Âu sẽ được giảm, với các dòng xe có dung tích xy-lanh trên 2.500 cc trong 9 năm, các dòng xe có dung tích xy-lanh dưới 2.500 cc sẽ được bãi bỏ trong vòng 10 năm, như quy ước trong cam kết EVFTA. Như vậy, giá xe nhập khẩu dự đoán sẽ có sự điều chỉnh giảm đáng kể. Những người tiêu dùng “cuồng” xe nhập khẩu có thể chờ đến thời điểm sau ⅛ để mua xe.
Trong khi đó, ở phân khúc xe lắp ráp, sản xuất trong nước, một số chính sách đã và sẽ áp dụng cũng có tác động mạnh đến giá xe. Rõ ràng nhất là lệ phí trước bạ của dòng xe lắp ráp đã được giảm 50% từ nay đến hết năm 2020. Mức điều chỉnh lệ phí trước bạ này mang lại nhiều lợi thế về giá cho xe sản xuất trong nước. Được biết, một số dòng xe “hot” đã và đang được các hãng rục rịch chuyển về lắp ráp trong nước, để được hưởng những chính sách ưu đãi xe nội. Hôm nay, Honda đã chính thức xác nhận mẫu xe ăn khách của hãng CR-V 2020 là xe lắp ráp và sẽ ra mắt thị trường vào ngày 30/7 tới. Bên cạnh Honda CR-V, một số mẫu xe khác cũng đang được cho “khả năng cao” sẽ chuyển thành xe nội, như Toyota Fortuner hay Mitsubishi Xpander.
Không chỉ được ưu đãi giảm 50% lệ phí trước bạ, từ ngày 10/7, Nghị định 57/2020 có hiệu lực, cũng sẽ giúp xe lắp ráp có cơ hội giảm giá, khi thuế nhập khẩu linh kiện ô tô sẽ được bãi bỏ. Điều này đặc biệt quan trọng vì các doanh nghiệp sản xuất, lắp ráp ô tô trong nước hiện vẫn phải nhập nhiều linh kiện từ Hàn Quốc, Nhật Bản, Thái Lan, Trung Quốc. Việc bãi bỏ thuế nhập khẩu linh kiện ô tô sẽ giúp chi phí sản xuất giảm đáng kể, từ đó tăng khả năng cạnh tranh của xe lắp ráp với xe nhập khẩu.
Chưa kể, xe lắp ráp hiện đã chiếm được nhiều lòng tin của người tiêu dùng, chất lượng cải thiện, không thua kém nhiều so với xe nhập khẩu. Các điều kiện về bảo hành, bảo dưỡng cũng khá thuận lợi. Chính vì thế, mua xe lắp ráp hay xe nhập khẩu, lại một lần nữa khiến những ai đang có ý định sắm “xế cưng” phải đau đầu cân nhắc.