Ngành ôtô Việt Nam bắt đầu từ trước 1975 nhưng số lượng ôtô khi đó còn rất hạn chế bởi ảnh hưởng của chiến tranh. Từng có nhiều mẫu xe của các hãng Đức, Pháp, Nhật được nhập khẩu vào Việt Nam nhưng phần lớn theo diện quan hệ chính trị, phục vụ một nhóm thiểu số.
Giai đoạn sau 1975, tổn thất do chiến tranh khiến nền kinh tế Việt Nam gặp khó khăn về mọi mặt. Sau giai đoạn Đổi mới (1986), ngành ôtô vẫn chỉ ở những bước đi đầu tiên. Các doanh nghiệp chủ yếu sản xuất phụ tùng thay thế và đóng xe khách trên chassis ôtô tải.
Đến thập niên 90, ngành xe Việt Nam mới xuất hiện những liên doanh ôtô đầu tiên và những hãng xe (diện chính hãng) được Chính phủ cấp phép hoạt động. Điều này mở ra giai đoạn phát triển, định hình thành thị trường ôtô với hàng chục thương hiệu như hiện nay.
Trong khuôn khổ bài viết, VnExpress điểm qua những dấu mốc, sự kiện đầu tiên của ngành ôtô từ sau 1990.
Liên doanh ôtô và mẫu xe xuất xưởng đầu tiên
Năm 1991, Xí nghiệp liên doanh ôtô Hòa Bình và Công ty liên doanh Mekong Auto là hai liên doanh có vốn đầu tư nước ngoài đầu tiên tại Việt Nam đi vào hoạt động.
Riêng Mekong Auto là liên doanh có cơ cấu cổ phần gồm đối tác từ Hàn Quốc (19%), Nhật Bản (51%) và Việt Nam (30%). Mekong Auto góp phần đưa Việt Nam đứng tên trong 36 nước có ngành công nghiệp sản xuất và chế tạo ôtô trên toàn thế giới.
Nhà máy ôtô Cửu Long của Mekong Auto khánh thành vào 1992. Sản phẩm đưa ra thị trường đầu tiên là chiếc Mekong Star hai cầu, động cơ do hãng SsangYong (Hàn Quốc) cung cấp.
Năm 1994, một sự kiện quan trọng diễn ra trong bối cảnh thời bấy giờ là Tổng thống Mỹ Bill Clinton dỡ bỏ lệnh cấm vận đối với Việt Nam (từ 1975) và tuyên bố bình thường hóa quan hệ vào 1995. Nhiều hãng xe nước ngoài xem đây là cơ hội và tìm đường vào Việt Nam.
Năm 1995 chứng kiến cuộc đổ bộ của nhiều thương hiệu nước ngoài. Từ những cái tên đầu tiên như Toyota, Ford, Chrysler đến các hãng sau đó như Mitsubishi, Isuzu, Suzuki...
Cho đến nay, thị trường ôtô Việt Nam có sự hiện diện của hầu hết các thương hiệu ôtô lớn trên thế giới, từ phân khúc xe phổ thông, hạng sang, siêu xe đến siêu sang. Tính các hãng xe con thuộc Hiệp hội các nhà sản xuất ôtô Việt Nam (VAMA), Hiệp hội các nhà nhập khẩu ôtô Việt Nam (VIVA) và các hãng khác, thị trường có hơn 30 thương hiệu đến từ các cường quốc công nghiệp ôtô như Mỹ, Đức, Pháp, Anh, Nhật, Hàn, Italy.
Xe đô thị cỡ A đầu tiên
Năm 1993, liên doanh Daewoo Việt Nam (Vidamco) được thành lập với sự kết hợp của Daewoo Hàn Quốc và Xí nghiệp Liên hiệp Cơ khí 7893 thuộc Bộ Quốc Phòng. Công ty khánh thành nhà máy năm 1996 tại Ngọc Hồi (Hà Nội) và ra mắt chiếc Matiz năm 1998.
Daewoo Matiz lắp ráp tại Việt Nam từ linh kiện nhập khẩu, đồng thời mở ra phân khúc xe giá rẻ, nhỏ, dễ tiếp cận nhất trên thị trường. Giá xe ôtô khi đó còn được tính bằng USD, tỷ giá 1 USD đổi được khoảng 13.000 đồng, chiếc Matiz giá khoảng 130 triệu đồng.
Mẫu xe Hàn Quốc có giá bán tương đương hoặc nhỉnh hơn một chút so với những chiếc xe ga cao cấp thời bấy giờ như Honda Spacy, Honda Dylan, nhưng có ưu điểm "che nắng, che mưa". Doanh số Matiz đạt đỉnh vào 2005 với 2.069 xe và bị khai tử vào 2008, thay thế bằng Chevrolet Spark.
Đến nay, cả Daewoo Matiz và Chevrolet Spark đều không còn trụ lại. Trước 2019, sức mạnh của Kia Morning và Hyundai i10 khiến các mẫu xe Nhật như Honda Brio, Toyota Wigo, Mitsubishi Mirage, Suzuki Celerio không có nhiều cơ hội.
Năm 2019, VinFast Fadil, mẫu xe sử dụng nền tảng của Opel Karls - chiếc Chevrolet Spark của châu Âu, vươn lên thống trị phân khúc xe đô thị cỡ nhỏ. Cục diện phân khúc một lần nữa thay đổi.
Sedan cỡ B đầu tiên
Cuối những 1990, đầu 2000, những người học lái xe tại Việt Nam rất quen thuộc với bộ đôi xe Hàn, Daewoo Lanos và Kia Pride. Trong đó, Lanos là mẫu sedan cỡ B khá nổi danh vào thời điểm đó. Giai đoạn hoàng kim của thị trường xe Việt 2003, Daewoo bán hơn 2.000 chiếc. Lanos ngưng sản xuất vào 2006 để nhường chỗ cho Gentra.
Tuy nhiên, kẻ khai phá phân khúc và đồng thời là tiền thân của Lanos là Daewoo Cielo. Mẫu xe này bắt đầu sản xuất bởi liên doanh Vidamco vào tháng 4/1995 và kết thúc sự nghiệp vào tháng 12/2000.
Năm 2003, Toyota Vios lần đầu được giới thiệu tại Việt Nam. Kể từ đó đến nay, mẫu xe của Toyota đi một mạch lên đỉnh doanh số. Những mẫu xe xếp sau như Hyundai Accent, Honda City chưa lần nào vượt qua được Vios.
Hãng xe sang đầu tiên vào Việt Nam
BMW là hãng xe sang bước chân sớm nhất vào Việt Nam, năm 1994, thông qua hợp đồng với Xí nghiệp sản xuất ôtô Hòa Bình (VMC). Mẫu xe đầu tiên của hãng là Series 5 lắp ráp tại nhà máy VMC đặt tại Triều Khúc, Thanh Xuân (Hà Nội).
Muộn hơn một năm là Mercedes. Hãng mẹ Daimler AG lập liên doanh với tổng công ty Cơ khí Giao thông Vận tải Sài Gòn (SAMCO) vào 1995. Đến 1996, hãng giới thiệu sản phẩm đầu tiên dạng lắp ráp, E-class.
Hơn 20 năm có mặt tại Việt Nam, thương hiệu BMW lận đận với nhiều lần đổi nhà phân phối lẫn thay đổi hình thức kinh doanh, từ lắp ráp sang nhập khẩu. Mercedes ngược lại phát triển ổn định và hiện dẫn đầu thị phần xe sang. Thương hiệu ngôi sao ba cánh là hãng xe sang duy nhất hiện có nhà máy lắp ráp tại Việt Nam. Những hãng như Audi, Lexus, BMW, Volvo đều nhập xe về bán. Tuy vậy, Thaco đang trong quá trình hoàn thành nhà máy để tiến tới lắp ráp xe BMW tại Việt Nam vào cuối năm nay hoặc từ năm sau.
Thương hiệu ôtô Việt đầu tiên
Trước khi có sự xuất hiện của VinFast, công ty cổ phần ôtô Xuân Kiên (Vinaxuki) của ông Bùi Ngọc Huyên mới là thương hiệu ôtô đầu tiên của người Việt. Vào 2005, Vinaxuki cùng với Thaco của ông Trần Bá Dương là hai doanh nghiệp tư nhân được nhà nước cấp phép sản xuất ôtô các loại và phụ tùng.
Trong khi Thaco trung thành với định hướng lắp ráp xe thương hiệu nước ngoài như Kia, Mazda, Peugeot, Vinaxuki do ông Huyên dẫn dắt, mang hoài bão trở thành hãng ôtô thương hiệu Việt đầu tiên. Nhưng giấc mộng ấy không thành khi công ty lâm vào cảnh thua lỗ, nợ nần từ sau 2009.
Năm 2012, Vinaxuki mang chiếc VG150 concept đến triển lãm ôtô ở Hà Nội nhưng không nhận được nhiều chú ý dù có tỷ lệ nội địa hóa lên đến 58%. Năm 2015, Vinaxuki giải thể.
Giấc mộng xe hơi Việt Nam được tiếp nối bằng VinFast, hãng xe thuộc Vingroup. Thương hiệu Việt gây sốt khi mang hai mẫu Lux A2.0 và Lux SA2.0 đến Paris Motor Show 2018, một trong 5 triển lãm xe lớn nhất thế giới. VinFast với nguồn lực tài chính mạnh, một chiến lược bài bản, từng bước được người dùng chấp nhận. Doanh số của hãng hiện đứng thứ tư tại Việt Nam sau Hyundai, Toyota, Kia, số liệu lũy kế đến tháng 7/2021.
Trong thời chiến, Việt Nam cũng có vài mẫu ôtô thương hiệu Việt. Năm 1958, ở miền Bắc, các kỹ sư và công nhân ở nhà máy Chiến Thắng quyết định sản xuất một ôtô cỡ nhỏ, dựa theo thiết kế của chiếc Fregate chạy xăng của Pháp. Mẫu xe mang biển số QS001 kèm logo chữ V gắn trên lưới tản nhiệt, biểu tượng cho Việt Nam hay Victory - Chiến Thắng. Nhưng ảnh hưởng của chiến tranh khiến chiếc xe không được thương mại hóa.
Ở miền nam, Công ty Xe hơi Saigon do hãng Citroen (Pháp) thành lập, sản xuất chiếc La Dalat vào 1969. Mẫu xe mang tên Việt, lấy cảm hứng từ thành phố cao nguyên Đà Lạt. Trong khi đó, bản quyền thiết kế lấy từ mẫu Baby Brousse của công ty Ateliers et Forges de l’Ebrié.
Triển lãm xe hơi đầu tiên
Hiệp hội các nhà sản xuất ôtô Việt Nam (VAMA) tổ chức triển lãm đầu tiên vào 2002, mang tên Việt Nam Motor Show (VMS).
Cũng giống như các triển lãm ôtô trên thế giới, VMS được tổ chức mỗi năm một lần với khoảng thời gian từ tháng 8-10 hàng năm. Năm 2014, một nhóm các hãng nhập khẩu không muốn tổ chức chung triển lãm với các liên doanh khác nên tách riêng, tự thành lập Hiệp hội các doanh nghiệp ôtô nhập khẩu (VIVA). Trong ba năm 2015-2017, VIVA tổ chức triển lãm riêng mang tên Vietnam International Motor Show (VIMS). Nhưng từ 2018 tới nay, VIVA lại quay về với các hãng liên doanh trong VAMA để làm chung triển lãm VMS như trước.
Do dịch Covid-19, VMS 2020 đã bị hủy bỏ và nhiều khả năng VMS 2021 cũng sẽ không diễn ra với lý do tương tự.
Siêu xe, xe siêu sang vào Việt Nam
Lamborghini là hãng siêu xe đầu tiên được phân phối chính thức tại Việt Nam thông qua nhà phân phối CT-Wearnes vào 2014. Phòng trưng bày đầu tiên có trụ sở tại Hà Nội và ngưng vào năm 2018. Sau đó Lamborghini mở lại showroom mới tại TP HCM vào cuối năm 2020 cũng thông nhà phân phối cũ.
Mẫu Lamborghini đầu tiên về Việt Nam là Gallardo vào cuối năm 2007 thông qua đại lý tư nhân. Còn siêu xe đầu tiên về Việt Nam là mẫu Aston Martin Vanquish 2004, về nước vào 2006. Chiếc xe thuộc sở hữu của một doanh nhân tại TP HCM với mức giá khi đó khoảng 720.000 USD, tương đương 11,4 tỷ đồng.
Tháng 6/2013, thương hiệu siêu sang Roll-Royce (RR) chính hãng đầu tiên hoạt động tại Việt Nam, thông qua nhà phân phối Regal. Showroom đầu tiên nằm tại Hà Nội và hoạt động trong gần 7 năm, sau đó hai bên dừng hợp tác.
Đến cuối năm 2020, RR có nhà phân phối mới, S&S Automotive. Đại lý đầu tiên dự kiến đặt tại một con phố sầm uất ở trung tâm quận 1, TP HCM. Nhà phân phối này dự định ra mắt showroom vào giữa năm nay, nhưng chưa thể triển khai vì dịch bệnh.
Chiếc Rolls-Royce chính hãng đầu tiên về Việt Nam là Phantom vào năm 2008, thuộc sở hữu của đại gia bất động sản một thời Dương Thị Bạch Diệp, quê Bình Định với biển số nổi tiếng 77L-7777. Chiếc xe được mua chính hãng tại Anh Quốc và cá nhân hóa theo chủ nhân với giá 1,3 triệu USD. Thời điểm đó để lăn bánh chiếc RR, nữ đại gia này phải bỏ ra không dưới 30 tỷ đồng, riêng chi phí máy bay để đưa xe về Việt Nam khoảng 12.000 USD. Chuyên gia của hãng từ đại lý ở Singapore phải bay qua Việt Nam để thiết lập những thứ cần thiết ban đầu cho xe.