Động thái cho thấy sự chỉnh đốn trong ngành công nghiệp vốn đang đòi hỏi những khoản đầu tư khổng lồ cho công nghệ. Mục tiêu của Mitsubishi là chuyển hướng đầu tư sang nghiên cứu và phát triển xe điện cùng những công nghệ khác.
Các kế hoạch cũng cho thấy sự khó khăn khi các hãng xe hạng trung phải duy trì việc phát triển độc lập trong khi chi phí ngày càng tăng. Mitsubishi có thể là hãng xe Nhật đầu tiên chấm dứt việc phát triển kết cấu cho ôtô con bán ra tại chính thị trường quê nhà. Hãng có thể tiếp tục phát triển nội, ngoại thất và các thiết bị lái.
Kết cấu là thành phần nền tảng, đảm nhiệm vai trò điểm tựa cho động cơ, nội và ngoại thất. Phát triển một kết cấu có thể tốn hàng trăm triệu USD, hoặc khoảng một nửa chi phí phát triển một mẫu xe mới. Vì lý do này, nhiều mẫu xe thường chia sẻ cùng nền tảng.
Mitsubishi có 8 nền tảng ôtô tính đến tháng 3 vừa qua. Hãng đang tìm cách giảm xuống còn 4 tính đến hết tháng 3/2026. Mitsubishi dự kiến tự phát triển hai kết cấu xe cho Đông Nam Á - thị trường trọng tâm của hãng.
Còn tại Nhật, Mitsubishi sẽ sử dụng kết cấu do Nissan phát triển. Tính đến hết 2019, hai hãng Nhật đã chia sẻ 40% nền tảng ô tô, và đang nỗ lực hợp tác chặt chẽ hơn.
Mitsubishi đã chịu thua lỗ trong hai năm tài chính vừa qua và đang dừng sản xuất các mẫu xe không mang lại lợi nhuận, gồm một mẫu sedan trong 2016 và chiếc SUV Pajero mới đây.
Hãng có ngân sách nghiên cứu và phát triển 900 triệu USD cho năm tài chính kết thúc vào tháng 3/2022, thấp hơn 30% so với mức kỷ lục của năm tài chính 2019.
Các hãng ôtô khác cũng đã phải cắt giảm đầu tư vào việc phát triển nền tảng đầy tốn kém. Subaru đã gộp hai dạng kết cấu thành một kể từ 2016. Honda sẽ làm việc với General Motors để phát triển nền tảng cho xe điện bán tại Bắc Mỹ, trong khi Ford đang chia sẻ nền tảng xe điện với Volkswagen.