Thời gian gần đây, không chỉ Mercedes-Benz mà cả ngành công nghiệp xe hơi thế giới đều đang gặp khó. Hãng xe sang xứ sở Stuttgart, Đức đang phải tiến hành hàng loạt vụ triệu hồi sản phẩm, gánh chịu tổn thất kinh tế lớn do vụ trục trặc phần mềm động cơ diesel, cùng với việc thị trường toàn cầu đang đi xuống theo đà chung.
Tất cả những điều này đã dẫn tới hệ lụy không mong muốn, đó là chính sách "thắt lưng buộc bụng". Theo đó, nếu được thực thi, chính sách mới sẽ cắt giảm tới 10% nhân sự cấp quản lý, tương đương với 1.100 người. Đồng thời, chi phiếu trả lương cho 300.000 công nhân ở Đức cũng sẽ tạm thời bị đóng băng.
Thông tin này được nhắc đến trong một e-mail gửi tới nhóm làm việc của hãng và đã được đăng tải trên tờ nhật báo Süddeutsche Zeitung của Đức và cũng đã được hãng tin Handelsblatt của Đức . Tuy nhiên, hãng xe Đức đã ngay lập tức phủ nhận thông tin này.
CEO Ola Kallenius của Daimler (công ty mẹ của thương hiệu Mercedes-Benz) sẽ công bố bản báo cáo tài chính vào thứ năm tuần này, tại trụ sở London. Vị CEO cũng đồng thời kêu gọi công nhân không yêu cầu tăng lương vào thời điểm này, khi mà tình hình công ty đang lao đao, khốn đốn vì phải đối mặt với cuộc chiến thương mại toàn cầu, hàng loạt vụ triệu hồi tốn kém và khoản phí phạt khổng lồ của chính phủ Đức, liên quan tới vụ gian lận kiểm tra khí thải.
Mercedes đã phải chi tới 2,6 tỷ Euro để khắc phục các vấn đề liên quan tới động cơ diesel trong nửa đầu năm 2019. Việc này diễn ra sau khi cơ quan quản lý KBA của Đức yêu cầu thu hồi 60.000 mẫu xe thuộc dòng GLK và tuyên bố các phương tiện này sử dụng phần mềm động cơ bất hợp pháp. Hơn nữa, hãng xe Đức cũng đang phải gánh chịu khoản lỗ 1,2 tỷ Euro (tương đương 1,3 tỷ USD) trong quý II - quý lỗ đầu tiên của hãng trong suốt 10 năm kinh doanh gần đây.
Đây dường như chưa phải là cơn bão tồi tệ nhất đối với thương hiệu hạng sang Mercedes, nhưng chắc chắn là màn mây mù báo trước tương lai mịt mờ đang chờ đợi hãng ở phía trước, nếu tình hình không được cải thiện.