Kéo le, đạp nổ
Một trong những nguyên nhân hàng đầu gây nên hiện tượng xe khó đề nổ là do thời tiết lạnh. Theo lý giải của các thợ sửa xe, khi trời lạnh hoặc vào sáng sớm, khả năng bay hơi của xăng giảm mạnh, khiến cho hỗn hợp khí và xăng không đủ độ đậm đặc, gây ra hiện tượng khó nổ máy.
Có nhiều trường hợp trời lạnh kết hợp độ ẩm cao gây hiện tượng ngưng tụ nước ở trong buồng đốt hoặc các ống dẫn xăng, khiến xe khó đề nổ.
Đối với đa số các loại xe số, cách xử lý đơn giản được nhiều người truyền tai nhau đó là “kéo le”. Cụ thể, khi xe khó đề nổ, bạn có thể kéo cần gạt gió (hay còn gọi là “air gió” hoặc “le gió”) sang bên trái, sau đó ấn giữ nút đề. Lưu ý không giữ nút đề quá 3 giây và không đề nhiều lần liên tiếp để tránh gây hại đến ắc quy. Nếu xe đã nổ máy, hãy đợi cho máy đủ ấm, tiếng nổ đều thì gạt lại cần gạt gió về vị trí cũ; sau đó vặn ga để đi bình thường.
Nếu xe chưa nổ, bạn có thể thực hiện thao tác: tắt máy - mở cần gạt gió - đạp nổ từ 3-5 lần; sau đó mở công tắc, đề nổ (hoặc đạp nổ) - đóng cần gạt gió. Việc khởi động bằng cần đạp giúp đẩy hỗn hợp nhiên liệu và oxi vào buồng đốt lớn hơn, kích thích quá trình nổ máy dễ dàng hơn bằng cơ học; đồng thời giữ độ bền cho củ đề.
Vậy với xe tay ga, không có cần gạt gió, cũng không có cần đạp nổ thì làm thế nào?
Đa số xe ga hiện nay đều có hệ thống phun xăng điện tử (có đèn báo hiệu check engine). Khi gặp hiện tượng khó đề nổ, bạn hãy thực hiện thao tác: mở công tắc - đợi từ 3-5 giây để đèn báo hiệu check engine tắt - sau đó tắt công tắc. Lặp lại thao tác trên từ 3-5 lần, sau đó thử đề nổ. Nếu xe vẫn không nổ máy, có thể do nguyên nhân khác, hãy đưa xe đến cửa hàng sửa xe để kiểm tra, không cố gắng đề nổ máy.
Kiểm tra bugi
Nếu bạn đã thử đạp nổ vẫn không hiệu quả thì nguyên nhân có thể do bugi. Hãy kiểm tra bugi xem có bị bám muội than hay không, có đánh lửa bình thường hay không để vệ sinh hoặc thay thế.
Xả xăng cũ, nạp xăng mới
Xe để lâu ngày không dùng đến có thể khiến chất lượng xăng giảm do bị bay hơi hoặc lắng cặn trong bộ chế hòa khí. Cách xử lý thông thường là tháo, xả xăng thừa, bị cặn ra khỏi bình xăng. Sau đó nạp xăng mới và thực hiện thao tác đạp nổ như trên.
Kiểm tra dầu máy
Khi trời quá lạnh, dầu máy có thể bị đặc, gây hiện tượng “nặng máy”, xe nổ ì ạch. Hoặc đôi khi, xe của bạn đã lâu chưa thay dầu, dầu quá cũ cũng gây ảnh hưởng đến quá trình đề nổ của xe.
Do đó, điều bạn cần làm là đưa xe đi thay dầu máy định kỳ, sử dụng đúng loại dầu cho xe để đảm bảo xe hoạt động tốt nhất.
Kiểm tra bình ắc quy
Nếu nghe thấy tiếng đề xe yếu, âm thanh lịm dần, có thể nguyên nhân nằm ở ắc quy của xe bạn. Nếu gặp hiện tượng này, bạn không nên cố ấn nút đề liên tục, vừa ảnh hưởng đến củ đề, vừa khiến ắc quy nhanh hết điện hơn. Thay vào đó, hãy tắt công tắc và đợi khoảng 5 phút rồi thử đề lại. Nếu vẫn không đề được, bạn có thể nhờ một người khác kích điện cho bình ắc quy của xe mình. Sau đó đưa xe đến cửa hàng để kiểm tra, thay thế.
Kiểm tra công tắc đề, củ đề
Nếu bạn bật công tắc vẫn lên đèn, còi hoạt động bình thường mà đề không nổ chút nào thì có thể do công tắc đề hoặc củ đề gặp trục trặc, bị hỏng. Lúc này, bạn có thể chuyển sang đạp nổ máy (nếu xe có cần đạp) hoặc đưa xe đến trung tâm bảo hành hoặc cửa hàng sửa chữa gần nhất để kiểm tra cụ thể.
Để phòng tránh hiện tượng khó nổ cho xe máy, bạn nên để xe ở những nơi khô ráo, nhiệt độ không quá thấp. Đồng thời, cần thực hiện bảo dưỡng định kỳ cho xe máy, đặc biệt là các bộ phận quan trọng như ắc quy, bugi… sẽ khiến chiếc xe của bạn hoạt động trơn tru hơn, tránh được những phiền toái trong hoạt động hàng ngày.