Hàng loạt xe Honda City, Jazz, HR-V, Civic, CR-V, Accord dính lỗi bơm nhiên liệu
Có đến gần 20.000 ô tô Honda tại Việt Nam đang phải triệu hồi do các lỗi liên quan đến bơm nhiên liệu. Những xe thuộc diện triệu hồi có cả xe sản xuất, lắp ráp trong nước như HOnda City, và những xe nhập khẩu như Honda CR-V, HR-V, Honda Civic, Honda Accord. Theo thông tin từ Honda, bơm nhiên liệu lắp trên các mẫu xe này bị lỗi, và trong một số trường hợp, có thể khiến bơm bị kẹt, không cung cấp được nhiên liệu. Việc này có thể dẫn đến tình trạng động cơ không khởi động được hoặc chết máy trong khi lái xe.
Được biết, đợt triệu hồi này tại Việt Nam là một phần trong chiến dịch triệu hồi xe của Honda trên toàn thế giới, với tổng số lượng xe cần triệu hồi là 1,4 triệu xe. Tất cả đều có chung lỗi máy bơm nhiên liệu có thể bị hỏng và khiến động cơ dừng lại hoặc mất điện.
VinFast triệu hồi hơn 12.000 xe Chevrolet vì lỗi túi khí
Theo thông tin từ Cục Đăng kiểm, có 12.456 xe Chevrolet Cruze, Chevrolet Orlando và Chevrolet Trax bị triệu hồi nhằm kiểm tra và thay thế túi khí người lái.
Đây là những mẫu xe do công ty TNHH General Motors Việt Nam (GMV) sản xuất, lắp ráp và nhập khẩu trong thời gian từ 1/2014 đến 2018. Tuy nhiên, từ năm 2018, General Motors Việt Nam đã nhượng lại nhà máy lắp ráp, chuyển giao hoạt động nhập khẩu và phân phối sản phẩm thương hiệu Chevrolet cho VinFast. Hãng xe Việt đang cung cấp các dịch vụ bảo hành, bảo dưỡng, sửa chữa, thay thế phụ tùng cho các dòng xe Chevrolet tại Việt Nam.
Các xe nằm trong diện ảnh hưởng có cụm bơm khí do công ty Takata cung cấp, có thể được sản xuất với nguy cơ bị hơi ẩm xâm nhập theo thời gian. Trong trường hợp xe gặp tai nạn và hệ thống túi khí được kích hoạt, tùy theo từng hoàn cảnh, việc giải phóng khí trơ có thể tạo nên áp lực bên trong cụm bơm khí quá lớn và dẫn đến khả năng cụm bơm khí bị nứt vỡ. Trong trường cụm bơm khí bị nứt vỡ, các mảnh kim loại của bơm khí có thể bắn văng ra xuyên qua túi khí được bơm phồng dẫn đến nguy cơ gây chấn thương nghiêm trọng cho khách hàng.
Hơn 30.000 xe Toyota và Lexus bị triệu hồi
Toàn bộ số xe bị ảnh hưởng đều đã bán ra thị trường. Có tổng cộng 29.513 ô tô Toyota được lắp ráp, sản xuất tại Việt Nam bị triệu hồi lần này. Cụ thể, 3.060 xe Camry sản xuất trong giai đoạn từ ngày 20/12/2017 đến ngày 25/3/2019 liên quan đến chương trình này; 5.837 xe Corola sản xuất trong giai đoạn từ 16/1/2018 đến 31/1/2019 và 20.616 xe Innova sản xuất trong giai đoạn 32/1/2017 đến 3/4/2019 bị triệu hồi.
Theo mô tả chi tiết, các xe trong diện triệu hồi đều nổi đèn báo lỗi và các thông tin cảnh báo trên bảng táp lô, động cơ bị rung giật, không khởi động được hoặc xe bị chết máy khi đang chạy ở tốc độ thấp. Trong một vài trường hợp đặc biệt, xe có thể bị chết máy khi đang chạy ở tốc độ cao, làm tăng nguy cơ xảy ra va chạm.
Những xe trong diện ảnh hưởng được trang bị bơm thấp áp, đặt trong bình nhiên liệu, để cung cấp nhiên liệu cho hệ thống phun xăng điện tử. Cánh bơm có thể được sản xuất với mật độ vật liệu thấp hoặc loại cánh bơm có thể có phát sinh vết nứt do quá trình sấy khô trong quá trình sản xuất. Điều này dẫn tới cánh bơm có thể bị biến dạng nhất định do tác dụng của xăng. Cánh bơm bị biến dạng có thể va chạm với thân bơm, khiến bơm không hoạt động.
Hơn 800 xe Mitsubishi tại Việt Nam phải triệu hồi
Mới đây, Mitsubishi Motor Việt Nam đã gửi báo cáo lên Cục Đăng kiểm Việt Nam thông tin chi tiết về hai đợt triệu hồi liên quan đến 830 xe Mitsubishi Pajero, I-Miev nhập khẩu bị lỗi túi khí và 13 xe Lancer gặp sự cố ở cửa sổ trời và bộ dây đai tự động của động cơ.
Tất cả các xe này được Mitsubishi Motor Việt Nam nhập khẩu và đã phân phối đến tay người tiêu dùng trong nước.
Trước đó, vào tháng 3 năm nay, Mitsubushi cũng đã có thông báo triệu hồi đến hơn 1.500 chủ xe Triton và Outlander tại Việt Nam.Toàn bộ xe thuộc diện triệu hồi đều được sản xuất trong khoảng thời gian từ ngày 22/1/2015 đến ngày 13/9/2016 và do Mitsubishi Việt Nam nhập khẩu nguyên chiếc.
Cụ thể, trên các xe bị ảnh hưởng, đinh tán dùng để cố định ốp che bệ bước chân có thể bị ăn mòn dẫn đến gãy. Trong trường hợp tất cả các đinh tán bị gãy, ốp che của bệ bước chân có thể rơi khỏi xe gây ra nguy cơ tai nạn. Nguyên nhân được xác định là do trong điều kiện môi trường tiếp xúc với nước chứa muối hoặc chất chống đông, các đinh tán bị ăn mòn dẫn đến gãy.