Lịch sử phát triển của vạch kẻ phân chia làn đường. Nguồn: Youtube The History Guy.
Vạch kẻ đường là một bộ phận không thể thiếu trong bức tranh giao thông hiện đại. Tuy nhiên, có bao giờ bạn tự hỏi, vạch chia làn có từ bao giờ? - Hãy cũng AutoNews xuyên không sang Mỹ, tới khu vực Indio, bang California, để cùng tìm hiểu về một con đường quốc lộ mang tên: Doctor June McCarroll Memorial Freeway.
Tên của con đường này được đặt theo nữ tiến sĩ June McCarroll - nhân viên của Sở Giao thông vận tải bang California, Hoa Kỳ. Bà chính là người đã đưa ra sáng kiến sử dụng vạch sơn ở giữa tim đường, để phân chia làn đường. Ý tưởng này được nảy ra từ năm 1917, khi bà McCarroll đang lái chiếc xe Ford Model T của mình, thì bất ngờ đối diện với một chiếc xe tải chạy ngược chiều đang lấn đường, khiến xe của bà phải né ra rệ đường.
Việc dùng vạch kẻ để chia làn theo phương tiện được áp dụng tại Rome năm 1300. Ảnh: 1Zoom.me.
Tuy nhiên, theo một tài liệu được ghi nhận, thì đây vẫn chưa phải là vạch kẻ đường đầu tiên trên thế giới. Theo đó, vào khoảng những năm 1300, khi Giáo hoàng đệ tám Pope Boniface VIII tổ chức lễ ân xá Catholic Jubilee tại thành phố Rome. Các vạch kẻ được vẽ xuống mặt đường, nhưng lại không có tác dụng xác định hai chiều đi, mà là để phân chia các loại phương tiện giao thông khác nhau, như: ngựa, xe thồ hay người đi bộ.
Vào khoảng năm 1600, người ta sử dụng những viên đá nhiều màu sắc, xếp ở giữa để làm vạch phân chia tim đường, tại khu vực thành phố Mexico City. Và vào năm 1792, luật "đi bên phải đường" đã được thông qua và có hiệu lực tại Pháp, cũng như Hoa Kỳ. Tuy nhiên, tất cả những quy tắc này chỉ được quy định khá lỏng lẻo, cho đến khi ngành công nghiệp ôtô bắt đầu bùng nổ, số lượng xe hơi tăng lên nhanh chóng và việc đưa ra quy tắc di chuyển thực sự là vấn đề cấp thiết.
Nhiều nơi trên thế giới phân chia tim đường được áp dụng lỏng lẻo từ xưa. Ảnh: tomaszkacmajor.pl.
Cụ thể, theo thống kê, vào năm 1929, ở Mỹ, trung bình cứ 1.000 dân thì có 85 chiếc xe ôtô. Tốc độ của xe hơi cũng nhanh và ổn định hơn nhiều, so với xe ngựa trước kia. Kéo theo đó là vấn đề an toàn giao thông, nhất là trong những khu đô thị đông đúc - bỗng trở thành mối quan tâm và lo ngại của tất cả mọi người. Và theo ghi nhận, thì Sở Giao thông vận tải bang Michigan, Mỹ, là đơn vị đầu tiên chính thức đưa ra luật phân chia làn đường theo chiều di chuyển. Luật này do sáng kiến của Edward N. Hines đóng góp, và được áp dụng vào năm 1911, tại thành phố Detroit - thủ phủ xe hơi Mỹ.
Tới 1930, việc sử dụng vạch kẻ chia làn được áp dụng rộng rãi và đồng bộ trên toàn nước Mỹ. Ảnh: blog.csiro.au.
Cho tới thập niên 1930, tại hội nghị An toàn giao thông Hoa Kỳ được các cơ quan chức năng tổ chức, thì việc sử dụng vạch kẻ đường để phân chia làn đường và chiều di chuyển, mới được thống nhất áp dụng trên phạm vi toàn nước Mỹ. Kèm theo đó, có cả các loại vạch đứt đoạn có thể sang đường và luật buộc phải ra tín hiệu (đèn, còi) thông báo khi phương tiện muốn sang đường. Từ đó đến nay, luật này được mở rộng và áp dụng rộng rãi tại nhiều nơi trên toàn thế giới, giúp giảm thiểu tai nạn và đóng góp vào sự phát triển của nhân loại.