Nếu bạn nghĩ các nhà sản xuất ô tô Trung Quốc đang khó khăn vì dịch bệnh SARS-CoV-2, hãy đến với các đại lý bán xe ô tô của chính họ.
Nhiều nhà đầu tư đã rót tiền vào cổ phiếu của các nhà phân phối ô tô, số tiền đầu tư tăng tới 90% trong 6 tháng qua, với hy vọng dù thế nào nhu cầu mua ô tô cũng vẫn cao. Thậm chí, theo Bloomberg, số tiền các nhà đầu tư rót vào đại lý ô tô còn tăng 13% kể từ đầu tháng Hai, khi dịch virus Corona mới đang bùng phát, khiến thị trường ô tô gần như rơi vào thế chững lại kể từ sau đợt bán hàng chậm lại vì kỳ nghỉ Tết Nguyên đán. Nhưng rồi, hầu như không một bước chân nào vào các showroom ô tô ở Trung Quốc, đất nước mà nhiều nơi người dân vẫn đang phải cách ly do virus SARS-CoV-2.
Dịch bệnh bùng phát gây ảnh hưởng mạnh đến chuỗi cung ứng ô tô, nhiều người vẫn hy vọng Bắc Kinh sẽ có những biện pháp kích thích giúp Trung Quốc vượt qua khó khăn, đặc biệt với thị trường ô tô khổng lồ của Trung Quốc. Thực tế, các nhà chức trách ở Phật Sơn, tỉnh Quảng Đông đang cung cấp cho người tiêu dùng khoản trợ cấp 2.000 nhân dân tệ đến 5.000 nhân dân tệ (286 USD đến 715 USD) khi họ mua ô tô mới. Các hộ gia đình có thể bắt đầu nói về việc mua xe hơi mới để đi, như một giải pháp an toàn hơn trong thời kỳ dịch bệnh, so với đi phương tiên giao thông công cộng hoặc đi chung xe. Sau nhiều tuần đường phố vắng tanh, nhiều dấu hiệu cho thấy giao thông đang tăng trở lại ở các thành phố lớn, khiến nhiều người tin rằng doanh số bán ô tô có thể tăng.
Tuy nhiên, Bắc Kinh có thể “nhét tiền vào túi người tiêu dùng” để thúc giục họ mua ô tô, nhưng vẫn không thể kéo họ đến các phòng trưng bày. Những khách hàng tiềm năng của ngành ô tô sẽ không đến đại lý, showroom và quàng tay quanh chiếc vô lăng hay sờ vào các thiết bị lạ mắt nếu họ không biết có ai đó đã chạm tay vào những thứ đó trước họ chưa.
Không đến showroom, người tiêu dùng ngồi ở nhà. Về lý thuyết, họ là khách hàng tiềm năng và được mời chào vào các showroom qua WeChat của các đại lý bán ô tô. Quảng cáo mời chào họ xem xe ô tô trong phòng triển lãm trực tuyến và tận hưởng trải nghiệm mới. Bán hàng trực tuyến có thể sẽ thúc đẩy nhu cầu, các đại lý ô tô nghĩ vậy.
Trong xu hướng này, hãng tin Reuters cho biết mới đây, Geely tuyên bố triển khai dịch vụ mới tại Trung Quốc, cho phép khách hàng mua xe trực tuyến và Geely sẽ giao xe trực tiếp đến nhà của khách hàng mà họ không cần đến showroom hay ra ngoài ký hợp đồng. Đây là nỗ lực của hãng ô tô Trung quốc trong bối cảnh doanh số xe giảm mạnh khi dịch bệnh bùng phát khiến người mua xe tránh xa các showroom ô tô.
Trước đây, Geely đã hợp tác với các nền tảng bán hàng trực tuyến của bên thứ ba bao gồm Tmall, JD.com và Suning.com nhưng đây là lần đầu tiên nhà sản xuất ô tô có trụ sở tại Chiết Giang bán xe thông qua trang web của mình.
Tuy nhiên, thực tế tại các đại lý tồi tệ hơn nhiều. Đầu tháng này, hiệp hội các đại lý ô tô ở Trung Quốc đã cầu xin các cơ quan quản lý tài chính hỗ trợ do áp lực thanh khoản. Các đại lý ô tô có lý do để lo lắng. Ngành kinh doanh của họ thâm dụng vốn cao. Họ không thể dọn hàng tồn kho và bán hàng đủ nhanh để tạo ra tiền mặt. Hàng tồn kho tiếp tục tăng cao. Các nhà sản xuất không thể thanh toán cho đại lý đúng hạn và đại lý không thể đáp ứng các mục tiêu bán hàng mà họ đã nhận. Doanh số cho vay có thể bắt đầu “cắn” vào các khoản tài chính của họ khi nền kinh tế suy yếu làm giảm thu nhập của người tiêu dùng.
Dù có các biện pháp kích thích và trưng bày, bán hàng trực tuyến, song hy vọng đang mỏng dần. Cuối cùng, người mua cũng phải đến phòng trưng bày và ký các hợp đồng. Ngay cả những người khổng lồ như Alibaba cũng đã thử vận may bán ô tô trực tuyến, song không mang lại kết quả. Như các nhà phân tích của Jefferies Financial Group Inc. nói, mua một chiếc xe liên quan đến một số tương tác giữa người mua và các bên khác, bao gồm cả đại lý và các yêu cầu tương tác ngoại tuyến khiến doanh số bán xe trực tuyến gần như không thể có. Trong khi đó, lợi nhuận của các đại lý bán ô tô cơ bản do doanh số xe mới mang lại.
Các dòng lợi nhuận khác cũng không được mạnh. Một phần lớn thu nhập của đại lý dựa vào các khoản phí khác nhau và dịch vụ sau bán hàng. Các khoản phí mà họ thu của khách hàng như phí tài chính, đăng ký, kiểm tra trước khi giao hàng chiếm trung bình hơn 40% lợi nhuận. Và nếu doanh số thấp, nhu cầu đối với những phục vụ này cũng đình trệ.
Các nhà đầu tư có thể tiếp tục chờ đợi. Nhưng lạc quan không đúng chỗ sẽ mang lại hậu quả gì thì có lẽ mọi người cũng đã biết.