Ngành công nghiệp ô tô hùng mạnh của Đức có mối liên hệ chặt chẽ với tập đoàn công nghệ Trung Quốc Huawei. Các hãng ô tô như Audi và Daimler đều hợp tác với Huawei, và mặc dù là những nhà sản xuất ô tô cừ khôi của thế giới, song ở thời điểm này, có thể Trung Quốc mới là người đang ngồi ở ghế lái cuộc chơi. Bởi vì, Đức đang bị lôi kéo vào cuộc tranh luận căng thẳng về Huawei, liệu có nên cho phép Huawei tham gia xây dựng mạng di động thế hệ thứ 5 (5G) hay không.
Theo New York Times, bất cứ quyết định nào Đức đưa ra cũng sẽ định hình mối quan hệ giữa Đức với Trung Quốc. Nó sẽ là một tín hiệu chính trị mạnh mẽ, hợp tác hay chia tay rạn nứt và châu Âu sẽ như thế nào trong thời đại chiến tranh kỹ thuật số giữa Washington và Bắc Kinh.
Đức, giống như tất cả các nước châu Âu, đang chịu áp lực rất lớn trong việc tẩy chay Huawei theo chính phủ Mỹ, họ lo ngại công ty Trung Quốc là một con ngựa thành Troa sẽ cho phép chính phủ Trung Quốc gián điệp hoặc kiểm soát các mạng truyền thông châu Âu và Mỹ.
“Phương Tây nên có một giải pháp chung về 5G”, ông Richard Grenell, đại sứ Mỹ tại Đức, cho biết hôm thứ Năm (17/1) trong một email.
Nhưng đối với Đức, quyết định đó đặc biệt khó khăn. Mối quan hệ của Đức với chính quyền Trump có thể dẫn đến các mối đe dọa thuế quan đối với các nhà sản xuất ô tô Đức và một thảm cảnh mất lòng tin xuyên Đại Tây Dương.
Trong khi đó, Trung Quốc đối với châu Âu đang là một người chơi chiến lược mới và là đối tác kinh tế ngày càng không thể thiếu. Cho đến nay, là thị trường lớn nhất thế giới, Trung Quốc đã trở thành nguồn tăng trưởng lớn nhất cho các nhà sản xuất ô tô chính của Đức và là chìa khóa cho sự thống trị của họ trên thị trường xe hơi hạng sang.
Ở vị trí này, Trung Quốc không ngần ngại biến sức mạnh của họ thành vũ khí.
“Nếu Đức ra quyết định loại trừ Huawei khỏi thị trường Đức, sẽ có hậu quả”, ông Wu Ken, đại sứ Trung Quốc tại Đức đã cảnh báo vào tháng trước. Chính phủ Trung Quốc sẽ không đứng ngoài cuộc.
Konstantin von Notz, một nhà lập pháp và là thành viên của ủy ban các vấn đề kỹ thuật số tại Quốc hội Đức, nói: “Người Trung Quốc nói rõ họ sẽ trả đũa đúng nơi đúng chỗ, và đó là ngành công nghiệp xe hơi Đức”.
Trong nhiều tháng, các nhà lập pháp Đức đau đầu với câu hỏi có nên loại trừ Huawei khỏi quy trình đấu thầu hay không. Vấn đề dự kiến sẽ được tranh luận một lần nữa trong Quốc hội vài tuần tới. Thủ tướng Đức Angela Merkel đang kêu gọi các nhà lập pháp tìm giải pháp giải quyết tranh chấp. Bản thân bà Merkel phản đối việc cấm công ty Trung Quốc. Trong khi đó, những người phản đối ý kiến của bà Merkel, nói rằng quy trình chứng nhận hiện tại, chỉ yêu cầu các công ty ký cam kết không làm gián điệp. Bản thân yêu cầu này vốn đã thiếu sót vì nó chỉ dựa vào niềm tin.
Thế giới đang bước vào kỷ nguyên xe hơi công nghệ, xe hơi kết nối. Những chiếc xe có thể tự lái giúp lái xe an toàn hơn nhưng cũng mở ra cơ hội giám sát và kiểm soát của các chính phủ.
“Các công ty xe hơi đã thu thập vô số dữ liệu cá nhân của người dùng, và họ sẽ rất tức giận nếu phát hiện dữ liệu của họ bị rò rỉ, được Đảng Cộng sản Trung Quốc sử dụng”, ông Grenell, đại sứ Mỹ cho biết.
Ngoài những lo ngại về gián điệp và phá hoại, các nhà lập pháp cảnh báo nếu Đức thỏa hiệp với Huawei, họ sẽ không chỉ xa lánh Washington mà còn có nguy cơ phá hoại một mặt trận thống nhất châu Âu rất cần thiết.
“Hy vọng duy nhất của chúng tôi là gắn bó châu Âu”, ông Röttgen nói. Điều đó, theo ông, cũng là một lập luận tạo điều kiện triển khai 5G cho các công ty châu Âu như Nokia hay Ericsson.
Các nhà phân tích cho biết Nokia và Ericsson đã giành được hợp đồng 5G ở Đan Mạch và các nơi khác, có khả năng xây dựng mạng 5G, nhưng sẽ mất nhiều thời gian hơn và tốn kém hơn - không chỉ vì Huawei vốn đang đóng vai trò rất lớn trong các mạng hiện có ở Đức. Sự chuyển đổi sẽ lộn xộn và tốn kém.
Tuy nhiên, ông Röttgen cho biết, với quy mô giá thầu mới, nếu chấp nhận Huawei, châu Âu có nguy cơ bị tụt lại vĩnh viễn.
“Nếu để Huawei xây dựng mạng 5G, sau một thời gian các chính phủ sẽ không hiểu về hệ thống của chính mình”, ông nói. “Đây sẽ là một sự mất kiểm soát và chủ quyền tối đa”.
Tuy nhiên, những người khác nói rằng “gánh nặng trả giá vì bắt tay với Huawei có thể không phải là một ý tưởng tồi”.
“Nếu chúng ta cấm Huawei, ngành công nghiệp ô tô Đức sẽ bị đẩy ra khỏi thị trường Trung Quốc - và đây là tình huống mà tổng thống Mỹ cũng đe dọa sẽ trừng phạt các nhà sản xuất ô tô Đức”, ông Sigmar Gabriel, cựu bộ trưởng ngoại giao Đức, nói.
Các nhà sản xuất ô tô Đức như Volkswagen, Daimler và BMW tiếp tục ghi nhận doanh số tăng tại Trung Quốc và đang chiếm thị phần của các đối thủ như Ford, ngay cả khi thị trường chung có sự sụt giảm.
“Năm ngoái, 28 triệu ô tô đã được bán ở Trung Quốc, 7 triệu xe trong số đó là của Đức”, ông Wu, đại sứ Trung Quốc tại Đức, nhận xét hồi tháng 12/2019, điều đó khiến nhiều người ở Đức hiểu về một mối đe dọa ẩn nấp.
Khi các nhà sản xuất ô tô của Đức trở nên phụ thuộc sâu sắc hơn vào Trung Quốc, họ cũng trở thành tâm điểm chú ý hơn với chính phủ Trung Quốc.
Sở thích của người tiêu dùng Trung Quốc, và các chính sách của chính phủ Trung Quốc, ngày càng góp phần quyết định những mẫu xe, mô hình kinh doanh nào mà các nhà sản xuất ô tô xây dựng và loại công nghệ họ phát triển.
Trung Quốc cũng đã trở thành sân khấu nơi các nhà sản xuất ô tô Đức phát triển và thử nghiệm công nghệ mới, thường là trong mối hợp tác với Huawei.
Audi, thương hiệu xe hơi hạng sang của Volkswagen, đã công bố một hợp tác chiến lược với Huawei về phát triển công nghệ xe tự lái. Daimler, 9,9% thuộc sở hữu của nhà đầu tư Trung Quốc Li Shufu, sử dụng điện toán hiệu năng cao của Huawei. BMW và những hãng khác hợp tác với Huawei về nghiên cứu và phát triển.
Không có công ty xe hơi nào gắn bó chặt chẽ với Trung Quốc hơn so với Volkswagen. Công ty đã hoạt động tại Trung Quốc từ đầu những năm 1980. Ngày nay, gần một nửa doanh thu của Volkswagen đến từ Trung Quốc và hãng đang chiếm 14% thị phần xe hơi ở Trung Quốc.
“Nếu chúng tôi rút khỏi Trung Quốc”, Herbert Diess, giám đốc điều hành của Volkswagen, nói với tờ báo Wolfsburger Nachrichten vào tháng 12, “thì 10.000 trong số 20.000 kỹ sư phát triển của chúng tôi ở Đức sẽ phải nghỉ việc”.
Các nhà sản xuất ô tô Đức phủ nhận sự phụ thuộc của họ vào Trung Quốc đã biến họ thành những người ủng hộ lợi ích của Trung Quốc. Họ không muốn “các vấn đề chính trị ảnh hưởng đến phát triển sản phẩm”, nhưng các công ty vẫn phải thừa nhận họ không thể hoạt động trong một không gian “phi chính trị”, điều đó là rõ ràng.
Huawei rất hiểu về Đức. Trụ sở chính của Huawei tại Đức nằm ở Bavaria, cùng với BMW và Audi và nhiều công ty khác đã thâm nhập sâu vào Trung Quốc. Huawei là một nhà tài trợ hào phóng cho tất cả các đảng chính, bao gồm cả những người bảo thủ ở Bavaria.
Markus Söder, lãnh đạo bảo thủ của Bavaria, đã công khai bảo vệ quyền của Huawei trong đấu thầu, đồng thời đả kích Mỹ.
“Nếu tôi loại trừ Huawei vì một đối tác khác trên thế giới không thích điều đó”, ông nói. “đó là quyết định có vấn đề”!