Hãng tin Bloomberg dẫn số liệu từ VDA - một tổ chức vận động hành lang của ngành công nghiệp ôtô Đức - cho biết các hãng xe ở nước này, gồm Volkswagen, BMW và Daimler, sản xuất 4,66 triệu xe từ các nhà máy tại Đức trong năm ngoái, mức thấp nhất kể từ 1996.
Theo VDA, so với năm 2018, sản lượng ôtô của Đức năm ngoái giảm 9% và đây là một hệ quả của sự suy giảm nhu cầu trên thị trường xe toàn cầu do một lượng xe lớn sản xuất tại Đức được xuất khẩu ra nước ngoài.
Năm 2019, nền kinh tế toàn cầu bị phủ bóng cuộc chiến thương mại căng thẳng giữa Mỹ và Trung Quốc. Tăng trưởng giảm sút tại nhiều nền kinh tế chủ chốt của thế giới, đặc biệt là Trung Quốc, đã kéo tụt nhu cầu tiêu thụ ôtô. Theo ước tính của tổ chức đánh giá tín nhiệm Fitch Ratings, doanh số thị trường ôtô toàn cầu giảm khoảng 3,1 triệu xe trong năm ngoái, tương đương mức giảm 4%.
Công nghiệp ôtô Đức - lĩnh vực vốn được xem là biểu tượng sức mạnh công nghiệp của nền kinh tế lớn nhất châu Âu - có thể đối mặt thêm nhiều thách thức lớn trong năm nay. VDA dự báo doanh số thị trường xe toàn cầu sẽ giảm về 78,9 triệu xe trong 2020 từ mức 80,1 triệu xe của 2019.
Ngoài chiến tranh thương mại và sự giảm tốc kinh tế toàn cầu, ngành công nghiệp ôtô Đức còn đang chịu sức ép từ vấn đề ô nhiễm môi trường. Vấn đề này trở thành một mối lo lớn hơn bao giờ hết của nhiều quốc gia trên thế giới kể từ sau vụ bê bối nói dối về mức khí thải xe diesel của hãng xe lớn nhất thế giới Volkswagen vào năm 2015.
Tiêu chuẩn khí thải bị siết chặt không chỉ khiến người tiêu dùng chần chừ hơn trong việc ra quyết định mua xe mới, mà còn khiến các hãng xe phải đầu tư nhiều tỷ USD vào lĩnh vực sản xuất xe điện - loại xe thân thiện hơn với môi trường so với xe động cơ đốt trong.
Năm nay, các hãng xe Đức như Daimler và Volkswagen, cùng nhiều nhà cung cấp phụ tùng ôtô như Continental đã phải mạnh tay cắt giảm việc làm để tiết giảm chi phí và để thích nghi với cuộc dịch chuyển sang xe điện. Hồi tháng 12, Daimler tuyên bố sa thải ít nhất 10.000 nhân viên, Audi công bố kế hoạch cắt giảm 9.500 công việc.
Thách thức đối với công nghiệp ôtô Đức còn đến từ sự nổi lên của những dịch vụ chia sẻ xe như Uber. Khi những dịch vụ này ngày càng phổ biến, tiện dụng và giúp giảm chi phí, nhu cầu sở hữu ôtô của người tiêu dùng giảm so với trước kia.
Các hãng xe Đức được xem là chịu ảnh hưởng nhiều hơn cả từ việc tiêu chuẩn khí thải ôtô bị siết chặt, bởi từ lâu, các thương hiệu xe của nước này như BMW, Porsche và Audi luôn đặt trọng tâm vào sức mạnh và hiệu suất của xe. Đứng trước thách thức này, các hãng xe Đức buộc phải thăm dò những dự án chưa từng có tiền lệ.
Tại triển lãm điện tử CES đang diễn ra ở Las Vegas, Mỹ, thương hiệu Mercedes-Benz của Daimler trình làng một mẫu xe ý tưởng lấy cảm hứng từ bộ phim Avatar. Chiếc ôtô chạy điện này mô phỏng di chuyển ngang như một con cua và được trang bị các tính năng điều khiển dựa trên thông số sinh học của người dùng, theo đó cho phép “con người và máy móc hòa làm một”.
Thị trường ôtô tại Đức đạt mức tăng trưởng doanh số 5% trong năm ngoái, với 3,6 triệu xe mới được đăng ký, mức cao nhất kể từ năm 2009 - theo VDA.
Tuy nhiên, tổ chức này cho biết thị trường ôtô Đức có thể suy giảm trong năm nay và số việc làm trong ngành sản xuất ôtô Đức sẽ tiếp tục giảm sút trong cuộc dịch chuyển sang xe điện - loại xe có ít linh kiện hơn nên cần ít nhân công hơn để lắp ráp.
Cũng trong 2019, Đức củng cố vị thế thị trường ôtô điện lớn nhất châu Âu, dẫn trước Na Uy, với 63.281 ôtô chạy điện được tiêu thụ trong cả năm.