Xe SUV lên ngôi và nỗi sợ của công nhân ôtô Đức

Phương Vy

Ngành công nghiệp ôtô Đức từ lâu đã nổi tiếng với những mẫu xe sedan đẳng cấp như Audi A4, BMW 5-Series hay Volkswagen Passat.

Một chiếc G-Wagon của hãng Mercedes.
Một chiếc G-Wagon của hãng Mercedes.

Nhưng sở thích của người tiêu dùng đang có sự dịch chuyển trong về phía những mẫu xe SUV “cồng kềnh”, vào đúng một thời điểm không thể tệ hơn.

Nhu cầu đối với xe đa dụng có tính năng thể thao (SUV) ban đầu chỉ rộ lên ở Mỹ, nhưng gần đây đã lan rộng khắp toàn cầu, khiến các hãng xe phải điều chỉnh danh mục sản phẩm và kế hoạch sản xuất nếu không muốn suy giảm sức cạnh tranh. Việc bán được nhiều xe SUV, loại xe có tỷ suất lợi nhuận cao hơn, là một tin tốt cho các hãng xe Đức, nhưng lại là một mối đe dọa đối với công nhân làm việc trong các nhà máy sản xuất ôtô ở nước này vốn quen với sản xuất các mẫu xe sedan và hatchback, hãng tin Bloomberg cho hay.

Tại BMW, doanh số của xe SUV - dòng xe mà hãng chủ yếu sản xuất tại Mỹ - hiện chiếm 44% trong tổng doanh số toàn cầu, từ mức 24% cách đây 1 thập kỷ. Cùng với đó là sự sụt giảm tương ứng của những mẫu xe như 5-Series sản xuất tại nhà máy của hãng ở Dingolfing, gần Munich.

Cuộc lên ngôi của SUV cũng diễn ra ở Audi. Hãng này đang đẩy mạnh sản xuất xe SUV ở Mexico, Hungary và Slovakia.

Về phần mình, Mercedes cũng cho “ra lò” ngày càng nhiều xe SUV dòng GLE từ nhà máy của hãng ở Tuscaloosa, Alabama, Mỹ.

Kết quả là, ngành công nghiệp ôtô Đức - lĩnh vực sử dụng lao động lớn nhất ở nước này, với khoảng 830.000 công nhân - phải hứng chịu sức ép từ sự sụt giảm sản lượng lớn nhất trong gần 1 thập kỷ. Điều này góp phần đẩy Đức, nền kinh tế lớn nhất của khu vực châu Âu, tiến gần hơn tới miệng hố suy thoái.

Không chỉ bị ảnh hưởng bởi xu hướng ưa chuộng xe SUV, sự sụt giảm sản lượng của công nghiệp ôtô Đức còn là hệ quả của chiến tranh thương mại và sự giảm tốc kinh tế toàn cầu. Ngoài ra, tương lai của công nhân ôtô Đức còn trở nên bấp bênh hơn khi cuộc cách mạng chuyển từ xe chạy động cơ đốt trong sang xe chạy điện đòi hỏi ít nhân công hơn để sản xuất một chiếc xe.

Động cơ đốt trong của một chiếc xe chạy nhiên liệu truyền thống có hơn 1.000 linh kiện khác nhau, trong khi động cơ xe chạy điện chỉ có vài chục linh kiện. Cấu trúc đơn giản của xe chạy điện khiến việc sản xuất xe điện cần ít nhân lực hơn nhiều so với sản xuất xe chạy xăng dầu, trong tất cả các khâu từ chế tạo, thử nghiệp, mua sắm phụ tùng và lắp ráp.

Một chiếc sedan 530i của BMW - Ảnh: Bloomberg.
Một chiếc sedan 530i của BMW - Ảnh: Bloomberg.

“Xu hướng xe SUV chắc chắn sẽ có ảnh hưởng đến cấu trúc sản xuất”, chuyên gia Rolf Janssen thuộc công ty tư vấn Roland Berger nhận định. “Đối với công nhân ngành sản xuất ôtô Đức, điều này gia tăng thêm sức ép trong bối cảnh họ đã phải đương đầu với những thay đổi lớn trong toàn ngành”.

Theo dự báo của LMC Automotive, sản lượng công nghiệp ôtô Đức sẽ giảm xuống mức thấp nhất 10 năm trong năm 2019 này, trong đó bộ phận xe xuất khẩu đặc biệt gặp khó.

Hồi tháng 6, đại diện của công nhân nhà máy Audi ở Neckarsulm cho biết nhà máy này chỉ hoạt động ở 60% công suất, cho dù là nơi sản xuất các mẫu A6, A7 và A8 thế hệ mới nhất. Nhà máy gồm 17.000 công nhân này đã bỏ lỡ “cơn sốt” xe SUV và thiếu cam kết chắc chắn cho việc sản xuất những mẫu xe chạy điện sắp tới - đại diện công nhân cho hay. Các đại diện cũng nói công nhân nhà máy sẽ không nhượng bộ với kế hoạch cắt giảm chi phí mà Audi đang cân nhắc.

Từ năm 2009 đến nay, tỷ trọng xe sedan A6 trong tổng doanh số của Audi đã giảm từ 20% xuống còn 12%. Tỷ trọng của xe sedan A4, sản xuất tại nhà máy của Audi ở Ingolstadt, giảm từ 31% còn 18%.

“Chúng tôi đang rất cần một kế hoạch để tăng hoạt động của nhà máy và một giải pháp cho trung hạn”, ông Juergen Mews, người đại diện cho công nhân nhà máy Audi ở Neckarsulm, phát biểu.

Nhà máy của Volkswagen ở Emden đối mặt vấn đề tương tự, khi những mẫu xe SUV của hãng này như T-Roc trở nên đắt khách hơn so với những mẫu sedan như Passat. Tình trạng này khiến Volkswagen phải cắt giảm giờ làm của 10.000 công nhân thường xuyên và giảm số công nhân tạm thời tại nhà máy của hãng ở Emden.

Nhà máy gồm 20.000 công nhân của Volkswagen tại trụ sở của hãng ở Wolfsburg, nơi được xem là tổ hợp sản xuất ôtô lớn nhất thế giới, cũng đang gặp khó. Một sản phẩm chủ lực của nhà máy này là Golf - mẫu xe sedan giúp đưa Volkswagen trở lại từ bờ vực hồi thập niên 1970 nhưng giờ không còn được ưa chuộng như xưa.

Về phần mình, BMW đang loay hoay tìm sự cân bằng giữa sự nổi lên của xe SUV và nhu cầu suy giảm đối với xe sedan. Hãng đã đưa mẫu xe SUV X1 vào sản xuất tại nhà máy ở Regensburg thuộc vùng Bavaria của Đức nhằm bù đắp cho việc giảm sản xuất xe sedan tại nhà máy này.

Mercedes đã sản xuất mẫu xe SUV cỡ trung GLC ở Bremen, Đức, nhưng hai mẫu có tỷ suất lợi nhuận đặc biệt cao của hãng là GLE và GLS vẫn được sản xuất ở Tuscaloosa, Mỹ. Mẫu xe đắt nhất của hãng này là G-Wagon chủ yếu được sản xuất ở Áo. Một phát ngôn viên của Mercedes cho biết các nhà máy của hãng đang được nâng cấp để có phản ứng nhanh chóng với sự thay đổi nhu cầu của người tiêu dùng.

Tuy nhiên, việc chuyển sản xuất sang những mẫu xe mới không phải là điều dễ dàng, chưa kể còn rất tốn kém và mất nhiều thời gian. Giới chuyên gia ước tính một nhà máy sản xuất ôtô có thể phải mất 1 năm để điều chỉnh dây chuyền mới có thể sản xuất xe SUV cùng với xe sedan.

Theo Bloomberg

Tin mới

Giảm phí trước bạ: Cứu cánh cho thị trường ô tô trong nước đang ảm đạm?

Giảm phí trước bạ: Cứu cánh cho thị trường ô tô trong nước đang ảm đạm?

Ngay sau khi kết thúc kỳ nghỉ Tết Quý Mão 2023, thị trường ô tô Việt Nam đã có dấu hiệu lao dốc và ảm đạm dù vừa vượt mốc thị trường nhỏ vào cuối năm 2022. Để kích cầu, nhiều hãng ô tô tại Việt Nam liên tục tung ra những hình thức khuyến mại, ưu đãi lớn. Tuy nhiên, mọi cố gắng dường như chưa đủ sức để giúp doanh số bán hàng của thị trường tăng trưởng trở lại như kì vọng.
Hyundai Kona 2023 lộ diện với thiết kế “lột xác”

Hyundai Kona 2023 lộ diện với thiết kế “lột xác”

Hyundai Kona đã ra mắt lần đầu tiên cách đây hơn nửa thập kỷ vào năm 2017 và được nâng cấp vào năm 2020. Trước khi năm 2022 sắp kết thúc, nhà sản xuất ô tô Hàn Quốc hiện đang mang đến cái nhìn đầu tiên về Kona thế hệ thứ hai, mẫu xe nhận được sự thay đổi triệt để.
Diễn biến trái chiều thị trường ô tô Việt dịp cuối năm

Diễn biến trái chiều thị trường ô tô Việt dịp cuối năm

Cận Tết Dương lịch 2023 và Tết Nguyên đán Quý Mão, các hãng xe lắp ráp trong nước và xe nhập khẩu tại Việt Nam đang “chạy đua” triển khai các chương trình khuyến mãi, giảm giá để kích cầu. Mặc dù vậy, vẫn có những hãng xe đi ngược số đông vì nhiều lý do.