Một chiếc Lamborghini Murcielago 2010 bóng bẩy được rao bán trên mạng với giá "hợp lý": 40.000 USD (hơn 930 triệu đồng)
Đó là một mức giá tuyệt vời cho một chiếc xe vốn có giá hơn 200.000 USD. Nó có tất cả các chi tiết kỳ lạ mà người dùng mong đợi từ một nhà sản xuất ô tô sang trọng. Nó trông mạnh mẽ, các góc nhọn gân guốc và cửa cắt kéo ấn tượng. Chiếc coupe thấp và rộng, sơn màu kẹo.
Chỉ có điều, chiếc xe không phải là một "Lambo" thực sự.
Đúng hơn, đó là một “bản sao”, hay còn gọi là “kit car” – từ “chuyên môn” của cộng đồng những người đam mê độ ô tô, thường lắp ghép các linh kiện từ nhiều nguồn khác nhau để tạo ra một bản sao mẫu xe thể thao hoặc xe sang. Việc độ những chiếc xe giả này hoàn toàn hợp pháp, miễn là đừng quảng bá chúng là những chiếc xe hàng hiệu thật hoặc không bán ra với số lượng lớn.
LamborghiniReplicas.com là một trong nhiều trang web hội tụ các bản sao độc đáo và phụ tùng xe hơi sang trọng cung cấp cho những người ham mê độ xe, muốn sở hữu một chiếc xe độc quyền mà không phải bỏ ra hàng trăm ngàn USD. Các bản sao này được bán với giá thấp nhất là 20.000 USD cho đến cái giá có tới sáu con số.
Những chiếc xe “tự chế” này không có gì mới. Vào đầu những năm 60, đã có những cộng đồng, công ty chuyên tạo ra các bản sao Ford GT40 bằng khung gầm của Volkswagen Beetle và bán những chiếc xe dưới một tên khác. Hoạt động này vẫn sôi động cho đến ngày nay.
Xe chế có gì hại không?
Tuy nhiên, càng ngày các dạng xe chế như này càng nhiều và được rao bán trên các website bán hàng, “ngành công nghiệp” đang thu hút sự chú ý cao của công chúng. Tuy nhiên, nó lại muốn né tránh các nhà sản xuất ô tô “gốc” mà họ bắt chước. Trào lưu này cũng bị một số người chỉ trích, vì họ cho rằng những chiếc xe hơi chế đang làm hỏng giá trị của những chiếc xe nguyên bản.
Một nhà vật lý ở Colorado và con trai ông thậm chí còn “gây song” khi bỏ ra 20.000 USD mua vật liệu và sử dụng máy in 3D để xây dựng một bản sao Lambo Aventador đầy đủ chức năng hồi đầu tháng 10.
Người cha, Sterling Backus, cho biết kể từ khi nổi tiếng, “có nhiều kẻ đã troll ông, đưa ra những bình luận khiếm nhã và cho rằng ‘điều này thật ngu ngốc, lãng phí tiền bạc’”.
Hồi tháng Chín, một "bản sao" Bugatti Veyron 2012 được xây dựng trên khung gầm động cơ Mercury Cougar 2002 đã được rao bán mức giá 125.000 USD. Tuy nhiên, ngay sau khi rao bán, chủ sở hữu chiếc xe đã nhận được hàng tá tin nhắn và email từ những người lạ nói đo là "thứ ghê tởm” và rằng Bugatti nên khởi kiện!
Bán xe sao chép có hợp pháp?
Mark McKenna, một luật sư tại Chicago, cho biết những người sao chép xe như thế này ít bị kiện nếu họ không làm với số lượng lớn.
Tuy nhiên, các công ty xe hơi vẫn có thể lập luận rằng thiết kế, hoặc một phần của thiết kế (xe sao chép), về cơ bản tương tự với một thiết kế mà họ đã được cấp bằng sáng chế.
Một dự luật năm 2015 đã mở ra cơ hội cho "các nhà sản xuất khối lượng thấp" quyền hợp pháp chế tạo ra những chiếc xe sao chép, miễn là chiếc xe gốc đã ra đời ít nhất 25 năm.
Tuy nhiên, xe giả đã trở nên rắc rối hơn khi người sáng tạo hoặc người bán cố làm “như thật”, hoặc khi họ vận hành các nhà máy quy mô lớn để cung cấp các bản sao kỳ lạ có giá thấp hơn so với xe thật.
Vào mùa hè, cảnh sát ở Brazil đã đóng cửa một nhà máy sản xuất Ferraris giả và loại xe được mệnh danh là "Shamborghinis". Các bản sao đã được bán với giá khoảng 45.000 đến 60.000 USD/chiếc.
Các chuyên gia cho biết, sự phong phú của những chiếc siêu xe giả có thương hiệu sao chép giống như những chiếc xe thật đang đe dọa nhiều nhà sản xuất ô tô.
Mánh khóe gian lận
Theo USA today, đối với kiểu xe nhái này, có thể người chủ sở hữu đầu tiên mua chiếc xe biết rõ đó là chiếc xe sao chép. Người chủ sở hữu thứ hai cũng có thể biết điều tương tự. Nhưng rồi có một động lực nào đó khiến anh ta đưa một quảng cáo lên trang rao vặt Craigslist và nói rằng anh ta đã mua một chiếc Bugatti Veyron 2011 và bán lại nó với giá nửa triệu USD!
Giá một chiếc Bugatti Veyron thường từ khoảng 1,5 triệu USD.
Người phát ngôn của Bugatti nói rằng hãng xe hạng sang đánh giá cao sự nhiệt tình của mọi người, ở bất kỳ thời điểm nào khi họ sở hữu hoặc xây dựng một bản sao Bugatti vì nó cho thấy sức mạnh và sự hấp dẫn của thương hiệu.
Trong khi Lamborghini cho biết trong một tuyên bố rằng họ không có ý định theo đuổi các vụ truy tố hình sự đối với các cá nhân, nhưng cảnh báo rằng về các tính năng an toàn trong các mẫu xe nhái này.
Nhưng hồi năm 2000, Ferrari cũng đã có một vụ kiện chống lại một công ty ở Oregon vì họ chế tạo những chiếc xe thể thao sao chép. Và vào năm 2013, Lamborghini kiện một công ty có trụ sở tại Alabama vì đã chế ra chiếc Lambo mock-up.