Stefano Domenicali, Giám đốc điều hành Lamborghini sẽ rời khỏi hãng xe nước Ý để nhận một nhiệm vụ mới, trở thành CEO của Formula One trong tháng 1/2021. Và ông sẽ phải đối mặt với nhiều vấn đề của F1 khi ngành công nghiệp ô tô ngày càng chuyển sang xu hướng ô tô điện.
Thông báo sẽ rút khỏi F1 vào cuối năm 2021 của Honda đã gây sốc. Như vậy là, với việc Honda giã từ F1, môn đua xe thể thao này chỉ còn lại ba nhà sản xuất động cơ và không có bất kỳ dấu hiệu nào cho thấy sẽ có người mới tham gia.
Trong suốt 70 năm lịch sử của F1, nhiều hãng xe đã đến và đi. Cú giã từ gần nhất chính là Honda. Honda đã bán đội đua của mình và rút khỏi vai trò là một constructor vào năm 2008 sau cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu.
Tuy nhiên, lần rút khỏi F1 này được cho là để Honda tập trung vào công nghệ không phát thải như pin nhiên liệu và pin.
Quyết định của Honda làm dấy lên nhiều câu hỏi liên quan đến chi phí tham gia F1.
"Formula One có nguy cơ trở nên lạc lõng, không liên quan đến các nhà sản xuất xe hơi, đặc biệt là những hãng xe chưa tham gia môn thể thao này, bởi vì thế giới ô tô đang thay đổi nhanh chóng”, Mark Gallagher, cựu giám đốc động cơ Cosworth F1 nói.
"Tôi nghĩ rằng động thái của Honda, mặc dù gây sốc, nhưng hoàn toàn phù hợp với những gì chúng ta đang thấy trên khắp thế giới", cựu giám đốc marketing của Jaguar và Red Bull nói thêm.
"Giải đua Formula One đang đối mặt với những câu hỏi cơ bản nhất, rằng G1 sẽ như thế nào trong ba hoặc bốn năm tới”.
Xu hướng xe điện
Ngược lại với Formula One, Formula E là giải đua xe hoàn toàn chạy điện, đang có sự tham gia của 10 nhà sản xuất - bao gồm cả 4 ông lớn của Đức là Audi, BMW, Mercedes và Porsche.
Chi phí tham gia Formula E cũng thấp hơn nhiều. Ngoài ra, các hãng xe có thỏa thuận độc quyền trong 25 năm với tư cách là dòng xe điện một chỗ ngồi duy nhất được FIA công nhận.
Người sáng lập giải đua Formula E, Alejandro Agag từng nói với hãng tin Reuters rằng điện khí hóa là một xu hướng không thể ngăn cản.
Gallagher nói: “Đại dịch COVID-19 đã thực sự đẩy nhanh quá trình điện khí hóa bởi vì cả cộng đồng doanh nghiệp đều hướng đến một thế giới xanh hơn trong thời kỳ hậu COVID”.
"Giải đua F1 đang ở vào một vị trí khác với những gì thế giới đang hướng tới”.
Ban tổ chức F1 đã đặt ra những thay đổi trong động cơ xe F1 vào năm 2026. Thực tế, F1 đã đặt ra chiến lược phát triển bền vững vào năm ngoái, với mục tiêu hoàn toàn không khí thải carbon vào năm 2030, nhưng vẫn còn rất nhiều việc phải làm trước khi đạt được mục tiêu này.
Dù sao thì động cơ tăng áp hybrid V6 hiện tại được F1 đưa vào sử dụng từ năm 2014, cũng đang tự hào có hiệu suất nhiệt hơn 50% và tạo ra nhiều năng lượng hơn trong khi cần ít nhiên liệu hơn so với các động cơ khác.
Theo Cyril Abiteboul, giám đốc điều hành đội F1 Renault, Formula One cần thay đổi cả về động cơ và phong cách.
Stefano Domenicali, CEO mới của F1, tiếp quản giải đua từ Chase Carey, sẽ phải giải quyết bài toán này nếu muốn Formula One tiếp tục là giải đua xe thể thao bền vững và danh tiếng.