General Motors (GM), hãng sản xuất ô tô hàng đầu của Mỹ, đang điêu đứng vì gần 50.000 công nhân bắt đầu đình công vào ngày 16/9, đánh dấu cuộc đình công đầu tiên ở hãng này kể từ năm 2007.
Trong phiên giao dịch ngày thứ Hai, giới đầu tư đã bán tháo cổ phiếu GM khi công nhân trong các nhà máy của hãng tại Mỹ ngừng làm việc nhằm đòi hãng phải ký “thỏa thuận công bằng hơn” với Liên đoàn Công nhân Ô tô Mỹ (UAW). Một thỏa thuận như vậy phải bao gồm việc GM tăng lương và cải thiện chế độ bảo hiểm cho công nhân trong bối cảnh lợi nhuận của hãng đang ở mức cao kỷ lục.
Ngoài ra, UAW cũng đòi GM phải hạn chế số lượng công nhân thời vụ, để những công nhân mới có hợp đồng dài hạn có thể đạt mưc lương trên 30 USD/giờ.
Lúc đóng cửa, giá cổ phiếu GM sụt 4,25%, khiến giá trị vốn hóa thị trường của công ty sụt hơn 2 tỷ USD về mức hơn 53 tỷ USD. Kế hoạch đình công đã khiến cổ phiếu GM giảm liên tiếp 5 phiên, với tổng mức giảm khoảng 8%.
Các nhà phân tích thuộc RBC Capital Markets ước tính mỗi ngày đình công khiến GM thiệt hại khoảng 40-50 triệu USD lợi nhuận trước thuế. Một ước tính của ngân hàng Bank of America cho rằng mức thiệt hại mà GM phải hứng chịu trong đợt đình công này là 90 triệu USD/ngày. Một số đánh giá khác cho rằng mức thiệt hại có thể lên tới 100 triệu USD/ngày.
UAW đã bắt đầu đàm phán với lãnh đạo GM trong ngày thứ Hai, nhưng các chuyên gia cho rằng cuộc đàm phán sẽ không sớm đạt kết quả.
Lượng xe tồn kho của GM ở Mỹ hiện ở mức tương đối cao, tương đương doanh số của hãng tại thị trường quê nhà trong 77 ngày, so với mức bình quân 61 ngày của toàn ngành công nghiệp ô tô Mỹ, theo RBC.
Báo cáo của RBC cho rằng GM có thể đã sản xuất trước một lượng xe lớn để phòng ngừa nguy cơ đình công. Bởi vậy, khách hàng của hãng có thể sẽ không chịu ảnh hưởng của đợt đình công này. Tuy nhiên, đình công càng kéo dài, thì thách thức mà GM phải đương đầu sẽ càng lớn.
Cuộc đình công đang diễn ra ảnh hưởng khoảng 31 nhà máy của GM tại Mỹ, chiếm phần lớn hoạt động sản xuất xe của hãng tại Bắc Mỹ.
Lần gần đây nhất xảy ra đình công tại các nhà máy của GM ở Mỹ là vào năm 2007, với sự tham gia của 70.000 công nhân. Cuộc đình công kéo dài 2 ngày khi đó gây thiệt hại cho GM khoảng 300 triệu USD/ngày.
Trước khi đình công nổ ra, GM đã đề xuất một kế hoạch trị giá 7 tỷ USD để đầu tư mở rộng sản xuất tại Mỹ, tăng lương cho công nhân và các chế độ đãi ngộ khác. Tuy nhiên, kế hoạch này không được UAW chấp nhận. Trong một tuyên bố ngày 16/9, GM nói hãng thất vọng vì lãnh đạo UAW quyết định chọn đình công.
Về phần mình, UAW cho biết sẽ không đình công “một cách nhẹ nhàng”.
“Chúng tôi cam kết đạt một hợp đồng tốt tại GM để các thành viên UAW của chúng tôi được công nhận xứng đáng, bởi họ là những người làm ra những sản phẩm vào hàng tuyệt vời nhất thế giới và giúp GM có lãi như vậy”, một tuyên bố của UAW viết.
Giá cổ phiếu GM đã tăng 12% trong năm nay nhờ kết quả kinh doanh khả quan. Tuy nhiên, mức tăng này thấp hơn mức tăng 20% của chỉ số S&P 500 của thị trường chứng khoán Mỹ.
Năm ngoái, GM báo doanh thu 147 tỷ USD, chỉ tăng 1% so với 2017, nhưng lợi nhuận đạt 12 tỷ USD, cao gần kỷ lục. Quý 2/2019, GM đạt doanh thu 36,1 tỷ USD và lợi nhuận ròng 2,39 tỷ USD, đều là những con số cao hơn dự báo.