Cùng với đó, Daimler cũng tăng mạnh nguồn dự phòng cho chi phí pháp lý - nguyên nhân phía sau việc lợi nhuận giảm hơn một nửa trong năm ngoái.
Trong báo cáo tài chính thường niên công bố ngày 21/2, Daimler nói rằng cơ quan giám sát công nghiệp ô tô Đức KBA có thể ra phán quyết rằng không chỉ xe diesel mà các loại xe khác do Daimler sản xuất cũng “có gắn thiết bị nói dối bị cấm”.
Thiết bị mà Daimler nói đến là một loại phần mềm được thiết kế nhằm đưa ô tô vượt qua các bài kiểm tra về khí thải của cơ quan chức năng, cho dù mức phát thải của xe trên thực tế lớn hơn mức cho phép.
Phần mềm đó là tâm điểm trong vụ bê bối khí thải của các hãng xe Đức hồi năm 2015, mà hãng bị phanh phui đầu tiên là Volkswagen. Gần 5 năm đã trôi qua, nhưng vụ bê bối vẫn tiếp tục đeo bám các “đại gia” ngành ô tô Đức, trong đó có Daimler.
Báo cáo của Daimler cho biết hãng đã dừng việc giao hàng và đăng ký một số mẫu xe để giải quyết vấn đề “phần mềm nói dối”. Ngân quỹ dự phòng được hãng tăng lên 30,7 tỷ Euro (tương đương 33,2 tỷ USD) từ mức 23 tỷ Euro trước đó. Hãng dự báo chi phí pháp lý trong năm 2020 có thể tăng hơn gấp đôi so với 2019, lên 4,9 tỷ Euro.
Sau cảnh báo trên, giá cổ phiếu Daimler niêm yết tại thị trường Frankfurt giảm 2,6% phiên ngày thứ Sáu (21/2).
Lợi nhuận ròng cả năm 2019 của Daimler chỉ đạt 2,7 tỷ Euro, giảm 64% so với mức gần 7,6 tỷ Euro trong năm 2018. Cổ tức trả cho cổ đông giảm 72% còn 0,9 Euro/cổ phiếu. Doanh thu tăng 3%, đạt gần 173 tỷ Euro.
Daimler nói rằng việc tuân thủ các quy định ngặt nghèo hơn về khí thải tại một số quốc gia khác cũng là một khó khăn đối với hãng trong năm nay.
Những cảnh báo trên của Daimler cho thấy thách thức lớn mà xe diesel của hãng gặp phải. Năm ngoái, hãng đã phải chi 870 triệu Euro để trang trải các khoản phạt của cơ quan chức năng Đức và chi phí để giảm mức phát thải của xe chạy diesel.
Cùng với đó, hãng phải đầu tư nhiều chưa từng thấy để phát triển xe chạy điện và phát triển phần mềm ô tô. Chưa kể, hãng đã phải trích một khoản 2 tỷ Euro cho hoạt động tái cơ cấu.
Trong những tháng gần đây, Tổng giám đốc (CEO) Ola Kallenius của Daimler đã lên tiếng cảnh báo rằng việc đáp ứng các mục tiêu khí thải thắt chặt của châu Âu sẽ là khó khăn lớn nhất trong 2 năm tới, bởi sự dịch chuyển từ ô tô sử dụng động cơ đốt trong sang ô tô điện trên thị trường khu vực có thể diễn ra không đủ nhanh.
Theo quy định của EU, các hãng xe sẽ bị phạt nếu mức phát thải CO2 bình quân của mỗi xe mà họ bán được vượt quá mức cho phép. Vì vậy, để đáp ứng quy định này, các hãng phải tăng doanh số xe điện và giảm doanh số xe chạy xăng, dầu.
Các sản phẩm của Daimler bao gồm cả xe chạy xăng, xe chạy dầu diesel và xe điện. Hãng dự định sẽ áp dụng chính sách “siêu khuyến mãi” bằng tín dụng đối với các mẫu xe điện để giảm mức phát thải bình quân.
Bộ phận giám sát của Daimler đã thành lập một ủy ban độc lập gồm 6 thành viên để tập trung xử lý các vấn đề pháp lý “trong bối cảnh các vụ kiện phức tạp liên quan đến khí thải và chống độc quyền” - hãng cho biết trong báo cáo.
Theo ước tính của hãng tin Bloomberg, Daimler có thể bị phát hơn 1,5 tỷ Euro trong năm 2020 và 2021 vì không đáp ứng được giới hạn khí thải CO2 của châu Âu. Để tránh bị phạt như vậy, xe điện sẽ phải chiếm khoảng 10% tổng doanh số xe của hãng ở thị trường châu Âu vào năm 2021, so với mức khoảng 2,8% trong năm ngoái.
Mức phát thải bình quân xe Daimler tại châu Âu trong năm 2019 là 137 gram/km, so với mức 95 gram/km mà nhà chức trách áp dụng từ năm nay và sẽ siết chặt thêm vào cuối năm 2021.
Báo cáo của Daimler cũng cảnh báo về nguy cơ gián đoạn kinh tế do dịch Covid-19 xảy ra ở Trung Quốc, thị trường lớn nhất của hãng. Theo báo cáo, trận dịch này “có thể không chỉ ảnh hưởng đến doanh số xe, mà còn gây tác động bất lợi đến sản xuất, thị trường mua hàng và chuỗi cung ứng”.