Khoản bảo lãnh này vẫn đang chờ Bộ trưởng Tài chính Roberto Gualtieri đồng ý ký kết sau khi các văn phòng kế toán của Bộ đã phê duyệt mọi điều khoản. Sau đó, nó còn phải được cơ quan kiểm toán nhà nước Ý bật đèn xanh. Dự kiến Bộ trưởng tài chính sẽ ký kết thông qua khoản tiền bảo lãnh hãng xe Fiat trong tuần này. Tuy nhiên, đại diện Bộ tài chính cũng như Fiat đều từ chối bình luận.
Cổ phiếu Fiat Chrysler đã tăng 2,1% lên 8,50 euro, tại sàn giao dịch Milan, mang lại cho công ty giá trị thị trường khoảng 13,2 tỷ euro.
Khoản cứu trợ tài chính sẽ được dành riêng cho các hoạt động tại Ý của Fiat. Công ty sẽ sử dụng nó để trả lương cho công nhân, thanh toán cho các nhà cung cấp và cho các khoản đầu tư tại các cơ sở nội địa. Chuỗi cung ứng ô tô của Ý bao gồm 200.000 công ty vừa và nhỏ. Ngành công nghiệp ô tô trong nước tạo ra doanh thu hàng năm hơn 100 tỷ euro.
Intesa Sanpaolo SpA, tổ chức cho vay hàng đầu của Ý, đã đồng ý với khoản vay này từ tháng trước. Công ty bảo hiểm tín dụng thương mại Sace SpA sẽ đảm bảo 80% số tiền.
Dario Duse, giám đốc điều hành tại công ty tư vấn Alix Partners cho biết, doanh số bán xe hơi tại Ý sẽ giảm 1,2 triệu so với 2,1 triệu trong năm 2019. Ông dự báo doanh số toàn ngành có thể mất hơn năm năm mới trở về được mức trước đại dịch.
Doanh số bán ô tô đã giảm 57% tại châu Âu trong tháng 5 sau khi giảm 78% trong tháng 4. Tín hiệu phục hồi của thị trường vẫn chưa rõ ràng khi các nhà sản xuất ô tô từ Volkswagen AG đến Fiat chuẩn bị công bố kết quả kinh doanh trong một quý thứ hai tồi tệ. Tại Mỹ, Ford dự báo lỗ 5 tỷ USD trong ba tháng tính đến tháng Sáu.
Trong khi đó, Fiat Chrysler lỗ 5,5 tỷ USD trong quý đầu tiên. General Motors và Ford đã khai thác các hạn mức tín dụng để tích trữ hàng tỷ USD tiền mặt.