Đây được xem là một phần trong nỗ lực của nhà lắp ráp điện thoại iPhone trong việc tìm kiếm động lực tăng trưởng mới trong bối cảnh ngành công nghiệp điện thoại thông minh (smartphone) trở nên bão hòa.
Theo dự kiến, Fiat Chrysler sẽ nắm cổ phần 50% trong liên doanh xe điện nói trên, còn Foxconn sẽ nắm trực tiếp không quá 40%. Một hợp đồng liên doanh sẽ được hai bên ký kết trong quý này.
“Kế hoạch ban đầu của chúng tôi là sản xuất xe chạy điện tại Trung Quốc, dành cho thị trường địa phương trước tiên”, sau đó mới tính đến xuất khẩu - tuyên bố của Foxconn cho hay. Hãng cũng nói rằng liên doanh sẽ phát triển “internet of vehicles” - mạng internet kết nối xe cộ.
Trung Quốc là thị trường ô tô chạy điện lớn nhất thế giới và thu hút lượng vốn khổng lồ từ các hãng xe trên toàn cầu đổ vào lĩnh vực xe điện. Cuối năm 2019, hãng xe điện Mỹ Tesla đã đưa vào hoạt động một siêu nhà máy ở Thượng Hải và xe xuất xưởng từ nhà máy này gần đây đã bắt đầu được giao hàng tới khách hàng tại Trung Quốc.
Đảm nhiệm mảng xe chạy điện trong Foxconn sẽ là hai công ty con của hãng, bao gồm FIT Hon Teng - đơn vị sản xuất linh kiện ô tô, và FIH Mobile - đơn vị lắp ráp smartphone sử dụng hệ điều hành Android. FIH Mobile sẽ cung cấp các giải pháp phần mềm cho hệ thống tự động của xe chạy điện.
Theo tờ Nikkei Asian Review, FIH đã cắt giảm hoạt động ở mảng smartphone từ đầu năm ngoái và thay vào đó tập trung nguồn lực vào mảng ô tô, trong bối cảnh lượng đơn hàng smartphone suy giảm.
Nguồn thạo tin tiết lộ rằng Foxconn và Fiat Chrysler đã thảo luận về kế hoạch hợp tác phát triển xe chạy điện trong suốt 7-8 tháng trước khi đi đến quyết định bắt ay. “Fiat Chrysler sẽ chịu trách nhiệm về việc sản xuất xe, còn Foxconn sẽ hỗ trợ bí quyết điện tử, bao gồm cả phần cứng và phần mềm”, một nguồn tin nói.
Trong một cuộc họp báo hồi tháng 6 năm ngoái, Chủ tịch Foxconn Young Liu nhấn mạnh rằng hoạt động chính của công ty vẫn là sản xuất gia công hàng điện tử, nhưng công ty sẽ chú trọng phát triển ba lĩnh vực mới để tạo đầu tàu tăng trưởng cho tương lai, bao gồm ô tô điện, y khoa kỹ thuật số, và người máy (robot) tiên tiến.
Việc Foxconn tiến vào ngành công nghiệp ô tô diễn ra song song với việc hãng chuyển bớt hoạt động sản xuất khỏi Trung Quốc - địa chỉ sản xuất lớn nhất của hãng - một phần do ảnh hưởng tiêu cực của chiến tranh thương mại Mỹ-Trung.
Cái bắt tay giữa Foxconn với Fiat Chrysler một lần nữa cho thấy sức hút của lĩnh vực xe chạy điện và xe không người lái - hai công nghệ được xem là tương lai của công nghiệp ô tô toàn cầu. Hầu như tất cả các hãng công nghệ lớn trên thế giới đều đã đặt cược vào xe chạy điện và xe không người lái vì lo ngại tụt hậu trong cuộc đua đang nổi lên này.
Tại triển lãm hàng công nghệ tiêu dùng CES ở Las Vegas, Mỹ, mới đây, hãng điện tử Nhật Bản Sony bất ngờ trình làng một mô hình xe tự lái.
Tesla đã trở thành biểu tượng của xe chạy điện cao cấp. Google đã hợp tác với nhiều hãng xe truyền thống để thử nghiệm công nghệ tự lái. Huawei và Apple đều đã đầu tư mạnh cho nền tảng xe tự lái.
Các hãng xe truyền thống dĩ nhiên không nằm ngoài cuộc chơi. Volkswagen đặt mục tiêu doanh số hơn 3 triệu xe điện mỗi năm vào năm 2025, Toyota muốn đạt mốc doanh số 500.000 xe điện mỗi năm vào mốc thời gian tương tự. Ngay cả nhà sản xuất siêu xe Porsche cũng nhảy vào lĩnh vực xe điện với chiếc Taycan trình làng năm 2019.
Về phần mình, Foxconn đạt doanh thu 5,33 nghìn tỷ Đài tệ, tương đương 178 tỷ USD, trong năm 2019, tăng gần 1% so với 2018. Đây là năm thứ ba liên tiếp doanh thu của Foxconn đạt kỷ lục, nhưng tốc độ tăng ngày càng chậm lại.