Theo thống kê của Tổng cục Hải quan, trong tháng 10/2019, Indonesia đã vượt lên dẫn đầu trong tổng số 12 nước và vùng lãnh thổ xuất khẩu mặt hàng ô tô nguyên chiếc (CBU) vào thị trường Việt Nam với tổng cộng 8.019 chiếc, đạt hơn 100 triệu USD giá trị kim ngạch.
Cùng thời gian này, Thái Lan đứng ở vị trí thứ 2 khi xuất khẩu vào Việt Nam 6.761 ô tô nguyên chiếc, đạt giá trị kim ngạch trên 134 triệu USD.
Tháng liền kề trước đó, Thái Lan lại đứng ở vị trí đầu bảng khi xuất khẩu vào Việt Nam 5.561 chiếc, đạt giá trị 118 triệu USD. Trong khi đó, Indonesia đứng ở vị trí thứ 2 với 3.723 chiếc về lượng và hơn 51 triệu USD giá trị kim ngạch.
Nếu chỉ xét về lượng, có thể thấy khá rõ cuộc ganh đua quyết liệt giữa Thái Lan và Indonesia suốt từ đầu năm nay. Đây đều là hai xuất xứ cùng được hưởng mức thuế 0% khi xuất khẩu ô tô CBU vào Việt Nam theo nội dung Hiệp định Thương mại hàng hóa ASEAN (ATIGA) có hiệu lực từ ngày 1/1/2018.
Chẳng hạn, vào tháng 8/2019, số lượng ô tô CBU của Thái Lan và Indonesia vào thị trường Việt Nam gần như tương đương nhau. Cụ thể, trong khi Thái Lan xuất khẩu vào Việt Nam 4.266 chiếc thì Indonesia cũng không kém cạnh nhiều khi đạt 4.014 chiếc.
Có một điểm khác biệt là mặc dù Indonesa đang có xu hướng vượt lên trên Thái Lan về số lượng thì về giá trị kim ngạch, xứ Chùa vàng vẫn đang bỏ cách xứ vạn đảo một quãng khá xa.
Đơn cử trong tháng trong tháng 10/2019, mặc dù lượng xe về Việt Nam mang xuất xứ Indonesia cao hơn Thái Lan đến 18,6% thì xét về giá trị, Thái Lan vẫn chênh đến 34% so với Indonesia.
Khác biệt này xuất phát chủ yếu từ những sản phẩm mà các doanh nghiệp Việt Nam đang nhập khẩu.
Hiện tại, những mẫu xe nhập khẩu từ Thái Lan đều có giá trị khá cao như Honda Civic, Ford Everest hay Toyota Camry. Trong khi đó, đại đa số xe nhập khẩu từ Indonesia đều thuộc nhóm xe giá rẻ như Toyota Wigo, Toyota Avanza hay điển hình nhất là Mitsubishi Xpander.
Trên thực tế, ô tô CBU nhập khẩu từ các nước thuộc khu vực Đông Nam Á đã được hưởng thuế suất thuế nhâp khẩu 0% từ ngày 1/1/2018. Nhưng do những vướng mắc về thủ tục nên mặt hàng ô tô CBU đã bị đình trệ một thời gian dài.
Cho đến đầu năm nay, khi các doanh nghiệp đã hoàn thiện mọi thủ tục theo quy định tại Nghị định 116 của Chính phủ, kim ngạch nhập khẩu ô tô CBU bắt đầu trở nên ổn định. Qua đó, cuộc ganh đua xuất khẩu ô tô vào Việt Nam giữa 2 nước trong khu vực là Thái Lan và Indonesia bắt đầu trở nên quyết liệt hơn.
Tuy nhiên, nhiều khả năng cuộc đua giữa Thái Lan và Indonesia sẽ sớm ngã ngũ bởi những thay đổi tại thị trường ô tô Việt Nam.
Đơn cử, mới đây Mitsubishi đã cho biết sẽ tiến hành lắp ráp trong nước mẫu xe Xpander kể từ năm 2020. Đây chính là mẫu xe đang giữ vị trí ô tô bán chạy nhất Việt Nam và là yếu tố chủ chốt giúp lượng xe nhập khẩu từ Indonesia vượt qua thái Lan.
Một số doanh nghiệp ô tô trong nước cũng đang hé lộ những kế hoạch mở rộng trở lại hoạt động lắp ráp tại Việt Nam thay vì tiếp tục nhập khẩu. Bởi lẽ, cùng với những trở ngại ở hoạt động nhập khẩu do Nghị định 116 thì ở chiều ngược lại, hoạt động lắp ráp trong nước sẽ gặp nhiều thuận lợi từ một số quy định mới tại Nghị định 125 của Chính phủ.