Xin chào, xe chiến lược!

Cách đây tròn 10 năm, khái niệm “xe chiến lược” chính thức được khai sinh. Và cũng chừng ấy thời gian, dòng xe được đặt vai trò cứu cánh cho ngành công nghiệp ô tô Việt Nam, ít nhất là trên… “chiến lược”, đã chìm sâu vào quên lãng.

Sự xuất hiện của Mitsubishi Xpander đã khơi dậy khái niệm xe chiến lược.
Sự xuất hiện của Mitsubishi Xpander đã khơi dậy khái niệm xe chiến lược.

Cho đến một ngày…

Mitsubishi Xpander xuất hiện

Ngày 8/8/2018, Mitsubishi chính thức đưa Xpander về thị trường Việt Nam. Mẫu MPV cỡ nhỏ, khi ấy, chỉ đơn giản là một cái tên mới làm dày thêm danh mục sản phẩm vốn khá nghèo nàn của Mitsubishi tại Việt Nam.

Những kỳ vọng về doanh số đối với “tân binh” này đương nhiên là có. Tuy nhiên, bản thân Mitsubishi cũng không đặt tham vọng Xpander vượt quá xa so với sản lượng chưa đầy 300 chiếc/tháng mà mẫu xe bán tốt nhất lúc bấy giờ là Outlander đạt được.

Thế nhưng, chỉ một năm sau đó, Xpander đã chính thức cán mốc sản lượng 10.000 chiếc, một con số cực kỳ ấn tượng. Đáng chú ý là mốc doanh số đầy choáng váng của Xpander đạt được trong bối cảnh ô tô nhập khẩu vẫn gặp khó khăn về thủ tục sau khi Nghị định 116 của Chính phủ được ban hành. Có tháng, lượng xe Xpander nhập khẩu về nước chỉ ở 2 con số.

Đến tháng 10/2019, theo báo cáo của Hiệp hội các Nhà sản xuất ô tô Việt Nam (VAMA), Mitsubishi Xpander đã xác lập kỷ lục bán hàng 2.629 chiếc, đồng thời “nẫng” luôn ngôi vị xe bán chạy nhất thị trường của đồng hương Toyota Vios (2.317 chiếc).

Vậy tại sao Xpander có thể sở hữu những cú tăng tốc mạnh mẽ và liên tục như vậy, thậm chí chiếm luôn “ngôi vương” vốn dĩ trước đây ít ai dám nghĩ Vios có thể bị lật đổ?

Cũng cần phải thừa nhận rằng Xpander đã ít nhiều gặp may mắn, may mắn ở cả 3 khía cạnh thiên thời, địa lợi và nhân hoà.

Xpander đã xuất hiện vào đúng giai đoạn mà Mitsubishi áp dụng ngôn ngữ thiết kế Dynamic Shield mới, qua đó giúp mẫu MPV lai SUV này sở hữu ngoại hình khoẻ khoắn và hiện đại. Đây chính là yếu tố nhắm đúng tâm lý của những người tiêu dùng trẻ.

May mắn tiếp theo, Xpander được nhập khẩu nguyên chiếc từ Indonesia, qua đó hưởng mức thuế suất thuế nhập khẩu 0% theo nội dung Hiệp định Thương mại hàng hoá ASEAN (ATIGA). Thuế suất 0% đương nhiên giúp giá thành của Xpander được hạ thấp, từ đó tăng sức cạnh tranh trên thị trường. Giá bán cũng chính là yếu tố quan trọng nhất tác động đến quyết định mua xe của đa số người tiêu dùng Việt Nam.

Điểm may mắn cuối cùng và xem ra cũng là điểm may mắn đúng nghĩa nhất chính là từ những mập mờ của đối thủ.

Ngay sau một tháng Xpander ra mắt thị trường, hãng xe đồng hương Toyota đã cùng lúc tung ra thị trường bộ đôi xe 7 chỗ cỡ nhỏ là Rush và Avanza. Có nhiều điểm tương đồng có thể so sánh giữa Xpander với 2 mẫu xe đồng hương là cùng nhập khẩu từ Indonesia theo thuế 0%, cùng có kích thước và số chỗ ngồi tương đương.

Khác biệt chính là trong khi Rush và Avanza bị coi là nhạt nhẽo, cũ kỹ về thiết kế, nghèo nàn về trang bị thì Xpander hiện đại hơn, bắt mắt hơn, nhiều trang bị công nghệ hơn. Bên cạnh đó, sức mạnh động cơ của Xpander cũng mạnh hơn so với cả 2 đối thủ đồng hương.

Và quan trọng nhất, là dù nắm nhiều lợi thế, giá bán lẻ của Xpander lại thấp hơn đôi chút so với Avanza và Rush. Đơn cử, giá bán lẻ của Toyota Avanza phiên bản động cơ 1.5L tại thời điểm tháng 10/2019 ở mức 612 triệu đồng, giá bán lẻ của Toyota Rush ở mức 668 triệu đồng còn giá bán lẻ của Mitsubishi Xpander ở mức 620-650 triệu đồng.

Với những so sánh này, rõ ràng người tiêu dùng Việt Nam thừa thông minh để đưa ra lựa chọn mua sắm của mình. Và thực tế cũng đã chứng minh ở sức mua đối với những mẫu xe kể trên.

Xe chiến lược đích thực

Với người tiêu dùng, với giới kinh doanh ô tô thì những thông tin nêu trên có lẽ là vừa đủ để khép lại câu chuyện về mẫu xe đang làm mưa làm gió trên thị trường. Nhưng với các nhà quản lý, với những ai quan tâm đến những yếu tố vĩ mô hơn, cụ thể là ngành công nghiệp ô tô trong nước, thì Mitsubishi Xpander là cái tên chứa đựng nhiều điều thú vị.

Toyota Avanza đã từng xuất hiện tại Việt Nam cách đây 10 năm cùng với khái niệm xe chiến lược.
Toyota Avanza đã từng xuất hiện tại Việt Nam cách đây 10 năm cùng với khái niệm xe chiến lược.

Ngược thời gian về đúng thời điểm này của 10 năm trước, ngành ô tô Việt Nam đã xuất hiện một khái niệm mới: Xe chiến lược.

Giữa tháng 11/2009, Bộ Công Thương đã chính thức trình Chính phủ phê duyệt về việc phát triển dòng xe chiến lược cho ngành công nghiệp ôtô Việt Nam. Đề xuất này được đưa ra sau một cuộc hội thảo trước đó về chủ đề dòng sản phẩm chiến lược cho ngành công nghiệp ô tô trong nước. Hội thảo diễn ra ngay trong khuôn khổ triển lãm Vietnam Motor Show (VMS) 2009.

Theo phân tích của Bộ Công Thương, dòng xe 6-9 chỗ ngồi có dung tích xi-lanh thực dưới 1,5 lít là dòng sản phẩm gần như thỏa mãn được cả ba yếu tố thiên thời, địa lợi và nhân hòa.

Yếu tố thiên thời được thể hiện ở chỗ: các loại xe đa dụng 6-9 chỗ ngồi và xe có dung tích động cơ nhỏ (dưới 1,5 lít) rất được ưa chuộng tại Việt Nam. Bằng chứng cho thấy là ngay từ thời gian ấy, các loại xe đa dụng 6-9 chỗ ngồi hoặc xe có dung tích xi-lanh nhỏ dưới 1,5 lít thường rất được ưa chuộng.

Thực tế là cho đến tận bây giờ, các loại xe 6-9 chỗ ngồi vẫn được người tiêu dùng lựa chọn nhiều, chẳng hạn các mẫu xe bán chạy Toyota Fortuner, Toyota Innova, Ford Everest, Hyundai SantaFe; các loại xe nhỏ dung tích xi-lanh dưới 1.5L như Kia Morning, Hyundai Grand i10…

Yếu tố địa lợi là các loại xe này rất phù hợp với đặc điểm hạ tầng giao thông Việt Nam. Chưa kể, vấn đề tiết kiệm nhiên liệu và thân thiện với môi trường cũng đang là một yêu cầu cấp thiết đối với các loại phương tiện giao thông cơ giới cá nhân.

Về yếu tố con người, Bộ Công Thương cho rằng đây là loại xe rất phù hợp với sở thích của đa số người dân Việt Nam khi chúng vừa thuận tiện cho nhu cầu sử dụng của cá nhân, gia đình hay mục đích kinh doanh, giá cả lại phù hợp với túi tiền của nhiều người dân trong khi công năng lại đa dạng.

Rõ ràng, một chiếc xe vừa chở được nhiều người (6-9 chỗ), vừa có gầm cao (MPV, SUV) để sẵn sàng với mọi điều kiện giao thông, vừa tiết kiệm chi phí (động cơ 15.L trở xuống) là hoàn toàn phù hợp với chiến lược phát triển công nghiệp ô tô và tình trạng giao thông của Việt Nam.

Một điểm rất đáng lưu ý là khi đó, Toyota chính là hãng xe mặn mà nhất với dòng xe chiến lược mà Bộ Công Thương đề xuất. Bằng chứng là ngay tại kỳ triển lãm VMS 2009, liên doanh Nhật Bản đã đem về trưng bày một mẫu xe “chiến lược” đáp ứng hoàn toàn các tiêu chí mà Bộ Công Thương nêu ra. Đó chính là Avanza.

Thế nhưng, Avanza cùng với khái niệm xe chiến lược đã nhanh chóng chìm vào quên lãng suốt gần một thập niên sau đó, cho đến khi Xpander xuất hiện. Và thực tế cũng đã cho thấy, với những lựa chọn phù hợp thì kẻ đi trước đã phải về sau, thậm chí chưa chắc đã đến được đích.

Nhìn nhận cơ bản, cả Xpander, Avanza, Rush hay vài mẫu xe hiện thời như Ertiga (Suzuki) và Rondo (Kia) cũng đều đáp ứng những tiêu chí xe chiến lược mà Bộ Công Thương đưa ra một thập niên trước. Vấn đề ở chỗ, các tiêu chí đó chỉ là về mặt kỹ thuật, còn để thực sự là “chiến lược”, mỗi mẫu xe cần được thị trường đón nhận một cách tích cực, cần được người tiêu dùng lựa chọn dựa trên sức mua thực tế lớn. Đáp ứng được tất cả những điều ấy, xe chiến lược mới đích thực là xe chiến lược, mới trở thành động lực phát triển cho ngành công nghiệp ô tô Việt Nam.

Khi bắt đúng “thóp” thị trường, Mitsubishi Xpander đắt hàng một cách đầy bất ngờ, bất ngờ với ngay chính nhà nhập khẩu. Để rồi, cũng chỉ một năm sau kể từ khi đưa ra quyết định nhập khẩu, Mitsubishi lập tức thay đổi chiến lược: đưa Xpander về lắp ráp ngay tại Việt Nam.

Với những hỗ trợ từ Nghị định 125 của Chính phủ dành cho ô tô lắp ráp trong nước, Mitsubishi Xpander hoàn toàn có thể biến những tham vọng trở nên bình thường, hồi sinh một mục tiêu cũ vốn đã chìm vào quên lãng và mở ra một cuộc cạnh tranh mới.

Vâng, xin chào Xpander, chào xe chiến lược!

Tin mới

Tại sao Elon Musk cần Trung Quốc?

Tại sao Elon Musk cần Trung Quốc?

Tỷ phú Elon Musk đã giúp hình thành ngành công nghiệp xe điện của Trung Quốc. Nhưng hiện nay ông đang phải đối mặt với những thách thức cũng như sự giám sát ...
Giảm phí trước bạ: Cứu cánh cho thị trường ô tô trong nước đang ảm đạm?

Giảm phí trước bạ: Cứu cánh cho thị trường ô tô trong nước đang ảm đạm?

Ngay sau khi kết thúc kỳ nghỉ Tết Quý Mão 2023, thị trường ô tô Việt Nam đã có dấu hiệu lao dốc và ảm đạm dù vừa vượt mốc thị trường nhỏ vào cuối năm 2022. Để kích cầu, nhiều hãng ô tô tại Việt Nam liên tục tung ra những hình thức khuyến mại, ưu đãi lớn. Tuy nhiên, mọi cố gắng dường như chưa đủ sức để giúp doanh số bán hàng của thị trường tăng trưởng trở lại như kì vọng.
Hyundai Kona 2023 lộ diện với thiết kế “lột xác”

Hyundai Kona 2023 lộ diện với thiết kế “lột xác”

Hyundai Kona đã ra mắt lần đầu tiên cách đây hơn nửa thập kỷ vào năm 2017 và được nâng cấp vào năm 2020. Trước khi năm 2022 sắp kết thúc, nhà sản xuất ô tô Hàn Quốc hiện đang mang đến cái nhìn đầu tiên về Kona thế hệ thứ hai, mẫu xe nhận được sự thay đổi triệt để.
Diễn biến trái chiều thị trường ô tô Việt dịp cuối năm

Diễn biến trái chiều thị trường ô tô Việt dịp cuối năm

Cận Tết Dương lịch 2023 và Tết Nguyên đán Quý Mão, các hãng xe lắp ráp trong nước và xe nhập khẩu tại Việt Nam đang “chạy đua” triển khai các chương trình khuyến mãi, giảm giá để kích cầu. Mặc dù vậy, vẫn có những hãng xe đi ngược số đông vì nhiều lý do.