Dịch COVID-19 bùng phát, số ca nhiễm virus SARS-CoV-2 vẫn tăng cao đang khiến nền kinh tế Trung Quốc bị tê liệt. Tất cả các ngành công nghiệp đều phải chịu những ảnh hưởng tiêu cực, nhưng lĩnh vực ô tô hầu như đang phải gánh chịu toàn bộ sự suy thoái kinh tế.
Khi Trung Quốc tiếp tục đấu tranh chống COVID-19, các nhà sản xuất ô tô “nằm trọn” trong một năm khó khăn. Trong khi tất cả các nhà sản xuất ô tô ở Trung Quốc đều phải vật lộn, thì tác động của virus Corona mới đang giết dần hãng xe điện lớn của Trung Quốc, Nio Limited. Nio là một nhà sản xuất Xe điện Trung Quốc (EV) đã niêm yết cổ phiếu lần đầu vào năm 2018.
Mô hình kinh doanh thất bại của Nio
Theo CNN, ngay cả trước khi coronavirus làm mưa làm gió ở Trung Quốc và trên toàn cầu hiện nay, Nio – thường được gọi là Tesla của Trung Quốc – đã khó khăn rồi. Công ty không có lợi nhuận và có một mô hình kinh doanh dễ rơi vào phá sản. Biên lợi nhuận gộp của công ty bị âm hai chữ số, không có cửa nào cho lợi nhuận. Năm ngoái, Nio thậm chí tuyên bố họ không đủ tiền mặt để sống thêm một năm nữa. Tồi tệ hơn, Nio cũng đang bị nợ nần.
Sản xuất ô tô, đặc biệt là EVs, là một ngành kinh doanh khó khăn và thâm dụng vốn lớn. Điều này có nghĩa là trừ khi Nio nhanh chóng có lãi, nếu không hãng sẽ liên tục cần rất nhiều tiền để tài trợ cho các hoạt động của mình.
Và nếu Nio không kiếm được lợi nhuận sớm, nguồn tài trợ mới sẽ cạn kiệt, đẩy công ty vào tình trạng phá sản.
“Tesla Trung Quốc” lâm vào cảnh thiếu thốn tiền mặt
Đầu tháng Hai, Nio đã quyết định huy động 100 triệu USD thông qua các khoản vay chuyển đổi. Các khoản vay không trả lãi, nhưng có thể được chuyển đổi thành cổ phiếu Nio với mức giá 3.07 USD/cổ phiếu sau sáu tháng.
Thỏa thuận này rất phức tạp đối với các cổ đông hiện tại, nhưng Nio gần như không còn lựa chọn nào khác. Cú huy động vốn một cách đầy tuyệt vọng này là dấu hiệu cho thấy tiền mặt của công ty đang cạn kiệt.
Mới đây, hãng tin Bloomberg đưa tin Nio đang trì hoãn trả lương tháng Một cho nhân viên. Cụ thể, lương tháng Một của nhân viên Nio sẽ bị chậm 6 ngày, do những khó khăn bắt nguồn từ sự bùng phát coronavirus. Do đó, nhân viên của Nio đã được nhận lương vào ngày 14/2 vừa qua, thay vì ngày 8/2. Và cũng thật trùng hợp, ngày 14/2 Nio đã nhận được số tiền từ khoản gây vốn.
Nếu xâu chuỗi các sự kiện, có thể thấy Nio đã không có đủ tiền mặt trả lương cho nhân viên của mình trước khi tăng vốn. Tổng tiền lương của nhân viên Nio là khoảng 30 triệu USD, tình hình có vẻ “căng”.
Mặc dù Nio cố sức xoay xở, song số tiền 100 triệu USD sẽ không tồn tại được lâu. Với việc Nio lỗ trên 300 triệu USD trong quý vừa qua, thảm cảnh về một vụ phá sản có vẻ như không thể tránh khỏi.
Coronavirus như “thêm dầu vào lửa” với tương lai Nio
Coronavirus đã đánh bại ngành công nghiệp ô tô Trung Quốc. Tác động ngắn hạn đối với ngành công nghiệp này tồi tệ hơn nhiều so với thời kỳ dịch SARS.
Doanh số của Nio đã giảm 11,5% so với năm trước, gần như cùng nhịp với sự sụt giảm chung của doanh số ô tô Trung Quốc. Riêng trên thị trường xe điện, mức sụt giảm còn khủng khiếp hơn nữa. Tháng 1 vừa qua, doanh số xe điện, xe hybrid và xe chạy pin nhiên liệu hydro ở Trung Quốc giảm 54% so với cùng kỳ năm trước.
Theo trợ lý tổng thư ký Hiệp hội các nhà sản xuất ô tô Trung Quốc (CAAM) Xu Haidong, doanh số bán ô tô sẽ suy giảm vào năm 2020. “Thị trường ô tô trong nước dự kiến sẽ đạt đến đỉnh điểm tiêu dùng ngắn hạn sau khi đại dịch kết thúc, nhưng chúng ta không nên lạc quan về doanh số ô tô trong cả năm”.
Coronavirus không thể gây cái gì tồi tệ hơn nữa cho Nio. Công ty đã ở trong một tình huống bấp bênh, và sự bùng phát càng làm cho mọi thứ tồi tệ hơn.
Lợi nhuận không có, các nguồn vốn tài trợ cạn kiệt, nguy cơ phá sản có vẻ là điều không thể tránh khỏi. Điều duy nhất có thể cứu Nio bây giờ là một gói cứu trợ của chính phủ.
Theo một nguồn thạo tin của hãng tin Bloomberg, các nhà hoạch định chính sách Trung Quốc đang thảo luận về khả năng sẽ gia hạn việc trợ giá ô tô điện trong năm nay. Các cuộc thảo luận diễn ra sau khi nước này chứng kiến doanh số hàng năm của xe năng lượng mới - bao gồm xe điện, xe lai (hybrid) và xe chạy pin nhiên liệu hydro - lần đầu tiên sụt giảm trong 2019.
Nguồn tin nói rằng Chính phủ Trung Quốc đi đến cân nhắc kéo dài thêm thời gian trợ cấp cho xe điện từ trước khi bùng phát dịch Covid-19. Ở thời điểm đó, thị trường ô tô Trung Quốc nói chung và xe điện nói riêng đã đương đầu sức ép suy giảm lớn do nền kinh tế giảm tốc. Dịch Covid-19 xảy ra là một đòn nữa giáng mạnh vào ngành công nghiệp ô tô, gây gián đoạn hoạt động sản xuất và khiến nhiều người tiêu dùng không còn tâm trạng để sắm sửa xe mới.
Ở thời điểm hiện tại, các cuộc thảo luận vẫn tiếp diễn và chưa có gì đảm bảo việc gia hạn trợ cấp xe điện sẽ được chốt hạ. Nếu không được gia hạn, các chính sách hỗ trợ này sẽ chấm dứt vào cuối năm 2020.