Theo hãng tin Reuters, một làn sóng COVID-19 mới đang xảy ra trên toàn thế giới. Thiên tai, lũ lụt ở Trung Quốc và Đức. Tấn công mạng liên tục nhắm vào các cảng quan trọng của Nam Phi.
Theo các công ty, các nhà kinh tế và chuyên gia vận tải, những thảm họa này đã và đang thúc đẩy chuỗi cung ứng toàn cầu tiến tới nguy kịch, đe dọa dòng chảy cung ứng mong manh của các loại nguyên liệu thô, phụ tùng và hàng tiêu dùng.
Biến thể Delta của virus corona mới đã tàn phá các khu vực ở châu Á và khiến nhiều quốc gia phải áp dụng những biện pháp phong tỏa, giãn cách nghiêm ngặt.
Guy Platten, Tổng thư ký của Phòng Vận chuyển Quốc tế, cho biết đây là thời điểm nguy hiểm đối với chuỗi cung ứng toàn cầu.
Trong khi đó, lũ lụt khủng khiếp tác động xấu đến các tập đoàn kinh tế khổng lồ Trung Quốc và Đức đã tiếp tục phá vỡ các đường cung ứng toàn cầu vốn vẫn chưa phục hồi sau đợt đại dịch đầu tiên, ảnh hưởng hàng nghìn tỷ USD hoạt động kinh tế phụ thuộc vào chúng.
Chính quyền cho biết lũ lụt ở Trung Quốc đang hạn chế quá trình vận chuyển than từ các khu vực khai thác như Nội Mông và Sơn Tây, cũng như các nhà máy điện cần nhiên liệu để đáp ứng nhu cầu cao điểm vào mùa hè.
Tại Đức, việc vận chuyển hàng hóa bằng đường bộ đã chậm lại đáng kể. Trong tuần của ngày 11 tháng 7, khi thảm họa xảy ra, khối lượng các chuyến hàng trễ đã tăng 15% so với tuần trước, theo dữ liệu từ nền tảng theo dõi chuỗi cung ứng FourKites.
Nick Klein, Phó chủ tịch phụ trách bán hàng và tiếp thị ở Trung Tây của công ty vận tải hàng hóa và hậu cần Đài Loan OEC Group, cho biết các công ty đang cố gắng giải phóng hàng hóa chất đống ở châu Á và tại các cảng của Mỹ do khủng hoảng.
Khó khăn chồng chất
Các nhà sản xuất ô tô một lần nữa buộc phải ngừng sản xuất vì dịch COVID-19. Toyota cho biết trong tuần này họ đã phải tạm dừng hoạt động tại các nhà máy ở Thái Lan và Nhật Bản vì không thể mua được phụ tùng.
Một loạt các ổ dịch COVID-19 trong các nhà máy ở Thái Lan hồi tháng 6 đã khiến lĩnh vực xuất khẩu của nước này gặp khó khăn. Thái Lan là trung tâm lắp ráp và xuất khẩu ô tô lớn thứ tư châu Á của một số nhà sản xuất ô tô lớn nhất thế giới như Honda và Great Wall Motor của Trung Quốc. Ngành công nghiệp này chiếm khoảng 10% GDP và công việc sản xuất của Thái Lan.
Mới đây, Stellantis cũng tuyên bố tạm ngừng sản xuất tại một nhà máy ở Anh vì một số lượng lớn công nhân phải cách ly để ngăn chặn sự lây lan của virus.
Ngành công nghiệp ô tô còn bị ảnh hưởng nặng nề bởi tình trạng thiếu chất bán dẫn trên toàn cầu trong năm nay, chủ yếu từ các nhà cung cấp châu Á. Đầu năm nay, ngành công nghiệp ô tô cho rằng cuộc khủng hoảng nguồn cung chip sẽ nhẹ nhàng hơn vào nửa cuối năm 2021 - nhưng giờ đây, một số giám đốc điều hành cấp cao cho biết thảm họa thiếu chip sẽ tiếp tục kéo dài đến năm 2022.
Một giám đốc điều hành của một nhà sản xuất phụ tùng ô tô Hàn Quốc, chuyên cung cấp lịnh kiện cho Ford, Chrysler và Rivian, cho biết chi phí nguyên liệu thô sử dụng trong tất cả các sản phẩm của họ đã tăng một phần do chi phí vận chuyển hàng hóa cao hơn.
Nhà sản xuất thiết bị gia dụng lớn nhất châu Âu, Electrolux, đã cảnh báo vấn đề nguồn cung linh kiện sẽ ngày càng tồi tệ, điều này đã cản trở sản xuất. Domino's Pizza cho biết sự gián đoạn chuỗi cung ứng đã ảnh hưởng đến việc cung cấp các thiết bị cần thiết để xây dựng các cửa hàng.
Các chuỗi cung ứng khó khăn đang ảnh hưởng đến Mỹ và Trung Quốc, hai nguồn động lực kinh tế lớn của thế giới, chiếm hơn 40% sản lượng kinh tế toàn cầu. Điều này có thể dẫn đến suy thoái kinh tế toàn cầu, cùng với việc tăng giá tất cả các loại hàng hóa và nguyên liệu thô.
Dữ liệu của Mỹ đưa ra hôm thứ Sáu (23/7) cho thấy tăng trưởng sẽ chậm lại trong nửa cuối năm nay, sau khi bùng nổ vào quý thứ hai nhờ những thành công ban đầu của chiến dịch tiêm chủng.