Châu Âu đang ráo riết chuẩn bị các chính sách cấm ô tô động cơ đốt trong, nhưng Ý, quê hương của những chiếc xe thể thao công suất lớn, tên tuổi do các hãng như Ferrari NV và Lamborghini SpA sản xuất, lại đang tìm cách làm chậm quá trình về hưu của động cơ đốt trong.
Theo Roberto Cingolani, Bộ trưởng phụ trách chuyển đổi sinh thái, chính phủ Italy đang đàm phán với Liên minh châu Âu nhằm bảo vệ các nhà sản xuất siêu xe trước nguy cơ bị loại bỏ nếu không điện khí hóa. Dự kiến chính sách mới sẽ có hiệu lực vào năm 2035.
Mặc dù Rome ủng hộ cam kết của châu Âu về việc cắt giảm khí thải bằng cách loại bỏ dần các động cơ gây ô nhiễm nhất, lĩnh vực siêu xe vẫn là một “thị trường ngách và đang có các cuộc thảo luận với Ủy ban EU" về cách các quy tắc mới sẽ áp dụng cho các nhà sản xuất ô tô cao cấp.
“Những chiếc xe này cần các công nghệ rất đặc biệt và chúng cần pin cho quá trình chuyển đổi”, Cingolani nói. “Điều quan trọng là Ý phải giành được quyền tự chủ trong việc sản xuất pin hiệu suất cao, đó là lý do tại sao nước này đang chuẩn bị khởi động chương trình nhà máy giga” để sản xuất pin quy mô lớn.
Hồi tháng 7, Ủy ban châu Âu đã công bố kế hoạch loại bỏ xe động cơ đốt trong, đó là một phần nỗ lực của khu vực nhằm cắt giảm lượng khí thải gây ra hiện tượng nóng lên toàn cầu. Nhưng mốc thời gian có thể là thách thức đối với các nhà sản xuất xe sang, bởi họ sản xuất những chiếc xe có động cơ mạnh, thải ra mức ô nhiễm trên mức trung bình.
Hiện tại, EU vẫn đang trong giai đoạn đầu xem xét kế hoạch, vì các quy tắc được đề xuất sẽ được các quốc gia thành viên và Nghị viện châu Âu thảo luận. Quá trình này có thể kéo dài tới hai năm, một số quốc gia có thể sẽ đề xuất các sửa đổi để bảo vệ các công ty và ngành của họ. Một phát ngôn viên của EU hôm thứ Hai đã từ chối bình luận về phát biểu của Bộ trưởng Ý, lưu ý rằng “tất cả các nhà sản xuất xe hơi sẽ phải đóng góp vào việc giảm lượng khí thải này”.
Pháp đã có dấu hiệu phản đối kế hoạch mới, ủng hộ các mục tiêu khoan hồng hơn. Một quan chức trong văn phòng Tổng thống Emmanuel Macron cho biết Paris ủng hộ mục tiêu giảm lượng khí thải từ ô tô 55% vào năm 2030 và để xe hybrid tồn tại lâu hơn trên thị trường.
Chủ tịch Hiệp hội các nhà sản xuất ô tô châu Âu Oliver Zipse cho biết ông ủng hộ nỗ lực của Ý trong bối cảnh các nhà sản xuất siêu xe phải đối mặt với "tình huống đặc biệt".
Rất ít siêu xe được bán ra
Cingolani, cựu giám đốc của Ferrari, lập luận rằng số lượng xe bị ảnh hưởng bởi quyền miễn trừ sẽ chỉ chiếm một phần nhỏ trong thị trường có con số hàng triệu xe. Ferrari đã bán được khoảng 9.100 xe vào năm 2020, trong khi doanh số của Lamborghini là khoảng 7.400.
Bộ trưởng cho biết việc miễn trừ "là điều mà chúng tôi đang thảo luận với các đối tác khác ở châu Âu". "Tôi tin rằng sẽ không có vấn đề gì."
Việc Ý cố gắng che chắn cho các nhà sản xuất ô tô mang tính biểu tượng của mình không có nghĩa là nước này phản đối việc tiến tới điện khí hóa. “Đây là một vấn đề chính sách toàn cầu”, Cingolani nói. “Y nhận thức rõ ràng về sự cần thiết phải chuyển đổi sang hướng điện khí hóa ô tô”.
Tuy nhiên, sự giúp đỡ từ Brussels có thể rất quan trọng đối với Ferrari. Công ty vẫn chưa cung cấp mẫu xe nào chạy hoàn toàn bằng điện và đã rất chậm chạp trong việc áp dụng điện khí hóa.
Chủ tịch John Elkann cho biết Ferrari sẽ trình làng chiếc xe đầu tiên chạy hoàn toàn bằng pin vào năm 2025. Ngược lại, chiếc Taycan chạy điện hoàn toàn của Porsche Automobil Holding SE đã có mặt trên đường từ năm 2019. Ferrari dự kiến sẽ chia sẻ thêm thông tin chi tiết về kế hoạch của mình sau.
Lập kế hoạch cho Ferrari trong những ngày suy tàn của động cơ đốt trong sẽ là một trong những ưu tiên lớn nhất đối với Benedetto Vigna, người bắt đầu làm giám đốc điều hành vào ngày 1 tháng 9. Cựu giám đốc điều hành STMicroelectronics NV lãnh đạo bộ phận nhà sản xuất chip cung cấp các cảm biến chính được sử dụng trong iPhone của Apple Inc. và hệ thống định vị của các nhà sản xuất ô tô.