Hôm qua (7/1), trong lúc Tổng giám đốc (CEO) Elon Musk của Tesla có màn nhảy múa tại lễ ra mắt mẫu xe Model Y tại Trung Quốc, thì tâm trạng ở Detroit - thủ phủ của ngành công nghiệp ôtô Mỹ - có lẽ không được vui cho lắm.
Tại phiên giao dịch ngày thứ Ba (7/1), cổ phiếu Tesla tăng 3,9%, sau khi ông Musk có bài phát biểu tại nhà máy của Tesla ở Thượng Hải, đạt hơn 469 USD/cổ phiếu.
Cùng thời điểm, mỗi cổ phiếu của GM có mức giá 35,15 USD và vốn hóa thị trường đạt khoảng 50,2 tỷ USD. Ford có giá cổ phiếu 9,25 USD/cổ phiếu và vốn hóa khoảng 36,7 tỷ USD.
Cách đây 2 tháng rưỡi, cổ phiếu Tesla giao dịch ở mức 254 USD/cổ phiếu. Đến nay, cổ phiếu Tesla đã chạm mức 470 USD lần đầu tiên trong lịch sử. Tesla bắt đầu IPO vào năm 2010 với mức giá khởi điểm 17 USD/cổ phiếu. Như vậy, theo tính toán, nếu bạn chi 1.000 USD mua 58 cổ phiếu Tesla vào năm 2010, đến nay bạn đã có 27.000 USD.
“Hai hãng ô tô giàu truyền thống GM và Ford đang hoàn toàn bị động trong cuộc đua vốn hóa với Tesla tại Mỹ”, nhà quản lý quỹ Paul Holland thuộc Foundation Capital phát biểu trên CNBC.
“Tôi không cho là mọi chuyện với Tesla cũng sẽ thuận lợi như vậy ở Trung Quốc. Nhưng dù sao, ngày hôm nay cũng là một ngày tuyệt vời và xứng đáng với Tesla vì họ đã tạo ra được một sản phẩm được ưa chuộng rộng rãi”, ông Paul Holland chia sẻ.
Theo thống kê, cổ phiếu của Tesla đã tăng 93% trong ba tháng qua và tăng gần 10% từ đầu năm đến nay, tốt hơn nhiều so với mức tăng 0,4% của Chỉ số công nghiệp Dow Jones. Tuy nhiên, những con số tăng trưởng đó chỉ mới là một phần của câu chuyện. Tesla đã trở thành công ty xe hơi có giá trị vốn hoá thị trường cao nhất tại Mỹ từ trước đến nay.
Theo số liệu thị trường của Dow Jones, vốn hóa thị trường hiện tại của Tesla đang đạt gần 83 tỷ USD, cao hơn mốc kỷ lục 81 tỷ USD giá trị thị trường mà Ford Motor từng thiết lập vào năm 1999. Giá trị thị trường của Tesla hiện cũng lớn hơn General Motors, Chrysler thời chưa sáp nhập với Daimler hoặc Fiat Chrysler Automenses. Chrysler và Daimler sáp nhập vào năm 1998.
Tính ra, giá trị vốn hóa của Tesla hiện chỉ còn kém hơn 2 tỷ USD so với tổng vốn hóa của cả General Motors (GM) và Ford cộng lại. GM và Ford là hai hãng xe có bề dày lịch sử lâu đời và là niềm tự hào của công nghiệp ôtô Mỹ.
Đáng chú ý là Tesla đạt được vị thế vốn hóa cao ngất ngưởng như vậy ngay trong bối cảnh các hãng xe ở Detroit đạt lợi nhuận kỷ lục trong 5 năm gần đây và đang đẩy mạnh các nỗ lực cải tổ hoạt động, cắt giảm chi phí.
Trong khi đó, hãng xe do ông Musk sáng lập gần như chưa có lãi. Bất chấp thực tế này, các nhà đầu tư ở Phố Wall vẫn nhận thấy một hấp lực khó cưỡng từ cổ phiếu Tesla.
Tuy nhiên, giá trị thị trường của Tesla vẫn còn thua tập đoàn xe hơi Nhật Bản Toyota và hãng xe hơi Đức Volkswagen AG. Trong đó, Toyota đạt giá trị thị trường là 227,90 tỷ USD và Volkswagen AG là 98,65 tỷ USD.
Dù thế nào, đây thực sự là kỳ tích ấn tượng của Elon Musk. Ông đã xây dựng một công ty xe hơi từ đầu thế kỷ này, và bây giờ Tesla có giá trị hơn cả bộ ba nhà sản xuất ô tô Detroit nổi tiếng.
Ở một góc nhìn khác, giới phân tích cho rằng việc giá trị vốn hoá thị trường của Tesla tăng mạnh trên thực tế không phản ánh đầy đủ giá trị doanh nghiệp. Bởi nếu tính đến các yếu tố vốn cổ phần, nợ và tiền mặt, GM và Ford vẫn có tổng giá trị lớn hơn nhiều so với Tesla.
Nếu dựa trên các yếu tố này, Ford vẫn là hãng xe lớn nhất nước Mỹ khi có tổng giá trị doanh nghiệp đạt khoảng 154 tỷ USD, còn GM đạt 132 tỷ USD - theo dữ liệu từ FactSet. Tổng giá trị doanh nghiệp của Tesla chỉ đạt khoảng 92 tỷ USD.
Trở lại với sự kiện Tesla ra mắt mẫu xe Model Y tại Trung Quốc, ông Elon Musk cho biết hãng đang chuẩn bị sản xuất mẫu xe này ngay tại nhà máy ở Thượng Hải và dự kiến sẽ giao hàng từ mùa hè năm nay.
Ngoài ra, ông Elon Musk cũng tuyên bố rằng Tesla sẽ mở một trung tâm thiết kế xe tại Trung Quốc và từ trung tâm này, hãng sẽ thiết kế một mẫu xe cho thị trường toàn cầu.
Những thông tin tốt về hoạt động sản xuất, kinh doanh của Tesla tại Trung Quốc diễn ra trong bối cảnh GM lên tiếng cảnh báo về những thách thức mà thị trường ôtô tại nước này có thể tiếp tục phải đương đầu trong 2020.
Ngày 7/1, GM cho biết doanh số của hãng tại Trung Quốc trong năm ngoái chỉ đạt 3,09 triệu xe, giảm 15% so với 2018.
Ông Matt Tsien, Chủ tịch GM Trung Quốc, cho biết hãng đang tập trung vào việc củng cố dòng sản phẩm và tăng cường hiệu quả chi phí để ứng phó với sự tụt dốc của thị trường.
Nói về triển vọng thị trường xe Trung Quốc năm 2020, GM thể hiện quan điểm bi quan. “Chúng tôi dự báo sự suy giảm của thị trường sẽ tiếp tục trong 2020, và lường trước những thách thức hiện nay tại Trung Quốc còn tiếp diễn”, ông Tsien nói.
Ford chưa công bố doanh số 2019 tại Trung Quốc, nhưng giới quan sát dự báo doanh số của hãng này tại Trung Quốc đã có năm giảm thứ hai liên tiếp trong bối cảnh kinh tế Trung Quốc giảm tốc và chiến tranh thương mại Mỹ-Trung.