Trong cuộc phỏng vấn, bà Chi cho biết bà hầu như chưa có kinh nghiệm gì về Giải đua Công thức 1 – bởi thế mạnh của bà là về tài chính và pháp lý, sáp nhập và mua lại, bất động sản và khách sạn - cũng như cả về dược phẩm và ô tô. Nhưng bà đã có kinh nghiệm trong các ngành đó, và rõ ràng bà đang nghiêm túc tận hưởng thử thách hướng đến sự kiện thể thao lớn nhất nước nhà.
Và giờ đây, Lê Ngọc Chi đang nỗ lực đưa một quốc gia châu Á mới nổi, hầu như chưa hề có văn hóa đua xe thể thao, gia nhập đội hình F1.
“Mọi chuyện xảy ra là do … chính phủ, thành phố Hà Nội và đặc biệt là ông Nguyễn Đức Chung - Chủ tịch thành phố Hà Nội”, bà Chi cho biết. “Ông giống như cha đẻ của toàn bộ ý tưởng này - muốn đưa F1 về Việt Nam vì những lý do rất rõ ràng: Vì lợi ích và tất cả những điều tốt đẹp mà F1 có thể mang lại cho Việt Nam”.
“Tập đoàn Vingroup là người ủng hộ sự kiện tại Việt Nam và VGPC là thành viên của nhóm. Tôi đã là thành viên lâu năm của Vingroup và trở thành CEO của Vietnam GP Corporation”.
Theo bà Chi, VinGroup không làm việc này chỉ vì VinGroup, mà vì lợi ích cho đất nước, vì cuộc sống tốt hơn của người dân Việt Nam.
Công thức 1 không chỉ là một cuộc đua, mà còn là một sự kiện giải trí và thể thao mang đến nhiều cơ hội khác nhau về việc thúc đẩy du lịch, về mặt thúc đẩy đầu tư, về mặt thúc đẩy hợp tác và các hoạt động hợp tác lẫn nhau. Đặc biệt là công nghệ. Công thức 1 được gọi là ngành công nghệ cao của xe hơi, đặc biệt là VinFast.
Khía cạnh thứ hai của việc đưa F1 đến Việt Nam chính là giới thiệu thành phố và quốc gia ra thế giới thông qua phạm vi toàn cầu hàng năm của F1.
“Ngay bây giờ chúng tôi là một quốc gia đang trên đường phát triển, chúng tôi là con rồng mới của châu Á. Chúng tôi có một trong những mức tăng trưởng GDP cao nhất trong những năm qua. Chúng tôi muốn giới thiệu Việt Nam với thế giới, chúng tôi muốn giới thiệu Hà Nội với thế giới. Hà Nội là vùng đất hòa bình, Hà Nội có nhiều truyền thống rất độc đáo: Đồ ăn ngon, đẹp, với người dân thân thiện”, bà Chi cho biết.
Và nữa, đưa F1 đến Việt Nam chính là niềm tự hào dân tộc. Mỗi cuộc đua sẽ có hai nhóm khán giả: những người tại đường đua - chủ yếu là người hâm mộ địa phương hoặc khu vực - và khán giả truyền hình.
Singapore đang làm một công việc tuyệt vời về tổ chức F1, nhưng Việt Nam muốn có một cái gì đó “của Việt Nam”. Vì vậy, Việt Nam sẽ cố gắng tạo ra bầu không khí “của Việt Nam” cho những người trực tiếp đến sự kiện, không chỉ những người hâm mộ F1, mà cả những người chưa biết về F1 nữa.
Tổ chức đường đua F1, VGPC đang nhắm đến ba thị trường: Những người có nền văn hóa và cộng đồng đua xe tuyệt vời, bởi vì đây là những người sẵn sàng đi du lịch để xem một cuộc đua mới. Thứ hai là du lịch. Và thứ ba là người dân trong khu vực, bởi vì hiện tại Việt Nam đang kinh doanh rất nhiều với các nước trong khu vực như Thái Lan, Singapore và Malaysia, v.v.
Vì vậy, với Công thức 1 sắp ra mắt, với sự hỗ trợ của chính phủ, với nền tảng cốt lõi của cộng đồng thể thao mô tô, chúng tôi tin tưởng rằng trong vài năm tới, cộng đồng đua xe thể thao sẽ phát triển theo cấp số nhân. Chúng tôi sẽ là một phần của sự tăng trưởng đó; chúng tôi rất vui khi là một phần của sự phát triển đó.
Lewis Hamilton, tay đua số 1 của F1, gần đây đã nhận xét rằng các địa điểm mới nên xem xét tổ chức các cuộc đua trên đường phố hơn là lặp lại trải nghiệm của Ấn Độ, nơi trường đua Buddh International Circuit được xây dựng khổng lồ nhưng chỉ diễn ra có 3 cuộc đua. (Buddh International Circuit là đường đua của Ấn Độ, khánh thành vào 18/10/2011 nhưng đã dừng khai thác vào năm 2014). Do đó, thật thú vị khi tìm hiểu VGPC xây dựng một chặng đua lâu dài.
Đường đua F1 Hà Nội có 23 khúc rẽ, chiều dài 5.607km, bao gồm một đoạn đường chính dài hơn 1,5km, ở đoạn đường thẳng này, các xe F1 có thể đạt vận tốc tối đa là khoảng 500km/h. Văn phòng thiết kế đường đua Hermann Tilke và bộ phận mô tô của F1 đã phối hợp xây dựng đường đua này, với kinh nghiệm từ chặng đua Suzuka của Nhật và Nürburgring của Đức.
Khu vực pit của xe có một cấu trúc cố định ba cấp ấn tượng có chiều dài 300 mét, thiết kế lấy cảm hứng từ Hoàng thành Thăng Long ở Hà Nội, đang bước vào giai đoạn cuối của quá trình xây dựng.
2/3 chặng đua là những đường phố hiện có, còn 1/3 chặng được xây dựng mới hoàn toàn. Giờ đua vẫn chưa được xác định cụ thể, nhưng có thể sẽ vào khoảng 2-3 giờ hiều, bởi vì “chúng tôi muốn tất cả mọi người ở châu Âu, và hy vọng cả ở Mỹ, có thể theo dõi cuộc đua ở Hà Nội”.
Lượng khán giả dự kiến sẽ đến xem đua F1 trực tiếp tại Hà Nội sẽ là khỏang 300.000 khán giả. F1 Hà Nội sẽ diễn ra vào tháng 4/2020. Lúc đó, thời tiết Hà Nội sẽ khá đẹp và dự đoán không có mưa.