Cựu giám đốc Nissan Carlos Ghosn trong cuộc họp báo tại Lebanon đã bác bỏ mọi cáo buộc chống lại ông trong thời gian lãnh đạo hãng xe Nhật Bản. Tuy nhiên, ông có thừa nhận đã mắc ít nhất một sai lầm trong sự nghiệp của mình.
Cuộc họp báo kéo dài hơn 2 giờ. Ghosn cho biết ông rất hối hận vì đã không chấp nhận một đề nghị của chính quyền Obama lúc đó, để trở thành CEO của General Motors vào năm 2009.
“Tôi đã phạm sai lầm. Ngày hôm nay tôi nhận ra điều đó”, Ghosn nói trong buổi ra mắt đầu tiên kể từ khi bị bắt vào tháng 11 năm 2018 tại Nhật Bản và vừa trốn thoát đến Lebanon vào tuần trước. “Tôi nhẽ ra nên chấp nhận lời đề nghị, nhưng tôi có niềm tin của mình”.
Ghosn cho biết ngày đó ông nhận được lời mời về lãnh đạo tập đoàn ô tô Mỹ General Motors với mức lương cao gấp đôi, dù Ghosn đã cam kết gia nhập Liên minh Nissan-Renault.
Carlos Ghosn, người đồng thời lãnh đạo ba nhà sản xuất ô tô như một phần của liên minh Nissan-Renault-Mitsubishi, vào hôm qua (8/1) đã lấy sự kiện này ra để minh họa cho lý do tại sao truyền thông Nhật Bản mô tả ông là một nhà độc tài tham lam lạnh lùng là không công bằng.
“Đây không phải là lời nói của một kẻ tham lam. Một kẻ tham lam sẽ nói, ‘Xin lỗi các bạn, đây là kinh doanh. Tôi sẽ vì lợi ích của riêng mình”, Ghosn nói và dẫn thêm rằng lời đề nghị ngày đó của GM rất hấp dẫn, nhưng vị thuyền trưởng sẽ không thể rời tàu khi cả con tàu đang cần.
Trong cuộc họp báo hôm qua, như đã đưa tin, Ghosn đã trách móc hệ thống luật pháp Nhật Bản để giải thích cho việc vì sao ông phải trốn khỏi Nhật Bản. Ông đã phủ nhận mọi hành vi sai trái và nói rằng ông bí mật trốn sang Lebanon, nơi có quyền công dân, không phải để trốn tránh công lý, mà là trốn tránh sự bất công.
Ngoài ra, trong cuộc họp báo, Ghosn cũng đề cập đến các cuộc thảo luận với Fiat Chrysler để tham gia liên minh tự động toàn cầu, bao gồm các cuộc đàm phán sáp nhập với Chủ tịch Fiat Chrysler John Elkann.
Tuy vậy, những cuộc đàm phán đó cuối cùng đã sụp đổ sau khi Ghosn bị bắt giữ. Cuối cùng, Fiat Chrysler đã hoàn tất thỏa thuận vào tháng trước sáp nhập với tập đoàn ô tô Pháp PSA Group, một đối thủ cạnh tranh lớn của Renault.
“Thật không thể tin được”, Ghosn nói về thỏa thuận và chỉ rõ dưới sự lãnh đạo của ông, liên minh “có một tầm nhìn rõ ràng về tương lai, không như bây giờ”.
“Làm thế nào Nissan có thể mất điều đó? Làm thế nào có thể đánh mất cơ hội trở thành người chơi thống trị trong ngành này”?
Vào tháng 6/2019, thông tin cho biết thỏa thuận giữa Fiat Chrysler và Renault đã sụp đổ do những lo ngại của chính phủ Pháp về mối hợp tác.