Tránh né thoái trào
Người tiêu dùng ô tô Việt Nam đang thực dụng hơn và dần biến những phân khúc xe đa dụng, bán tải trở thành xu hướng. Điều đó cũng ít nhiều khiến những phân khúc truyền thống là sedan có dấu hiệu rơi vào thoái trào.
Minh chứng là phân khúc sedan cỡ D với sự hiện diện của những tên tuổi lừng danh như Honda Accord, Toyota Camry, Hyundai Sonata hay Mazda6 rơi sâu vào không khí ảm đạm, bất chấp những nỗ lực của các hãng xe.
Ngay ở phân khúc thấp hơn là sedan cỡ C thì hầu như cũng chỉ có Mazda3, Hyundai Elantra hay Kia Cerato là còn được người tiêu dùng tìm đến bởi thiết kế mới và nhất là… giá thấp.
Thế nhưng, phân khúc sedan cỡ B lại đang là ngoại lệ. Phân khúc này hiện đang có đến 8 cái tên cạnh tranh nhau. Trong đó, từ khoảng 2 năm trở lại đây, Toyota Vios, Hyundai Accent và Honda City đang trở thành bộ “tam mã” ganh đua nhau quyết liệt từng đơn vị doanh số.
Nếu như Vios là cái tên khó lòng bị đánh bật khỏi vị trí xe bán chạy nhất thì sự trỗi dậy của Accent và những nỗ lực của City đang giúp cho thị trường sôi động hơn hẳn.
Toyota Vios, mẫu xe được xem là “gà đẻ trứng vàng” của liên doanh ô tô Nhật Bản sở hữu những giá trị truyền thống chưa bao giờ “phai nhạt”. Thiết kế trung tính, giá trị kinh tế cao giúp Vios thường trở thành cái tên được lựa chọn ưu tiên đối với những người tiêu dùng mua xe lần đầu, những đơn vị kinh doanh vận tải taxi và nhất là với những người muốn tận dụng cho dịch vụ taxi công nghệ kết hợp với nhu cầu cá nhân, gia đình.
Đối thủ “cứng” nhất của Vios là Acent lại tạo nên thế mạnh khác khi sở hữu thiết kế trẻ trung hơn hẳn. Mẫu xe đến từ Hàn Quốc cũng nắm ưu thế về trang bị công nghệ, một điểm cộng lớn đối với giới trẻ Việt.
Trong khi đó, City lại nổi bật hơn nhờ khả năng lái thú vị nhất phân khúc, thứ luôn là thế mạnh của thương hiệu ô tô Nhật Bản.
“Đốt nóng” cuộc đua
Một điểm dễ nhận thấy là thời gian qua, sức nóng sedan cỡ B hầu như chỉ nằm ở cuộc đua “tam mã” giữa Toyota Vios, Hyundai Accent và Honda City. Dù sân chơi khá đông đảo song nhiều cái tên khác như Suzuki Ciaz, Mitsubishi Attrage, Nissan Sunny hay Mazda2 cũng chỉ gọi là tham gia… cho có.
Nhưng mới đây, tập đoàn Thaco đã “đốt nóng” phân khúc này bằng việc thay thế cái tên Kia Rio bằng sự xuất hiện của “tân binh” Kia Soluto.
Ngay sau khi ra mắt, Soluto đã cho thấy sức cạnh tranh đáng nể của mình bằng việc ẵm về mức sản lượng bán hàng 619 chiếc trong tháng 9/2019. Con số này chỉ thấp hơn một chút so với đối thủ Honda City. Biết rằng, với sản lượng bán hàng 956 chiếc, Honda City đã nghiễm nhiên lọt vào Top 10 mẫu ô tô đắt khách nhất Việt Nam.
Chưa hết, hãng xe trong nước Thaco còn tiến hành giảm giá Soluto cho dù mẫu xe này chỉ vừa mới xuất hiện trên thị trường hơn 1 tháng và đang nhận được sự ưu ái của người tiêu dùng.
Cụ thể, các đại lý Kia đang áp dụng mức giảm giá bán lẻ 10 triệu đồng đối với Soluto khiến cho “vũ khí” giá thấp của mẫu xe đến từ Hàn Quốc vốn đã nguy hiểm lại càng trở nên sắc bén. Biết rằng ngay sau khi ra mắt, Kia Soluto đã sở hữu khoảng giá bán lẻ thấp nhất phân khúc, chỉ từ 399-455 triệu đồng tùy từng phiên bản.
Cùng với Soluto, một mẫu sedan cỡ B khác là Mazda cũng hưởng giảm giá từ đơn vị phân phối. Theo đó, tất cả các phiên bản Mazda2 đều được giảm giá 30-40 triệu đồng. Cộng với các ưu đãi vật chất khác, tổng giá trị ưu đãi mà người tiêu dùng mua Mazda2 trong tháng 10/2019 có thể lên đến 70 triệu đồng.
Đáng chú ý là dù đang không chỉ dẫn đầu phân khúc mà còn dẫn đầu cả thị trường về doanh số nhưng các đại lý Toyota hiện cũng đang áp dụng giảm giá 20-30 triệu đồng cho Vios.
Động thái giảm giá của một số hãng xe chiếm thị phần lớn một mặt đang giúp người tiêu dùng dễ dàng giải quyết nhu cầu mua xe, mặt khác đang đốt nóng hơn cuộc chạy đua ở phân khúc sedan cỡ B.