Bloomberg: Phạm Nhật Vượng có kế hoạch “cứu cả thế giới”

Vào thời điểm cuối đời, nếu không có gì đáng để nhớ hay kể lại, đó mới là một kết thúc đau khổ vì cuộc sống của bạn đã không mang lại bất kỳ giá trị nào, người giàu nhất Việt Nam nói.

 

Ngày 9/6 vừa qua, Bloomberg đã có bài viết về Phạm Nhật Vượng với tiêu đề “Vietnam’s Richest Man Has a Plan to Save the Virus-Stricken World”, phản ánh chiến lược kinh doanh cũng như lòng yêu nước của tỷ phú Phạm Nhật Vượng, đặc biệt trong đại dịch COVID-19, Vingroup đã phản ứng nhanh và sản xuất máy thở, xuất khẩu đến những nước cần. Câu chuyện máy thở được xuyên suốt, liên tưởng đến tham vọng đưa xe điện VinFast đến Mỹ, cho thấy tham vọng này có khả năng thành hiện thực như thế nào, dù có rất nhiều những nghi ngờ và vô vàn câu hỏi.

Chúng tôi lược dịch lại bài viết của Bloomberg, để thấy góc nhìn của hãng tin Mỹ với Vingroup và chiến lược thâm nhập thị trường Mỹ của xe điện VinFast.

Bloomberg: Phạm Nhật Vượng có kế hoạch “cứu cả thế giới” - Ảnh 1

Trong đại dịch COVID-19, Việt Nam báo cáo chỉ có 332 ca nhiễm và không có ca tử vong, nhưng từ trụ sở rộng lớn của mình ở Hà Nội, tỷ phú Phạm Nhật Vượng nhận thấy một nhu cầu vượt ra ngoài biên giới. Vào tháng Tư, người đàn ông giàu nhất đất nước đã khảo sát tập đoàn và đưa ra quyết định. Ông sẽ sản xuất máy thở.

Trong những ca COVID-19 nặng nhất, virus tấn công phổi, khiến việc đưa oxy vào máu trở nên khó khăn hơn. Một chiếc máy thở có thể quyết định giữa sự sống và cái chết, và thế giới lại không có đủ máy thở. Theo một ước tính, các bệnh viện thế giới cần thêm 800.000 máy thở.

Tình trạng thiếu hụt nghiêm trọng nhất ở các nước đang phát triển - như miền nam Sudan, chỉ có bốn máy thở cho 12 triệu dân số, nhưng nước giàu nhất thế giới cũng thiếu. Tổng thống Donald Trump đã buộc các nhà sản xuất ô tô và các công ty khác của Mỹ phải chế tạo máy thở. Ford và General Electric đã hợp tác cung cấp 50.000 máy thở vào ngày 13/7 trong một hợp đồng trị trị giá 336 triệu USD với chính phủ.

Phạm Nhật Vượng tin rằng công ty của mình, Vingroup JSC, có thể sản xuất máy thở nhanh hơn và rẻ hơn. Sử dụng một thiết kế nguồn mở của nhà sản xuất thiết bị Medtronic Plc, Vingroup đã đệ trình xin phê duyệt sản xuất máy thở vào giữa tháng Tư. Trong khi chờ đợi các nhà quản lý Việt Nam ra quyết định, máy thở của Vingroup đang rời khỏi dây chuyền lắp ráp.

Máy thở Vingroup có giá khoảng 7.000 USD tại Việt Nam, thấp hơn 30% so với mẫu riêng của Medtronic. Công ty cũng cho biết họ có thể sản xuất tới 55.000 máy mỗi tháng ngay khi chính phủ phê duyệt và có kế hoạch xuất khẩu đến bất cứ nơi nào có nhu cầu. Vingroup nói họ sẽ quyên góp vài nghìn máy cho Ukraine và Nga, nơi ông Vượng có mối quan hệ kinh doanh lâu dài.

“Chúng tôi muốn cùng với chính phủ Việt Nam giải quyết một phần đại dịch”, Phạm Nhật Vượng, 51 tuổi, nói tại văn phòng Vingroup ở Hà Nội trong cuộc phỏng vấn với Bloomberg.

Mặc dù Vingroup điều hành một số bệnh viện và phòng khám, song sản xuất thiết bị y tế không hề nằm trong kế hoạch công ty. Nhưng Phạm Nhật Vượng, người đã làm giàu nhờ bán mì gói ở Ukraine, nổi tiếng với tham vọng. Vì vậy, khi Việt Nam thúc đẩy các nhà sản xuất trong nước tạo ra những sản phẩm tinh vi hơn, Vingroup bắt đầu sản xuất ô tô và điện thoại thông minh.

Giờ đây, khi chính phủ trao tặng khẩu trang sản xuất tại Việt Nam cho các quốc gia bị nhiễm virus Corona chủng mới, Vượng đang đang thực hiện một chiến lược tham vọng hơn: bán ô tô Việt cho thế giới. Vào tháng 12, ông tuyên bố VinFast, tập đoàn ô tô của Vingroup, sẽ phát triển xe điện và xuất khẩu sang Mỹ vào năm 2021. Vương cam kết “bỏ tiền túi” 2 tỷ USD để biến điều đó thành hiện thực.

Nhưng liệu người Mỹ có mua ô tô Việt Nam hay không vẫn là một câu hỏi mở. Máy thở là một sản phẩm mà thế giới trong đại dịch COVID-19 không thể từ chối. “Bài học chúng ta học được từ cuộc khủng hoảng là sẽ luôn có rất nhiều cơ hội”, Vượng nói. “Chúng ta phải ra những lựa chọn đúng đắn và hành động nhanh chóng”.

Vingroup sản xuất máy thở tại một nhà máy sản xuất smartphone Vinsmart. Ảnh: Bloomberg
Vingroup sản xuất máy thở tại một nhà máy sản xuất smartphone Vinsmart. Ảnh: Bloomberg

Trong hai thập kỷ qua, Việt Nam đã trở thành một trong những nền kinh tế phát triển nhanh nhất thế giới. Ngày nay, Vingroup cung cấp một loạt các dịch vụ mà người Việt Nam sẽ sử dụng từ thời thơ ấu cho đến tuổi già.

Một em bé có thể sinh ra trong một bệnh viện Vinmec, lớn lên ở Vinhome, theo học tại Vinschool và tiếp tục đến VinUniversity. Một gia đình có thể lái một chiếc xe VinFast và hưởng một hệ sinh thái được các nhà hoạch định chính sách của Vingroup thiết kế, đến khu nghỉ dưỡng của Vingroup. Trong cuộc sống hàng ngày, họ có thể nói chuyện trên điện thoại VinSmart và mua sắm cho các thương hiệu quốc tế tại trung tâm thương mại Vincom.

Đối với các nhà lãnh đạo Việt Nam, Phạm Nhật Vượng và Vingroup là một minh chứng cho sự phát triển của đất nước từ nền kinh tế xã hội chủ nghĩa sang định hướng thị trường. Khi chiếc xe đầu tiên của VinFast ra khỏi dây chuyền lắp ráp, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tuyên bố đó là một ngày tuyệt vời đối với Việt Nam.

Điều mà các nhà lãnh đạo hàng đầu của Vingroup và Việt Nam khao khát là sự công nhận của quốc tế, đặc biệt là ở Mỹ. Nhiều người Mỹ vẫn coi Việt Nam là một quốc gia nghèo, lạc hậu, không thể có những sản phẩm công nghệ cao và hiện đại. Việc giới thiệu thành công ra toàn cầu một sản phẩm của Vingroup cho dù đó là một chiếc xe hơi hay máy thở cũng có thể thay đổi cách thế giới nhìn Việt Nam.

Vingroup đã cấu hình dây chuyền lắp ráp máy thở đầu tiên trong vòng chưa đầy một tháng, tùy chỉnh ba dây chuyền trong nhà máy sản xuất smartphone mới bảy tháng tuổi. Trong khi đó, các kỹ sư Vinfast nghiên cứu thiết kế thiết bị và đại diện của Medtronic tư vấn cho các công nhân chế tạo smartphone và bảng điều khiển TV.

Phạm Nhật Vượng cho biết kế hoạch mở rộng toàn cầu của ông chỉ được thúc đẩy bởi bối cảnh hiện tại. Vingroup dự kiến thuê vài trăm kỹ sư để mở rộng trung tâm nghiên cứu và thiết kế tại Úc, nơi sẽ phát triển các mẫu ô tô và xe điện (EV) tiếp theo của VinFast. Công ty được cho là rất quan tâm đến việc mua lại một số tài sản của nhà sản xuất ô tô Úc sắp bị đình chỉ Holden.

Trước Phạm Nhật Vượng, Li Shu Fu, người đứng đầu nhà sản xuất ô tô tư nhân lớn nhất Trung Quốc Geely Cars Holdings Ltd cũng tuyên bố sẽ vào đất Mỹ. Nổi tiếng sau vụ mua lại Volvo từ tay Ford năm 2010, Li trở thành hãng thống trị thị trường xe hơi Trung Quốc. Và, giống như Vượng, Li tuyên bố tham vọng của mình ở Mỹ. Năm 2006, ông tuyên bố kế hoạch cho Geely xuất khẩu ô tô sang Mỹ. Nhưng hơn một thập kỷ sau, cả Geely hay bất kỳ thương hiệu xe hơi Trung Quốc nào khác đều chưa vào được đất Mỹ.

Phạm Nhật Vượng đã chèo lái công ty qua thời gian khó khăn trước đây. Năm ngoái, công ty tái cấu trúc, từ bỏ kế hoạch ban đầu về một hãng hàng không và bán hết hầu hết các đơn vị cửa hàng bán lẻ.

“Các mảng kinh doanh hiện nay của Vingroup đang có tiềm năng lớn nhất. Chúng tôi sẽ không thay đổi chiến lược”, ông nói. “Nếu xảy ra suy thoái toàn cầu nghiêm trọng, chúng tôi có thể điều chỉnh một số kế hoạch ngắn hạn của mình”.

Phạm Nhật Vượng có sự tự tin của một người đã trở nên giàu có nhờ đọc ra và định hình nhu cầu, mong muốn của người tiêu dùng. Năm 2000, ông trở về Việt Nam và không tìm thấy gì ngoài cơ hội. “Cơ sở hạ tầng lúc đó quá lỗi thời so với thế giới. Hà Nội chỉ có một vài tòa nhà cao tầng và khách sạn 5 sao”, ông nói. “Tôi có tiền, nếu tôi đầu tư và không thể thu được gì, ít nhất thành phố cũng có được những tòa nhà cao đẹp”.

Trong vòng ba năm, ông đã mở khách sạn cao cấp đầu tiên của Việt Nam, khu nghỉ dưỡng và spa trên đảo Hòn Tre. Và rồi Vingroup bắt đầu xây dựng các khu chung cư hiện đại với siêu thị, trường học và trung tâm thương mại. 

Vương tuyên bố kế hoạch xây dựng và bán ô tô vào tháng 9/2017. Chín tháng sau, ông ra mắt kế hoạch sản xuất điện thoại thông minh, VinSmart. Bề rộng của tham vọng và tốc độ thực hiện đã khiến các nhà quan sát cảm thấy “choáng”.

Robot làm việc tại nhà máy VinFast ở Hải Phòng. Ảnh: Bloomberg
Robot làm việc tại nhà máy VinFast ở Hải Phòng. Ảnh: Bloomberg

VinFast ra mắt 3 mẫu xe động cơ đốt trong mới vào năm ngoái và cho biết đã nhận được hơn 17.000 đơn đặt hàng. VinFast có kế hoạch ra mắt chiếc xe điện đầu tiên của mình, một chiếc SUV crossover, tại Triển lãm ô tô Los Angeles vào tháng 11 tới. Pin xe điện do LG Chem chế tạo, cung cấp phạm vi chạy 500 km (310 dặm) trong một lần sạc, thấp hơn khoảng 15% so với Model S. của Tesla. Công ty cho biết họ có kế hoạch thử nghiệm EV rộng rãi vào mùa đông này và bắt đầu bán vào mùa hè.

Tuy nhiên, theo các chuyên gia kế hoạch xuất khẩu xe điện sang Mỹ vào năm 2021 hoặc 2022 là không thực tế. Thông thường, để đạt được sự chấp thuận về an toàn, môi trường và quy định của Mỹ phải mất ít nhất hai đến ba năm và không rõ liệu Vingroup đã bắt đầu quá trình hay chưa. Cơ quan bảo vệ môi trường Mỹ từ chối tiết lộ việc công ty đã nộp hồ sơ hay chưa.

Ngoài ra, còn rất nhiều câu hỏi khác. Tesla Inc., công ty dẫn đầu nhóm các nhà sản xuất ô tô điện của Mỹ, vẫn chưa có lợi nhuận ròng hàng năm. Một loạt các công ty khởi nghiệp EV của Trung Quốc cũng gặp hoàn cảnh tương tự.

Các cơ quan xếp hạng toàn cầu cũng có nghi ngờ riêng của họ. Mùa thu năm ngoái, cả hai cơ quan xếp hạng S&P Global Ratings và Fitch Ratings năm ngoái đã có những quan điểm tiêu cực về Vingroup, lo ngại tập đoàn này phụ thuộc vào mảng kinh doanh bất động sản giàu có,  chiếm phần lớn lợi nhuận của Vingroup. Công ty đã có khoản nợ phải trả là 291 nghìn tỷ đồng (12,5 tỷ USD) trong quý đầu tiên, bao gồm các khoản vay, thanh toán trái phiếu và thuế, tăng 37% so với một năm trước.

Những người khác lại đặt câu hỏi liệu Vingroup có quá to lớn nên không thể thất bại, và cố thủ trong nền kinh tế Việt Nam, chính phủ và các tổ chức ngân hàng sẽ phải bảo lãnh để ngăn chặn sụp đổ. Các đơn vị Vingroup có giá trị thị trường kết hợp khoảng 28 tỷ USD, tương đương khoảng 16% tổng giá trị các công ty giao dịch công khai của Việt Nam. Khi doanh số công ty giảm khoảng một phần ba trong quý đầu năm 2020, đã kéo cả cổ phiếu của Vingroup và thị trường rộng lớn hơn giảm theo.

Đây là một vấn đề chung với các đại tập đoàn quốc gia khác ở châu Á. Nếu Vingroup sụp đổ, chính phủ và cả nước cũng sẽ phải trả giá đắt.

Nguyên mẫu xe điện VinFast. Nguồn: VinFast
Nguyên mẫu xe điện VinFast. Nguồn: VinFast

Ông Vượng không từ chối rủi ro, nói rằng bất kỳ công ty nào cũng có thể sụp đổ. Với những người nghi ngờ tham vọng EV của mình, ông chỉ ra rằng VinFast đã biến một đầm lầy thành một nhà máy ô tô hiện đại,với dây chuyền sản xuất robot hoàn toàn tự động, và giao một chiếc xe hơi trong 21 tháng. 

Phạm Nhật Vượng xác định hơn tất cả ông là một người yêu nước, và ông muốn công ty của mình tiếp tục bổ sung vào danh sách những cái đầu tiên của Việt Nam. 

“Tôi luôn nói với các đồng nghiệp của mình: đừng để cuộc sống trôi qua một cách vô nghĩa. Vào thời điểm cuối đời, nếu không có gì đáng để nhớ hay kể lại, đó mới là một kết thúc đau khổ vì cuộc sống của bạn đã không mang lại bất kỳ giá trị nào”, người giàu nhất Việt Nam nói.

Lược dịch từ Bloomberg

Tin mới

Giảm phí trước bạ: Cứu cánh cho thị trường ô tô trong nước đang ảm đạm?

Giảm phí trước bạ: Cứu cánh cho thị trường ô tô trong nước đang ảm đạm?

Ngay sau khi kết thúc kỳ nghỉ Tết Quý Mão 2023, thị trường ô tô Việt Nam đã có dấu hiệu lao dốc và ảm đạm dù vừa vượt mốc thị trường nhỏ vào cuối năm 2022. Để kích cầu, nhiều hãng ô tô tại Việt Nam liên tục tung ra những hình thức khuyến mại, ưu đãi lớn. Tuy nhiên, mọi cố gắng dường như chưa đủ sức để giúp doanh số bán hàng của thị trường tăng trưởng trở lại như kì vọng.
Hyundai Kona 2023 lộ diện với thiết kế “lột xác”

Hyundai Kona 2023 lộ diện với thiết kế “lột xác”

Hyundai Kona đã ra mắt lần đầu tiên cách đây hơn nửa thập kỷ vào năm 2017 và được nâng cấp vào năm 2020. Trước khi năm 2022 sắp kết thúc, nhà sản xuất ô tô Hàn Quốc hiện đang mang đến cái nhìn đầu tiên về Kona thế hệ thứ hai, mẫu xe nhận được sự thay đổi triệt để.
Diễn biến trái chiều thị trường ô tô Việt dịp cuối năm

Diễn biến trái chiều thị trường ô tô Việt dịp cuối năm

Cận Tết Dương lịch 2023 và Tết Nguyên đán Quý Mão, các hãng xe lắp ráp trong nước và xe nhập khẩu tại Việt Nam đang “chạy đua” triển khai các chương trình khuyến mãi, giảm giá để kích cầu. Mặc dù vậy, vẫn có những hãng xe đi ngược số đông vì nhiều lý do.